[TỪ PHƯỚC THÀNH THƯƠNG ĐAU] - Nước mắt không ở trong rừng

THÀNH CÔNG 31/10/2020 19:55

(QNO) - Lũ quét tràn xuống Phước Thành. Sạt lở ập lên đầu những người dân nhỏ bé nơi thôn 6 Phước Lộc... Nhưng những nỗi đau, không chỉ ở sâu trong cánh rừng Phước Lộc, Phước Thành, nơi còn bị cô lập. Có những giọt nước mắt đầy thương xót, từ chính Khâm Đức, trong màn mưa buồn phố núi.

Thôn 2 xã Phước Thành tan hoang sau trận lũ quét. Ảnh: H.V.P
Thôn 2 xã Phước Thành tan hoang sau trận lũ quét. Ảnh: H.V.P

Hồ Văn Lan, học sinh lớp 10/2, trường THPT Dân tộc nội trú Phước Sơn (thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn) mất cha 6 năm về trước. Trận sạt lở kinh hoàng tại thôn 3 xã Phước Lộc vào trưa 28.10 vừa qua biến em thành đứa trẻ mồ côi, khi cướp đi bà ngoại, mẹ và em gái của Lan khi họ ở trong ngôi nhà nhỏ.

“Em muốn về nhà”

11 giờ đêm 28.10, cô giáo Dương Lệ Quyên - Chủ nhiệm lớp 10/2 nhận tin báo từ bạn của em về vụ việc. Suốt những ngày sau đó, dù đã theo sát, động viên, nhưng nỗi ám ảnh quá lớn cứ hằn in trong tâm trí cậu học trò.

Hồ Văn Lan, học sinh lớp 10/2 trường PTDT Nội trú Phước Sơn. Bên cạnh em là cô giáo Hồ Thị Thùy Dung. Ảnh: T.C
Hồ Văn Lan, học sinh lớp 10/2 trường PTDT Nội trú Phước Sơn. Bên cạnh em là cô giáo Hồ Thị Thùy Dung. Ảnh: T.C

Một sáng thứ 7 của hai tháng trước, Lan về nhà. Em mua được cho em gái một món quà nhỏ, từ số tiền mình tiết kiệm được. Ở với bà ngoại và mẹ cùng em gái được 1 ngày, chiều tối chủ nhật em trở ra trường. Nếu trời không mưa lớn, em đã được trở về hai lần nữa, một lần vào thứ 7 cuối cùng của tháng 9, và một lần nữa, theo dự định, là hôm nay.

...Nhưng giờ, Lan không còn nhà nữa để trở về. Núi trượt xuống, mang theo đống đất đá khổng lồ chôn vùi căn nhà của Lan ở thôn 3 xã Phước Lộc. Bà ngoại, mẹ và em gái em nằm sâu trong đống đổ nát sau trận lở núi.

Nghe tin, cô Quyên vội tìm đến với cậu học trò. Em gục mặt xuống bàn học, khóc suốt đêm hôm đó. Chị gái và anh trai của Lan đang ở Khâm Đức là người báo tin cho Lan. Mắt Lan vẫn sưng, nỗi đau quá lớn, cậu bé không thể đối diện chuyện trò với mọi người.

Cô Phạm Thị Thứ - Hiệu trưởng nhà trường kể, sau hôm đó, mọi thầy cô đều tìm đến động viên Lan. Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT nghe tin cũng đã đến tận trường hỏi thăm, tặng quà cho em.

“Đến hôm nay Lan mới ổn định trở lại được một chút. Nhưng nhà trường vẫn theo sát em, vẫn động viên em từng ngày, từng giờ. Thầy cô thay người thân của em, và trường nội trú là ngôi nhà của Lan, từ bây giờ”, cô Thứ nói.

Dù cô Quỳnh Ly (trái) đã theo sát, động viên suốt nhiều ngày nay, nhưng Hồ Thị Sơ vẫn khóc. Ảnh: T.C
Cô giáo Quỳnh Ly (trái) đã theo sát, động viên em Hồ Thị Sơ suốt nhiều ngày nay Ảnh: T.C

Cách nhà của Lan chỉ chừng vài chục mét, là nhà của cô bé Hồ Thị Sơ. Sơ học trên Lan một lớp, đang là học sinh lớp 11/2 của trường. Tin dữ cũng đến với Sơ ngày hôm đó. Mãi đến hôm qua 30.10, Sơ mới nhận được tin ba mình đang được điều trị tại trạm y tế xã Phước Kim. Người cha ấy may mắn chạy thoát, sau hai ngày băng rừng, trên người chi chít vết thương.

“Người ta kể ba em đang làm ruộng, ngẩng lên thì thấy đất đá tràn xuống. Ba bỏ chạy, chạy mãi trong rừng, hai ngày sau mới đến Phước Kim và được cấp cứu. Nghe nói ba bị thương khắp người. Người ta cũng nói mẹ em có thể chạy lạc trong rừng, chưa tìm thấy” - Sơ chỉ nói được đến đó rồi gục lên vai cô giáo Hoàng Thị Quỳnh Ly. Em khóc.

Hai cô trò trong lớp giờ tự học. Mấy hôm nay, cô Ly đưa Sơ về ngủ ở nhà mình. Ảnh: T.C
Hai cô trò trong lớp giờ tự học. Mấy hôm nay, cô Ly đưa Sơ về ngủ ở nhà mình. Ảnh: T.C

Cô Quỳnh Ly là tổ trưởng tổ tư vấn tâm lý và giáo dục kỹ năng sống của trường. Hai đêm liền, cô đưa Sơ về nhà mình ngủ, với ý nghĩ hơi ấm gia đình sẽ làm em ổn định hơn, khi mẹ Sơ vẫn còn chưa biết tung tích.

Giờ tự học, Sơ lên lớp, cô Ly theo sát em, cứ thủ thỉ, vỗ về. Và chìa vai ra cho Sơ khóc… “Em muốn về nhà”, câu nói mà Sơ nói nhiều nhất với cô Quỳnh Ly. Sơ kể Sơ thích ăn mọi thứ mẹ nấu, mẹ hay đau khớp, mỗi lần như thế, lại kêu Sơ bóp tay, bóp chân cho mẹ. Cô trò nhỏ vẫn khẩn khoản xin các thầy, các cô, cho Sơ về. Thầy cô giáo trong trường đã hứa với Sơ, và với cả Lan, rằng khi trời dứt mưa, đường thông trở lại, chính thầy cô sẽ đưa các em về làng.

“Các em ở đây đều có chế độ chăm sóc, học tập như nhau, đều được hỗ trợ tiền ăn, tiền học và chi phí sinh hoạt nên từ giờ trở đi không phải lo lắng về việc chăm lo cho các em. Nhưng nhà trường chỉ có thể nuôi các em 3 năm học phổ thông. Thầy cô rất lo, quãng đường còn rất dài sau đó, ai sẽ giúp, liệu các em có đủ vững vàng để tiếp tục giấc mơ của cuộc đời mình” - cô hiệu trưởng Phạm Thị Thứ nói.

Trôi theo cơn lũ

Cô giáo Hồ Thị Thùy Dung và thầy Hồ Văn Hiền đều là người Giẻ Triêng, cũng từng là cựu học sinh của trường THPT Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn. Ra trường, cả hai cùng về lại trường, tiếp tục dạy dỗ thế hệ đàn em. Cô Dung là giáo viên môn Ngữ Văn, còn thầy Hồ Văn Hiền là giáo viên thể dục.

Nhà của cô giáo Dung giờ bị vùi trong đống đổ nát này. Căn nhà vừa được dựng, vợ chồng cô Dung chưa một ngày nào được ở trong nhà mới. Ảnh: H.V.P
Nhà của cô giáo Dung giờ bị vùi trong đống đổ nát này. Căn nhà vừa được dựng, vợ chồng cô Dung chưa một ngày nào được ở trong nhà mới. Ảnh: H.V.P

Trước bão số 9, cô Dung và thầy Hiền cùng nhiều thầy cô khác được phân công ở lại trường, vừa tham gia phòng chống bão, vừa chăm sóc cho các em. Trước đó, dù đã có chỉ đạo cho học sinh nghỉ học, nhưng lo sợ nguy hiểm cho các em nên trường quyết định giữ các em ở lại. Các thầy, cô cùng túc trực.

Quê cô Dung ở thôn 2 xã Phước Thành. Chồng là công nhân một công ty, cô cùng hai con nhỏ một đang học lớp 1, một mới 4 tuổi sống nhờ nhà bác. Hai vợ chồng gom góp nhiều năm, vay thế chấp lương thêm 150 triệu đồng làm một căn nhà mới ở thôn 2, Phước Thành. Căn nhà vừa hoàn thành, cả hai vợ chồng chưa được một ngày ở trong căn nhà mới thì lũ quét đến. Không tìm thấy gì còn lại sau trận lũ, ngoài đống đổ nát.

Clip trận lũ kinh hoàng ập xuống thôn 2, Phước Thành do người dân ghi lại gửi cô giáo Hồ Thị Thùy Dung: 

Vợ chồng thầy Hồ Văn Hiền ở gần xã Phước Năng, cách trường 7 cây số. Trong trận bão, nước suối dâng cao, vợ thầy gọi điện báo không thể băng qua suối để gỡ dây buộc con trâu, tài sản lớn nhất của gia đình, dắt đến nơi cao ráo. Nước dâng quá nhanh, vợ thầy Hiền chỉ kịp bồng bế hai con sơ tán, lũ cuốn sạch, từ trâu, đàn heo, gà và làm hư hỏng căn nhà gỗ nhỏ của hai vợ chồng. Mọi thứ tan hoang, lúc thầy Hiền trở về, sau khi học sinh của mình an toàn sau cơn bão.

“Cả nhà sống nhờ vào suất lương của em, vợ làm nông, mọi thứ ở nhà như trâu, heo gà là tài sản tích cóp giờ đã trôi mất sạch. Giờ đến sửa nhà bị hư hỏng do lũ, em cũng lo không biết lấy đâu ra tiền” - thầy Hiền nói.

Cô hiệu trưởng Phạm Thị Thứ (ngoài cùng bên trái) nói, trường học giờ là nhà của các em, và thầy cô cũng là người thân của các em trong thời gian sắp tới. Ảnh: T.C
Cô hiệu trưởng Phạm Thị Thứ (ngoài cùng bên trái) nói, trường học giờ là nhà của các em, và thầy cô cũng là người thân của các em trong thời gian sắp tới. Ảnh: T.C

Lũ học trò, nhiều em vẫn vô tư đùa giỡn dọc hành lang. Trận bão, tất cả học sinh đều an toàn, trường không có thiệt hại gì lớn vì thầy cô đã dốc sức chằng chống trước bão. Gia đình cô Dung chẳng còn nhà nữa để về. Vợ chồng thầy Hiền, cũng chẳng khá hơn, khi nước mưa vô tư xâm chiếm lấy căn nhà đã trống hoác, tan hoang vì bão. Các thầy, các cô vẫn ở đó, trong trường nội trú, bên cạnh lũ học trò vô tư, và bên cạnh Hồ Văn Lan, Hồ Thị Sơ.

“Các em cần mình hơn. Mình mất đi nhà cửa, của cải, còn các em, đã vĩnh viễn mất đi ngôi nhà lẫn người thân trong gia đình” - cô Dung nói. Mưa vẫn đổ xuống thị trấn Khâm Đức, dầm dề. Tin bão số 10 cũng vừa tràn ngập…

THÀNH CÔNG