Đấu tranh triệt để tội phạm tham nhũng
Ngày 26.10, theo chương trình Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV, với hình thức trực tuyến, các đại biểu Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng năm 2020.
Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, báo cáo của Chính phủ cho biết, toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính (giảm 9% so với năm 2019) và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 17% so với năm 2019). Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm; kiến nghị thu hồi hơn 44.580 tỷ đồng và hơn 1.401ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng (so với cùng kỳ năm 2019, tăng 53 vụ).
Các cơ quan điều tra trong ngành công an đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ năm 2019). Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 350 vụ/962 bị can; đã giải quyết 246 vụ/692 bị can, đạt 75,4%. Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 269 vụ, 645 bị cáo phạm các tội tham nhũng. Về thi hành án hình sự trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đã thi hành xong 3.605 việc (đạt tỷ lệ 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành), tăng 9,42% so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền thu được hơn 15.017 tỷ đồng, đạt 43,42% số có khả năng thi hành (tăng 14,01%) so với cùng kỳ năm 2019.
Phát biểu làm rõ thêm đối với một số vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Quan điểm của Đảng và Nhà nước là đấu tranh triệt để, không có vùng cấm đối với tội phạm tham nhũng. Những vấn đề được các đại biểu nêu ra đều có, tội phạm tham nhũng dứt khoát có đối tượng của lợi ích nhóm, trục lợi chính sách, sự cấu kết giữa tội phạm với những người có quyền lực. Chúng ta đã làm quyết liệt, triệt để trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng, từ điều tra, truy tố đến xét xử như thực tế đã diễn ra. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục được thực hiện, không có vùng cấm, vi phạm đến đâu xử lý đến đó; nhưng phải đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, với mục tiêu xử lý nghiêm để răn đe tội phạm, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, quyết tâm thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước...