Trà Giáp, Trà Ka vẫn bị cô lập, giao thông ách tắc nghiêm trọng

NGUYỄN MINH 31/10/2020 16:34

(QNO) - Cơn bão số 9 vừa tan, huyện Bắc Trà My thành lập nhiều tổ công tác tìm mọi cách cắt rừng, băng suối tiếp cận với các địa phương vùng cao để nắm tình hình thiệt hại nhằm có giải pháp khắc phục, cứu dân. Xã Trà Ka, Trà Giáp hiện vẫn bị cô lập.

N út giao thông huyết mạch vào 2 xã Trà Giáp, Trà Ka bị cắt đứt do xói lở nặng tại nóc ông Vẫn, thôn 1 Trà Giáp.
Nút giao thông huyết mạch vào 2 xã Trà Giáp, Trà Ka bị cắt đứt do xói lở nặng tại nóc Ông Vân (thôn 2, Trà Giáp). Ảnh: NGUYỄN MINH

Cho đến ngày 31.10, 2 xã Trà Giáp và Trà Ka vẫn bị cô lập do tuyến giao thông huyết mạch về 2 xã bị cắt đứt bởi sạt núi và nước lũ làm xói lở; hệ thống điện và thông tin liên lạc hoàn toàn tê liệt. Tuyến đường ĐH4 từ trung tâm huyện về 2 xã này có hàng chục điểm sạt lở với hàng nghìn khối đất đá, cây cối tràn xuống đường.

Huyện Bắc Trà My đã nỗ lực huy động tổng lực phương tiện cơ giới và các lực lượng tại chỗ để san gạt, cắt cây… cả ngày lẫn đêm trong những ngày qua để thông tuyến. Tuy nhiên, chỉ thông tuyến đến hết xã Trà Giác, còn đến đoạn vào xã Trà Giáp chưa thể khắc phục.

Tại nút giao thông nóc Ông Vân thuộc thôn 2 xã Trà Giáp, cống thoát nước bị nghẹt do cây rừng và rác, nước lũ xé toạc một đoạn dài tạo dòng chảy mới, xói lở thành vực sâu, cắt đứt mặt đường hơn 20 mét. Dân quân, công an xã đã dùng cây rừng bắc qua ghềnh đá để người dân qua lại tạm bợ. 

Dân quân và công an lấy cây rừng gát tạm để người dân qua lại.
Dân quân và công an gác tạm cây rừng để người dân qua lại nhưng rất nguy hiểm. Ảnh: NGUYỄN MINH

Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, Phó ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cho hay, qua kiểm tra thực tế, thiệt hại về hạ tầng, nhà cửa ở xã Trà Giáp, Trà Ka là quá lớn, khó có thể thống kê hết.

Về người, trường hợp thiệt mạng duy nhất tại Bắc Trà My là tại Trà Giáp.

Phần lớn nhà của người dân, trường học 2 xã này đều bị ảnh hưởng như tốc mái, sập hoặc hư hỏng một phần. Toàn huyện có 49 nhà thiệt hại hơn 70% thì 2 xã Trà Giáp và Trà Ka có đến 34 nhà; hầu hết đất sản xuất lúa nước ven sườn núi, sông suối đều bị bồi lấp; đập thủy lợi, cầu treo… đều hư hỏng nặng hoặc bị lũ cuốn trôi. 

Cầu treo, nhà dân bị thiệt hại.
Mưa lũ làm hư hỏng cây cầu treo. Ảnh: NGUYỄN MINH

Theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, bước đầu huyện đã hỗ trợ đột xuất cho gia đình có người chết 6,4 triệu đồng, người bị thương 3,7 triệu đồng, mỗi ngôi nhà tốc mái hoặc hư hỏng nặng được hỗ trợ từ 1 đến 1,5 triệu đồng để người dân tạm ổn định cuộc sống.

“Huyện thành lập 2 tổ công tác khẩn cấp gồm các lực lượng quân sự và công an huyện, ngay trong chiều 31.10 sẽ về xã Trà Giáp, Trà Ka để giúp dân khắc phục, sửa chữa nhà ở và các công trình dân sinh. Bằng mọi cách phải huy động các lực lượng vận chuyển lương thực, thực phẩm đến 2 xã này, không để cho bà con thiếu đói” - ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện quả quyết.

Các lực lượng tại chỗ giúp dân lợp lại nhà ở.
Các lực lượng tại chỗ giúp dân lợp lại nhà ở. Ảnh: NGUYỄN MINH

Ông Trần Toại - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay khó nhất hiện nay là hệ thống điện, thông tin liên lạc tại 2 xã này vẫn bị tê liệt nên rất khó trong việc nắm bắt thông tin và chỉ đạo điều hành. Thời tiết vùng Trà My vẫn có mưa nặng hạt nên việc khắc phục, cứu hộ những thôn nóc, nhà dân bị sập… diễn ra rất chậm và tiềm ẩn nguy hiểm cho các lực lượng tham gia…

Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, Thái Hoàng Vũ thăm, hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại tại Trà Giáp.
Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - Thái Hoàng Vũ thăm, hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại tại Trà Giáp. Ảnh: NGUYỄN MINH

Huyện đang đề nghị ngành điện và các doanh nghiệp viễn thông ưu tiên khắc phục nhanh, cấp điện và thông tin liên lạc trở lại để tạo thuận lợi cho việc kết nối thông tin điều hành, cứu giúp dân khắc phục hậu quả.

Được biết, tính đến trưa 31.10, điện chỉ mới cấp được trở lại một phần tại thị trấn Trà My, hầu hết địa bàn khác tại Bắc Trà My đều chưa thể đóng điện do nhiều trụ điện ngã đổ, đường dây hư hỏng nặng.

NGUYỄN MINH