Quy định chi tiết một số điều Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14
Ngày 19.10.2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Nghị định này có 9 chương, 44 điều, có hiệu lực từ thi hành từ ngày 5.12.2020.
Theo đó, Nghị định 126 quy định về các nội dung khai thuế, tính thuế; ấn định thuế; thời hạn nộp thuế, trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; hoàn thuế, khoanh tiền thuế nợ, xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; trách nhiệm cung cấp thông tin, công khai thông tin người nộp thuế (NNT) và trách nhiệm của ngân hàng thương mại và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực thuế, trừ nội dung quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, áp dụng hóa đơn, chứng từ, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về thuế và hóa đơn, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Ngoài ra, nghị định còn có một số vấn đề khác được Chính phủ giao như ủy nhiệm thu, mua thông tin dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế và cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Một trong những nội dung của Nghị định 126 được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm là quy định về quản lý thuế đối với NNT trong thời hạn tạm ngừng hoạt động, hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn. Theo đó, NNT không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch, hoặc năm tài chính. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán sẽ được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế tương ứng với thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trong thời gian ngừng, nghỉ hoạt động, NNT không được sử dụng hóa đơn. Nếu kinh doanh trở lại đúng thời hạn đã đăng ký thì không phải thông báo, nhưng hoạt động trở lại trước thời hạn thì phải thông báo với cơ quan quản lý nơi đã đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh, đồng thời thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về thuế. Một điểm khác NNT cần lưu ý khi có thay đổi về vốn trong năm thì NNT phải nộp lại hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30.1 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi (Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).
Luật Quản lý thuế số 38 đã sửa đổi, bổ sung các trường hợp được khoanh tiền thuế nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Để rõ ràng, minh bạch trong việc khoanh nợ, Nghị định 126 đã quy định cụ thể về thành phần hồ sơ, thời gian, trình tự thủ tục đối với từng trường hợp cụ thể. Đồng thời, khi xem xét khoanh nợ, thủ trưởng cơ quan thuế phải ban hành quyết định khoanh tiền thuế nợ đối với các trường hợp đủ điều kiện. Đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ phát sinh trước ngày 1.7.2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2006 đã được sửa đổi tại Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13, Luật số 106/2016/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với các khoản tiền nợ thuế đến hết ngày 30.6.2020 thì được xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP (trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định 126/2020/NĐ-CP). Các trường hợp được Chính phủ cho phép gia hạn thời gian nộp thuế, thì tiếp tục thực hiện theo quy định.