Thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng

LÊ QUÂN 27/10/2020 06:31

Đợt tiêm chủng mở rộng vào tháng 10 ở các địa phương đang phải đối diện với tình trạng thiếu vắc xin 5 trong 1 và vắc xin ngừa Viêm não Nhật Bản B.

Một trung tâm tiêm chủng tư nhân vừa đi vào hoạt động tại TP.Tam Kỳ. Ảnh: V.N.V.C
Một trung tâm tiêm chủng tư nhân vừa đi vào hoạt động tại TP.Tam Kỳ. Ảnh: V.N.V.C

Thiếu cục bộ

Ông Doãn Bá Sung - Trưởng trạm Y tế phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) cho biết, 2 ngày tiêm vắc xin định kỳ (23 - 24.10) vừa qua, đơn vị đã thông báo đến người dân trên địa bàn việc hết vắc xin DPT - VGB - Hib (5 trong 1) và vắc xin ngừa Viêm não Nhật Bản B. “Trong đợt vừa rồi, trạm chỉ thực hiện tiêm các loại vắc xin phòng bệnh lao, sởi, vắc xin phối hợp sởi - rubella, vắc xin bại liệt, vắc xin phòng uốn ván cho phụ nữ có thai” - ông Doãn Bá Sung nói. Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ đã phát đi thông báo cho người dân trên địa bàn thành phố về việc hết 2 loại vắc xin như đã nêu để người dân chủ động sắp xếp lịch cho trẻ đi tiêm chủng.

Không chỉ tại TP.Tam Kỳ, một số phụ huynh có con dưới 5 tuổi cũng đang phải chờ vắc xin tiêm nhắc viêm não Nhật Bản. Chị Võ Thị Hường, trú tại phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) cho biết, con chị đã tiêm được 2 liều vắc xin ngừa viêm não, đợt này đúng lịch sẽ tiêm nhắc mũi 3, tuy nhiên chị được Trạm Y tế thông báo phải đợi đến tháng sau.

Chia sẻ lý do tạm thời thiếu vắc xin 5 trong 1 và vắc xin Viêm não Nhật Bản B, ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho biết, số vắc xin này trong kho hiện vẫn còn nhưng vì thời hạn sử dụng chỉ đến tháng 9 nên tạm thời Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh không cung cấp về cho các cơ sở. “Trung tâm đã kiến nghị đến Viện Pasteur Nha Trang yêu cầu được cấp các lô vắc xin mới. Viện cũng đã đồng ý và trong tháng 11 tới vắc xin sẽ được đưa về Quảng Nam” - ông Kiệm nói.

Đáp ứng miễn dịch

Theo số liệu phân tích và nghiên cứu từ Cục Y tế dự phòng cho thấy viêm não Nhật Bản vẫn đứng hàng đầu. Trong đó, đặc biệt những năm gần đây ghi nhận bệnh ở một số trẻ lớn, tình trạng nặng. Qua khai thác, hầu hết trẻ đều chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Có trường hợp trẻ lớn tuổi đã tiêm 3 mũi nhưng chưa tiêm nhắc lại. Theo thông tin từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, hiện chỉ khoảng 50 - 60% ca viêm não có thể xác định được căn nguyên, còn đến 40% không tìm ra nguyên nhân với tỷ lệ tử vong là 5 - 7%. Viêm não Nhật Bản là bệnh có tỷ lệ tử vong cao và có nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó để chủ động phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất (tiêm đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại).

Nếu chương trình tiêm chủng mở rộng đang thiếu vắc xin thì ngược lại, các phòng tiêm chủng dịch vụ luôn có vắc xin để phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, các loại vắc xin này có giá thành khá cao. Thay vì sử dụng  vắc xin 5 trong 1, và uống thêm vắc xin ngừa bại liệt, người dân sẽ lựa chọn tiêm vắc xin 6 trong 1 tại các phòng tiêm chủng dịch vụ. Cùng với đó, trong chương trình tiêm chủng mở rộng, hiện tỷ lệ tiêm chủng tại một số huyện miền núi còn thấp, dẫn đến khả năng phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm hạn chế.

Tổ chức Liên Hiệp quốc cảnh báo hàng chục quốc gia có nguy cơ thiếu hụt vắc xin phòng chống các bệnh do ảnh hưởng từ các biện pháp đối phó với đại dịch Covid-19. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết đã mua 2,43 tỷ liều vắc xin cho 100 quốc gia, tuy nhiên, từ tháng 3, cơ quan này cho biết kế hoạch vận chuyển các lô hàng vắc xin này đã giảm 70 - 80% so với dự kiến ban đầu. Khẳng định Quảng Nam đủ nguồn cung ứng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, ông Trần Văn Kiệm cho biết, việc trễ so với lịch tiêm chủng từ 1 - 2 tháng vẫn đảm bảo đáp ứng được nhu cầu miễn dịch của trẻ.

LÊ QUÂN