Đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam đề xuất nhiều giải pháp phòng chống thiên tai
(QNO) - Sáng nay 3.11 tiếp tục diễn ra Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác…
Tại kỳ họp, đồng chí Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam gửi lời cảm ơn đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ ngành Trung ương, đồng bào và chiến sĩ cả nước, các cơ quan thông tấn báo chí trong thời gian qua đã rất quan tâm, động viên, chia sẻ kịp thời đối với miền Trung nói chung, trong đó có Quảng Nam trong công tác khắc phục, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ đợt bão lũ vừa qua.
Quan tâm đời sống người dân miền núi
Phát biểu thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Phan Thái Bình đề xuất nhiều ý kiến liên quan sau các sự cố thiên tai xảy ra tại miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng. Đại biểu cho rằng, sắp tới sẽ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đề án có rất nhiều nội dung. Tuy nhiên từ thực tiễn, nên có một cơ chế “hỗ trợ cấp gạo không” cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để nhân dân khỏi trồng lúa rẫy, khuyến khích nhân dân giữ rẫy để làm rừng, trồng rừng. Nhà nước cấp gạo, sau đó tạo cho người dân có nguồn sinh kế tại chỗ, giải quyết công ăn việc làm, yên tâm về vấn đề lương thực.
Đồng thời có cơ chế, chính sách để trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa, rừng sinh kế cho người dân. Đặc biệt là các dự án hồ thủy điện, thủy lợi... luôn có việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng, nhất là rừng phòng hộ sang mục đích khác. Vì thế, cần hết sức quan tâm việc trồng rừng thay thế đảm bảo các nguyên tắc: vị trí trồng, loại cây trồng, đảm bảo nguyên tắc phòng hộ.
“Rừng phòng hộ trồng cây bản địa, cây gỗ lớn tự nhiên khi thay bằng cây keo, cây khác thì sẽ không tốt. Không khéo khu vực này đang thực hiện chức năng phòng hộ, nhưng trồng lại ở vị trí khác cũng đảm bảo diện tích nhưng lại không còn chức năng phòng hộ nữa” - đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh.
Đại biểu Phan Thái Bình cũng cho rằng, cần quan tâm cơ chế hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sạt lở, khuyến khích và khuyến cáo người dân làm nhà sàn ở vùng sạt lở. Thực tiễn cho thấy nơi nào làm nhà sàn thì khi sạt lở không bị vùi lấp, nhà chỉ bị đẩy đi; đồng thời xây dựng nhà chống lụt ở vùng trũng thấp, hầm trú bão ở vùng ven biển. Cần rà soát lại toàn bộ hệ thống hồ đập, đặc biệt là các dự án thủy điện vừa và nhỏ trong phạm vi cả nước, đánh giá tác động đến môi trường, thiên tai để đảm bảo an toàn hồ đập và có thông tin rộng rãi cho nhân dân yên tâm.
Đề xuất kéo dài thí điểm Nghị quyết 42 để xử lý nợ xấu
Theo đại biểu Phan Thái Bình, Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian đã thực hiện rất tốt. Quảng Nam đề xuất kéo dài thực hiện thí điểm nghị quyết này để xử lý nợ xấu. Qua thực tiễn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, một trong những nguồn dẫn đến nợ xấu là khi thực hiện chủ trương lớn - Nghị định 67 nhưng hiện tại có những vướng mắc, bất cập. Bởi khi các tổ chức tín dụng cho vay để làm các “tàu 67” đến 90 - 95% giá trị con tàu và tài sản thế chấp chính là con tàu này.
Qua thực tiễn cho thấy, có những con tàu vỏ thép khi đóng mới thì đảm bảo được rất nhiều yếu tố nhưng ngư dân lại chưa quen với việc sử dụng. Chi phí cho những con tàu vỏ thép rất tốn nhiên liệu nên khi vươn khơi bám biển rất khó khăn. Vì thế, cần có cơ chế hỗ trợ cho nhân dân cải hoán các tàu để phù hợp với chuyên môn, khả năng ra khơi và phong tục truyền thống sử dụng tàu vỏ gỗ, vỏ composite. Ưu tiên thanh toán cho các tổ chức tín dụng trước nhưng luôn luôn phát sinh các khoản thu thuế, vì thế nên tính toán lại hướng dẫn.
Ngoài ra, cơ chế chuyển đổi chủ sở hữu có nhiều bất cập, chủ sở hữu mới không thể nhận toàn bộ nợ vay ngân hàng trong khi giá trị thế chấp phần còn lại của con tàu chỉ có 30 - 40%. Nên khi chuyển thì chủ sở hữu mới chỉ nhận phần còn lại của con tàu, còn tài sản thế chấp thì chủ sở hữu cũ phải thế chấp bằng tài sản khác để đảm bảo cơ chế trong chuyển chủ sở hữu.