Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NAM 31/10/2020 10:23

(QNO) - Hỏi: Người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, thì thời gian được hưởng chế độ ốm đau như thế nào?

Trả lời: Khoản 2, Điều 26 Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

- Tối đa 180 ngày, tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần.

- Hết thời hạn 180 ngày hưởng chế độ ốm đau nêu trên mà vẫn tiếp tục điều trị, thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

Để được hỗ trợ tư vấn và giải đáp chi tiết, có thể liên hệ đến tổng đài của BHXH Việt Nam theo số điện thoại: 1900.9068.

Hỏi: Trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia BHXH, có con dưới 7 tuổi bị ốm đau, thì thời gian được hưởng chế độ ốm đau như thế nào?

Trả lời: Khoản 1, Điều 27 Luật BHXH năm 2014 quy định, thời gian hưởng chế độ ốm đau khi con ốm trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con, tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 3 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi.

Điểm b, Điểm c, Khoản 1, Điều 5 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29.12.2015 của Bộ LĐ-TB&XH cũng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định: Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH, thì tùy theo điều kiện của mỗi người, có thể luân phiên nghỉ việc hoặc cùng nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau và cả cha, mẹ đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau.

Thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con như quy định đã nêu ở trên.

BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NAM