Đảm bảo cung ứng hàng hóa trong thời gian mưa bão
* Tuân thủ hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản (QNO) - Sở Công Thương vừa có công văn đề nghị triển khai một số biện pháp cấp bách chủ động ứng phó bão số 9 và tình hình mưa lũ.
Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu trong thời gian ứng phó bão số 9 và tình hình mưa lũ, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực và nước uống...
Chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất khẩn trương tổ chức chằng chống cơ sở vật chất nhà xưởng, có biện pháp bảo vệ trang thiết bị làm việc, tránh bị hư hỏng do mưa bão; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đến tính mạng công nhân và người lao động trong doanh nghiệp.
Các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện, chủ đầu tư các dự án năng lượng, Công ty Điện lực Quảng Nam, các hợp tác xã phân phối và bán lẻ điện nông thôn khẩn trương triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Sở Công Thương về ứng phó với bão và tình hình mưa lũ.
Khẩn trương kiểm tra đánh giá tình trạng sạt lở khu vực công trình, khu lán trại, nhà ở công nhân, nhà quản lý vận hành, bắt buộc phải di dời, sơ tán người, phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Nếu xuất hiện tình trạng sạt lở thì có biện pháp khắc phục kịp thời, tuyệt đối không tổ chức thi công xây dựng tại các khu vực nguy hiểm. Tạm dừng thi công khi thấy khả năng xuất hiện các hiện tượng gây mất an toàn do mưa lũ.
Kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra. Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tối đa phương án dự phòng, nhất là hệ thống điện, nguồn điện dự phòng.
Bố trí lực lượng trực ban 24/24 để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp. Sẵn sàng và nghiêm túc tuân thủ các phương án ứng phó thiên tai, phối hợp với chính quyền địa phương để chủ động triển khai thực hiện khi có sự cố.
Chuẩn bị mọi điều kiện về lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du. Xử lý kịp thời tình huống xảy ra, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, sự cố do các đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục.
Công ty Điện lực Quảng Nam kiểm tra, rà soát hệ thống đường dây, trạm biến áp tại các khu vực trũng thấp, khu vực có nguy cơ sạt trượt, có biện pháp cấp điện đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân. Triển khai kịp thời phương án ứng phó, khắc phục sự cố điện do bão lũ gây ra.
Hợp tác xã phân phối và bán lẻ điện nông thôn trên địa bàn tỉnh kiểm tra, rà soát hệ thống điện phân phối của đơn vị, có biện pháp đảm bảo cấp điện an toàn cho khách hàng sử dụng điện trên địa bàn.
* Sở NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương ven biển hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền an toàn. Cụ thể, không buộc tàu vào các cầu cảng tránh va đập, đưa tàu thuyền về các âu thuyền, lạch kín gió, thả neo, chằng buộc, gia cường dây neo, dây buộc tàu lớn hơn bình thường.
Các tàu thuyền dưới 15CV ở các vùng bãi ngang, vùng trống trải nên kéo lên bờ chằng buộc chắc chắn. Các lồng bè, trại nuôi trồng thủy sản cần chằng buộc, kiểm tra neo chắc chắn trước khi bão đổ bộ.
Khi neo đậu, chằng buộc xong, tất cả thuyền viên, ngư dân phải lên bờ tìm nơi trú ẩn an toàn. Tuân thủ hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản của Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã ban hành.