Hiểm họa sạt lở

THÀNH CÔNG 31/10/2020 09:34

Trong những ngày này, thảm họa sạt lở đã thành nỗi ám ảnh. Từ núi xuống biển, từ những làng mạc nhỏ bé nằm nơi chân đồi hay bờ biển Cửa Đại từng nằm trong top bờ biển đẹp của hành tinh lần lượt đối mặt với nỗi ám ảnh sạt lở. Đã có rất nhiều cuộc họp, hội nghị bàn tìm giải pháp, cùng rất nhiều công trình tiền tỷ cấp bách triển khai sau đó để cứu lấy từng mét bờ sông, bờ biển trước nguy cơ sạt lở. Bãi biển Cửa Đại vẫn mất dần, núi vẫn lở, hàng trăm hộ dân vẫn đối diện nguy cơ bị nuốt chửng. Thực trạng này đòi hỏi chính quyền cần có những tính toán căn cơ hơn.

Lực lượng quân đội đưa người bị thương trong vụ sạt lở ở Trà Leng (Nam Trà My) đi cấp cứu. Ảnh: HỮU PHÚC
Lực lượng quân đội đưa người bị thương trong vụ sạt lở ở Trà Leng (Nam Trà My) đi cấp cứu. Ảnh: HỮU PHÚC
ÁM ẢNH SẠT LỞ

Sạt lở diễn ra thường xuyên hơn, với cường độ nghiêm trọng và mức độ thiệt hại ngày càng lớn hơn. Hiện tại, chính quyền, quân đội cùng các lực lượng triển khai mọi phương án để tìm kiếm nạn nhân trong vụ sạt lở mới nhất xảy ra ở xã Trà Leng (Nam Trà My), nơi một ngôi làng gần như bị xóa sổ với hàng chục người mất tích.

Từ núi xuống biển

Quảng Nam trở thành vùng đối diện với thảm họa sạt lở từ hàng chục năm nay. Sau cơn bão số 9 vào trưa 28.10, tình trạng sạt lở xảy ra tại hầu hết huyện vùng cao của tỉnh. Nghiêm trọng nhất, tại nóc ông Đề (thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) cả ngôi làng bị xóa sổ do sạt lở núi vùi lấp khiến hàng chục người mất tích.

Tại xã Trà Vân (cũng ở Nam Trà My), chính quyền địa phương và người dân tìm thấy được 7 thi thể trong một vụ sạt lở khác. Trước đó, tháng 11.2017, núi lở ở xã Trà Vân tại nóc ông Tuân làm 5 người chết, 9 người khác bị thương hàng chục hộ dân buộc phải di dời xuống tái định cư vùng Khe Chữ.

Tại trung tâm huyện Nam Trà My, đất đá sụt đổ, trôi thành lớp bùn đất dài hàng trăm mét với 100 hộ dân bị ảnh hưởng, 4 người bị đất đá vùi lấp rất may đã kịp thoát khỏi vùng nguy hiểm, hàng trăm người buộc phải sơ tán khẩn cấp đến Đài Truyền thanh - truyền hình huyện để trú ẩn.

Sạt lở nghiêm trọng đe dọa 100 hộ dân ở trung tâm huyện Nam Trà My sau bão số 9. Ảnh: H.T
Sạt lở nghiêm trọng đe dọa 100 hộ dân ở trung tâm huyện Nam Trà My sau bão số 9. Ảnh: H.T

Thảm nạn không dừng lại tại đó. Trong cơn bão số 9, các xã vùng cao Phước Sơn như Phước Thành, Phước Kim, Phước Lộc xảy ra trượt núi và lũ quét ở nhiều địa điểm. Tại xã Phước Thành, nguyên một quả đồi bị san phẳng, trôi trượt xuống lòng suối, 13 ngôi nhà bị vùi lấp hoàn toàn trong đất đá. Rất may, địa phương đã sớm di dời, sơ tán dân trước đó nên không xảy ra thiệt hại về người, tuy nhiên một diện tích lớn bị san thành bình địa.

Tại xã Phước Lộc, một đoàn cán bộ gồm 5 người trên đường đi công tác bất ngờ bị một quả núi sập xuống, 3 người may mắn chạy thoát, còn lại 2 người bị vùi trong lớp đất đá. Nhiều địa bàn gần như bị cô lập do sạt lở. Trong những ngày qua, Ban chỉ đạo tiền phương phòng chống cơn bão số 9 tại Đà Nẵng do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã tập trung toàn lực để chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ các thảm nạn sạt lở núi ở Quảng Nam.

Những thiệt hại về con người do sạt lở nhiều hơn theo từng năm. Kèm theo đó, là tài sản của người dân bị nuốt chửng, trôi theo từng trận sạt lở từ rừng xuống biển. Nhiều năm nay, trong các bản tin cảnh báo về bão lũ, mưa lớn, dòng khuyến cáo về hiểm họa sạt lở được nhắc đến gần như thường trực.

Tình trạng sạt lở tại biển Cửa Đại ngày càng trở nên nghiêm trọng. Cơn bão số 8 đã làm biển Cửa Đại bị sạt lở, khiến chính quyền phải huy động hàng trăm người, sử dụng máy móc cơ giới dốc lực để đắp kè cát cứu Cửa Đại. Công cuộc giải cứu bờ biển Cửa Đại lại một lần nữa tiêu tốn tiền của, công sức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Bởi, bão số 9 lại tiếp tục đánh vỡ những nỗ lực của Hội An, sạt lở lại lan rộng trên chiều dài hơn 2.500m bờ biển Cửa Đại.

Bờ biển Cửa Đại vẫn bị sạt lở hơn 2.500m sau bão số 9. Ảnh: T.C
Bờ biển Cửa Đại vẫn bị sạt lở hơn 2.500m sau bão số 9. Ảnh: T.C

Nỗi lo thường trực

Chưa bao giờ người dân huyện Tây Giang chứng kiến cảnh tượng sạt lở nhiều như đợt mưa lũ vào tháng 9 - 10 này. Nhiều khu tái định cư được thiết lập nhằm tập trung đầu tư hạ tầng, giảm thiểu nguy cơ do thiên tai cũng bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Bức ảnh được người dân địa phương chụp, ghi lại nguyên một căn nhà “có chân”, khi lực lượng biên phòng và hàng chục người dân cùng khiêng hẳn một căn nhà gỗ của dân tránh khỏi vị trí nguy cơ bị sạt.

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, mùa mưa lũ năm nay, hàng chục vị trí sạt lở ở các tuyến ĐT, ĐH và tuyến đường liên xã gây chia cắt, cô lập nhiều vùng. Riêng 4 xã vùng cao bị chia cắt trong thời gian dài do ảnh hưởng của sạt lở, chính quyền địa phương phải huy động phương tiện, nhân lực nỗ lực thông tuyến để đảm bảo giao thông.

“Tại 4 xã vùng cao, địa phương đã sơ tán hàng chục hộ dân đến nơi an toàn để phòng tránh sạt lở, tuy nhiên việc bố trí tái định cư, ổn định đời sống người dân sẽ cần rất nhiều nguồn lực. Trước mắt, Tây Giang đã tạm ứng ngân sách để mua dự trữ gạo, lương thực, vận chuyển để cứu trợ cho người dân ở 4 xã vùng cao. Thiệt hại do sạt lở gây ra đối với địa phương là vô cùng lớn, khi có nhiều công trình, nhà dân bị ảnh hưởng, chưa nói đến kinh phí dành cho việc thông tuyến, khắc phục hậu quả” - ông Linh nói.

Như một mặc định, hễ có bão lũ, là đất “trôi” khắp các địa bàn, không kể miền núi, trung du hay đồng bằng ven biển. Nhiều năm nay, người dân dọc sông Thu Bồn ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An đối mặt với nguy cơ sạt lở lớn.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho hay, tình hình sạt lở và dịch chuyển lòng sông Thu Bồn khá nặng. Thượng lưu và hạ lưu sông Vĩnh Điện, sông Yên, sông Bình Phước, sông Thanh Quýt đều xảy ra sạt lở. Rất nhiều thôn như Bì Long của xã Điện Thọ, Hà Mật, Cẩm Đồng của Điện Phong, Ngân Hà của phường Điện Ngọc… bị tác động. Hiện tại, có gần 40 hộ dân đối diện nguy cơ bị cuốn trôi nhà cửa, thuộc diện cần hỗ trợ di dời.

“Thị xã đã tiến hành khảo sát, có phương án di dời đối với người dân ở các khu vực này để đảm bảo tan toàn tính mạng của người dân. Tuy nhiên, về lâu dài, tình trạng này tiếp diễn vẫn là một áp lực không nhỏ cho địa phương” - ông Chơi nói.

THIÊN TAI HAY NHÂN TAI?

Diễn tiến khó lường và mức độ nghiêm trọng của tình trạng sạt lở hiện nay đòi hỏi cần có đánh giá căn cơ về nguyên nhân. Rõ ràng, biến đổi khí hậu dẫn đến các hiện tượng cực đoan của thời tiết chỉ là một trong số các tác động dẫn đến tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh thiên tai, còn có tác động của “nhân tai”.

Sạt lở bờ sông Thu Bồn nghiêm trọng đoạn qua xã Duy Thu (huyện Duy Xuyên). Ảnh: T.C
Sạt lở bờ sông Thu Bồn nghiêm trọng đoạn qua xã Duy Thu (huyện Duy Xuyên). Ảnh: T.C

Nhân tai

Trong các hội thảo khoa học liên quan đến tình trạng sạt lở cũng như trả lời với báo chí, TS.Nguyễn Chu Hồi - nguyên Tổng cục phó Tổng cục Biển đảo, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) nhiều lần khẳng định, bên cạnh thiên tai, thủ phạm chính vẫn là con người không hiểu kỹ bản chất tự nhiên của một vùng dễ bị tổn thương trước khi quyết định khai thác.

Hiện tượng xói lở bờ biển trên địa bàn tỉnh được TS.Nguyễn Chu Hồi nhận định là hệ quả của nhiều tác nhân, như khai thác nước ngầm quá lớn cho nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt ở vùng ven biển có nền đất yếu; nước biển dâng và triều cường do biến đổi khí hậu; tình trạng phá rừng ngập mặn, hút cát ở các cửa sông/lòng sông gần biển... Các nguyên nhân này phát triển khác nhau tùy từng đoạn bờ biển cụ thể, nhưng tác động của chúng thường là “cộng hưởng”. Dẫn chứng được đưa ra là một số khu resort ở gần cảng Cửa Đại đã sụp đổ mà lỗi chính là do xây dựng sát biển, lấn ra biển. Công trình bờ bảo vệ khách sạn lại làm thay đổi hướng dòng chảy và sóng, gây hậu quả cho khách sạn khác, kiểu “gậy ông đập lưng ông”.

“Xói lở bờ biển liên quan đến nhiều nguyên nhân nên không có giải pháp “vạn năng” để chống. Vì vậy cũng giống như chữa bệnh, địa phương phải điều tra kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân cụ thể ở đoạn bờ xói lở trước khi lựa chọn giải pháp chữa trị. Về mặt tổng thể và chiến lược thì công cụ quy hoạch không gian ở vùng bờ biển sẽ hỗ trợ cách nhìn tổng thể và hướng phát triển toàn diện, giảm thiểu thấp nhất các tác động tiêu cực không mong muốn trong quá trình phát triển vùng ven biển, trong đó có chống xói lở bờ biển” - TS.Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Cũng theo TS.Nguyễn Chu Hồi, xu hướng sạt lở bờ biển trong thời gian tới phụ thuộc vào các kịch bản nước biển dâng và mức độ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng ven biển và lân cận. Đặc biệt là cách “hành xử” thiếu cẩn trọng của con người đã và sẽ góp phần làm gia tăng quy mô và tốc độ xói lở ở những vùng bờ biển cụ thể. Nếu tiếp tục giải pháp công trình cứng can thiệp tràn lan vào vùng ven biển, cửa sông và sự bùng nổ quá tải của các đập thủy điện trên lưu vực sông như hiện nay thì số phận của nhiều vùng đất vàng, bãi tắm ven biển tiếp tục bị thủy thần lôi ra biển.

Sạt lở bờ sông Thu Bồn nghiêm trọng đoạn qua xã Duy Thu (huyện Duy Xuyên). Ảnh: T.C
Sạt lở bờ sông Thu Bồn nghiêm trọng đoạn qua xã Duy Thu (huyện Duy Xuyên). Ảnh: T.C

Cần đánh giá tổng thể

PGS-TS.Nguyễn Thanh Hùng - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, nguyên nhân gây sạt lở cửa sông, ven biển là việc suy giảm bùn cát đổ ra biển đến từ việc xây dựng hồ chứa thượng nguồn, khai thác cát sỏi trên sông và ven biển, lấn chiếm, phá hoại đụn cát ven biển; Xây dựng công trình ven biển không phù hợp như đập mỏ hàn bảo vệ các vùng xói lở, đê ngăn cát, giảm sóng; suy thoái rạn san hô ven biển do nổ mìn khai thác thủy sản và xả thải các chất ô nhiễm ra biển.

Về nguyên nhân gây sạt lở ở vùng núi Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhận định: “Tình trạng sạt lở xảy ra từ nhiều năm qua, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Miền núi thường xuyên ghi nhận lượng mưa lớn kỷ lục, có thời điểm lên đến 300 - 400mm, kéo dài trong nhiều ngày. Đồi núi bị mưa dầm lâu ngày làm yếu đi kết cấu đất đá, chỉ cần một trận mưa lớn kéo dài thì sẽ dẫn đến sụt trượt. Kết cấu địa chất của vùng núi Quảng Nam nói chung vốn không thực sự vững chắc, dễ đứt gãy, đây là nguyên nhân trực tiếp. Ngoài ra, không thể không kể đến những tác động từ việc phá rừng cùng biến đổi khí hậu”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh những năm qua có 75 vị trí, điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài khoảng 82km, trong đó có nhiều điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng ở các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn, Đại Lộc, TP.Hội An… Tình trạng này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng ngàn hộ dân dọc bờ sông, gây thiệt hại nhiều hecta đất sản xuất nông nghiệp cũng như các công trình hạ tầng khác.

Trong đề tài nghiên cứu về “Ứng dụng công nghệ phòng chống xói lở bờ sông Vu Gia - Thu Bồn tỉnh Quảng Nam”, TS.Vũ Thị Thu Lan - Viện Khoa học công nghệ đưa ra nhận định nguyên nhân hiện tượng xói lở đang diễn ra ở bờ sông khu vực này do lòng sông, địa chất lòng sông biến động, hai bên bờ sông, bãi bồi biến động mạnh. Chế độ dòng chảy và sự suy giảm, hụt lượng bùn cát trong sông tạo nên những tác động nghiêm trọng đến tình trạng xói lờ bờ sông.

Ngoài ra, hoạt động giao thông đường thủy, công trình thủy điện, hiện tượng xả lũ đột ngột, sự chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất rừng sang các mục đích khác cũng là tác nhân. Tác động của con người trên bề mặt bao gồm vận hành các hồ chứa, công trình thủy điện trên thượng nguồn là những nguy cơ khiến cho quá trình xói lở diễn ra nghiêm trọng. Cùng với đó là hoạt động của nhiều tàu hút cát trên sông; việc vận hành hồ chứa thủy điện ở thượng lưu giữ lại và xả qua đập nên nước trong, rất ít bùn cát là nguyên nhân gây xói lở ngang.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng tình hình sạt lở đất trong nhiều năm qua diễn biến đáng lo ngại. Qua các đợt sạt lở vừa rồi ở các địa phương, cần phải rút kinh nghiệm việc này. Không chỉ những khu vực gần đồi núi, dốc đứng mới xảy ra sạt lở như thường thấy, mà có những địa hình không nghĩ là có nguy cơ sạt lở, ở xa khu vực dân cư nhưng vẫn có tình trạng này, đe dọa trực tiếp tính mạng và tài sản của người dân. Cần phải đánh giá cho hết địa hình nguy hiểm, có khả năng cao tác động dân cư để tính toán những phương án phòng tránh một cách toàn diện, chứ không chỉ ở những khu vực sát vùng dân cư đang sinh sống như lâu nay.

Về sạt lở bờ biển, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhận định phải có nghiên cứu khoa học bài bản, tổng thể với những chuyên gia hàng đầu. “Trước đây cũng có nghiên cứu nhưng mang tính cục bộ, giải quyết tức thời trước mắt. Mục tiêu của việc nghiên cứu tổng thể là phải xác định chính xác cơ chế gây ra tình trạng xói lở cũng như bồi lắng ở bờ biển Hội An, nhất là nguyên nhân gây xói lở. Từ đó, đưa ra các giải pháp tổng hợp để bảo vệ bờ biển Hội An bền vững, giữ được cảnh quan tự nhiên và đảm bảo sự tiếp cận của người dân đến bãi biển. Qua đó xây dựng cơ sở khoa học vững chắc cho chương trình quản lý tổng hợp bờ biển Hội An sau này” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

GIẢI PHÁP KÈ MỀM

Trong khi các đoạn kè cứng chưa thực sự phát huy hiệu quả, thì giải pháp kè mềm trên sông Thu Bồn đã chứng tỏ được độ “cứng” trước tác động của lũ lụt, sạt lở.

Kè mềm Cẩm Kim đang tỏ ra khá hiệu quả trong phòng chống sạt lở bờ sông. Ảnh: T.C
Kè mềm Cẩm Kim đang tỏ ra khá hiệu quả trong phòng chống sạt lở bờ sông. Ảnh: T.C

Đây là giải pháp mang tính bền vững và bước đầu tạo được hiệu quả khả quan để ngăn ngừa tình trạng sạt lở bờ sông. Giải pháp này mang tính “thích ứng với thiên nhiên”, với phương pháp sử dụng hoàn toàn những chất liệu thân thiện với môi trường, thích hợp với bản địa, điển hình là chất liệu “xanh” - chính là trồng cây bản địa tạo thảm thực vật kết hợp với các kỹ thuật ổn định bờ. Kè mềm sinh thái này được thực hiện tại các địa điểm: thôn Triêm Tây (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) gồm 2 đoạn với tổng chiều dài 265m và bờ sông thuộc xã Cẩm Kim (TP.Hội An) với chiều dài 495m. Loại kè này được thiết kế dựa trên góc nhìn “dấu vết để lại” của đường lũ đi, và “lùi để đón nhận” chứ không “tiến để chinh phục”.

Hơn 400 tỷ đồng đầu tư kè chống xói lở bờ biển

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh, Quảng Nam đã và đang triển khai xây dựng 4 công trình kè chống xói lở bờ biển gồm dự án chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển Hội An, kết hợp nạo vét Cửa Đại (mức đầu tư 40 tỷ đồng); Chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại (300 tỷ đồng); Chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành (30 tỷ đồng) và Chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển xã đảo Tam Hải giai đoạn 4 (40 tỷ đồng).

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, các dự án kè mềm sinh thái được thực hiện vào đầu năm 2017, và vẫn đứng vững sau rất nhiều trận lụt vào cuối năm 2017. Đến nay, loại kè này đã thể hiện tính bền vững và thích ứng cao với thiên tai trên địa bàn. Theo đánh giá của chuyên gia, về mặt kinh tế, kè mềm chứng tỏ tính ưu việt vì chi phí thấp hơn rất nhiều, thường chỉ bằng 1/10 giá thành so với kè cứng. Phương pháp kè mềm tạo không gian hài hòa với thiên nhiên, không thấy dấu vết can thiệp thô bạo của con người. Chỉ nên sử dụng kè cứng ở những địa hình chịu tác động lớn của thiên nhiên và có sự xuất hiện các công trình nhân tạo như thủy điện, đường hầm ngầm trong lòng đất… Còn lại, nên chọn những giải pháp “đón nhận” thách thức, giảm lực công phá của thiên nhiên bằng chính độ mềm mỏng của bờ đất và cây cỏ.

Ông Huỳnh Ngọc Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim cho rằng, ưu điểm của kè mềm là hoàn toàn linh hoạt và thích ứng với các thách thức của tự nhiên, hiểm họa thiên tai. “Đến thời điểm này, kè mềm sinh thái trên địa bàn xã Cẩm Kim tỏ ra rất hiệu quả, không những ngăn ngừa tình trạng xói lở mà đã có sự bồi lắng, tích tụ đất. Ngoài ra, qua theo dõi, kè mềm này tạo được vệt sinh thái xanh, khôi phục hệ động thực vật bản địa rất tốt” - ông Hùng nói.

THÀNH CÔNG