Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả bão số 9
Chiều qua 1.11, tại Quảng Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn với lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và TP.Đà Nẵng.
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Nguyễn Hòa Bình; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải; lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành của Trung ương; cùng đại diện lãnh các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và TP.Đà Nẵng. Về phía tỉnh Quảng Nam có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.
Quảng Nam ước thiệt hại khoảng 3.800 tỷ đồng
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, chủ động ứng phó với bão số 9, Quảng Nam đã kịp thời sơ tán 88.000 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; kêu gọi hơn 3.000 tàu thuyền cập bờ an toàn trước khi bão đổ bộ. Tuy nhiên, ở miền núi thiệt hại nặng nề do sạt lở đất và lũ quét khiến 23 người chết, 24 người mất tích, 81 người bị thương. Trong đó, nặng nhất là vụ lũ ống và sạt lở đất ở xã Trà Leng (Nam Trà My) khiến 22 người chết và mất tích; Phước Lộc (Phước Sơn) 11 người bị vùi lấp, hiện 6 người còn mất tích. Hiện các lực lượng Quân khu 5 và của tỉnh phối hợp với nhân dân đang tích cực triển khai bằng rất nhiều phương án cần thiết để tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích, cũng như cứu hộ, cứu nạn người bị thương.
Do ảnh hưởng của bão số 9, trên địa bàn Quảng Nam có 27.750 ngôi nhà bị hư hại (trong đó 217 nhà bị sập hoàn toàn); nhiều công trình giao thông, các tuyến đường bị hư hỏng nặng nề, đang được khẩn trương khắc phục. Riêng khu vực các xã Phước Lộc, Phước Thành (Phước Sơn) do bị chia cắt các tuyến đường khiến 2.800 hộ bị cô lập.
“Tỉnh đã đề xuất Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cử lực lượng phối hợp với Sư đoàn 312 cơ động cả về đường hàng không và đường bộ để triển khai tiếp tế, cung cấp lương thực. Tinh thần của tỉnh là công tác phối hợp triển khai đảm bảo cung ứng lương thực và thuốc men đủ trong vòng 30 ngày cho người dân” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Đồng chí Lê Trí Thanh cho biết, tỉnh đã đề nghị Quân khu 5 hỗ trợ phương tiện về cầu sắt, khắc phục tạm thời giao thông đi lại đảm bảo bằng xe máy để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn miền núi Phước Sơn. Đến đầu giờ chiều qua 1.11, toàn bộ 211 công nhân thủy điện Đăk Mi 2 đã được an toàn. Ước tính thiệt hại sơ bộ toàn tỉnh khoảng 3.800 tỷ đồng.
Đồng chí Lê Trí Thanh kiến nghị Quân khu 5 phối hợp với quân sự địa phương phương tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích trong các vụ sạt lở đất trước khi bão số 10 đổ bộ; kịp thời sơ tán người dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với lực lượng vũ trang thực hiện kế hoạch sơ tán người dân, kịp thời phân phối lương thực, thực phẩm đến tay người dân ở khu vực có nguy cơ bị chia cắt, cô lập. Đồng thời kiến nghị Chính phủ cấp thêm cho Quảng Nam 1.000 tấn gạo để phân phát hỗ trợ người dân.
Liên quan đến kinh phí khắc phục hạ tầng, phục hồi sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ, cùng với các nguồn lực khác của xã hội, để sớm khắc phục thiệt hại hạ tầng và hỗ trợ người dân sớm sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng. Ngoài ra, Chính phủ cần quan tâm giúp các tỉnh khu vực miền Trung, miền núi phía Bắc sớm có bản đồ cảnh báo về sạt lở. Tùy theo đặc điểm, điều kiện tự nhiên của từng vùng, cần có nghiên cứu sâu của các lực lượng chuyên môn cao để đánh giá khu vực, từ đó có những khuyến cáo kịp thời, hạn chế rủi ro do thiên tai, bão lũ.
Đồng chí Lê Trí Thanh cũng đề nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ công tác bố trí, sắp xếp dân cư miền núi theo Nghị quyết 88 của Chính phủ. Kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu toàn bộ khu vực miền núi miền Trung, trong đó có Quảng Nam, để tìm các loại cây trồng vừa làm gỗ lớn, nhưng có thời gian dài cùng với các loại cây kinh tế dài ngày khác để hạn chế việc khai thác ngắn hạn, dẫn đến độ che phủ rừng quá ngắn, ảnh hưởng đến thảm thực vật ổn định lâu dài ở khu vực miền núi.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, để sớm có đường đi lại cho người dân ở các vùng bị cô lập, Bộ Giao thông vận tải và Quân khu 5 cần giúp Quảng Nam mở đường về các điểm bị cô lập tại huyện Phước Sơn; cũng như quan tâm xây kè bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An). Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đề nghị cần cho người dân vay tiền lãi suất thấp để xây nhà trú tránh bão lụt, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Không để người dân bị thiệt thòi
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những thiệt hại mà các tỉnh miền Trung đã gánh chịu trong đợt bão lũ vừa qua. Đồng thời cho biết, Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội chia sẻ với những mất mát của các tỉnh miền Trung và biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong công tác chỉ đạo, đặc biệt các lực lượng của Trung ương tham gia phòng chống thiên tai, quân đội, công an đã ngày đêm bám sát hiện trường, bất chấp hiểm nguy, đảm bảo an toàn cho người dân trong mưa bão. Trong đó, nhiều tấm gương dũng cảm, lăn xả cứu dân, những đóng góp này cần phải được trân trọng. Tuy nhiên, mưa bão lịch sử đã gây ra thiệt hại cho nhân dân rất lớn, ngoài tính mạng, còn có hàng trăm người bị thương, mất tích và nhiều tài sản bị hư hại. Thủ tướng nhấn mạnh, dù phía trước còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước luôn tin tưởng người dân miền Trung sẽ vượt qua tất cả, tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Thủ tướng lưu ý, trước tình hình bão lũ phức tạp, các địa phương cần phải thích ứng với thiên nhiên, giải quyết hiệu quả và sẵn sàng sống chung an toàn với thiên tai, bão lũ. Đồng thời mong muốn toàn hệ thống chính trị, nhân dân cần phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi trở ngại của thiên nhiên.
Đánh giá cao công tác cứu hộ của các lực lượng quân đội, công an thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, cần tiếp tục tìm mọi biện pháp để cứu người, tìm kiếm nạn nhân còn mất tích ở các địa phương và tích cực điều trị người bị thương, sống sót sau các vụ lở đất kinh hoàng. Không để người dân sống trong cảnh màn trời, chiếu đất; đói cơm, lạt muối, bệnh tật sau lũ. Ngành y tế từ Trung ương đến địa phương phải hỗ trợ thuốc men phòng ngừa dịch bệnh. Ngoài ra, vận động mọi biện pháp để con em có trường lớp học tập; ngành giáo dục cần phát động quyên góp sách vở, đảm bảo việc học tập không bị gián đoạn. Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần tiếp nhận các nguồn viện trợ một cách công khai minh bạch, có tiền đến đâu hỗ trợ đến đó, kịp thời nhanh chóng…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, triển khai hoạt động hỗ trợ, giúp người dân đảm bảo cuộc sống sau lũ, nhất là các điều kiện về sinh kế, ổn định nhà ở, chăm sóc sức khỏe… Liên quan đến kiến nghị của các địa phương, Thủ tướng lưu ý cần tính toán theo mức độ thiệt hại, khẩn trương tổng hợp bổ sung để có cơ sở xem xét, hỗ trợ. Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm trình phương án hỗ trợ các tỉnh bị lũ lụt, tính toán chặt chẽ theo mức hỗ trợ phù hợp, không để người dân bị thiệt thòi. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đồng ý hỗ trợ mỗi căn nhà bị sập do bão lũ là 40 triệu đồng và nhà tốc mái 10 triệu đồng. Việc hỗ trợ phải chính xác, đúng trường hợp.