Phát triển kinh tế đêm của Quảng Nam
Bước sang năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tạo ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cho ngành du lịch của Việt Nam. Quảng Nam cũng không ngoại lệ. Ngành du lịch tỉnh cần chọn đúng hướng và đúng cách để phục hồi nhanh và bền vững ngành kinh tế không khói này.
Đánh giá thực trạng
Một trong những giải pháp mà nhiều nhà cung cấp dịch vụ, cũng như khách du lịch quan tâm là Quảng Nam phải nhanh chóng tạo ra nhiều hơn nữa các dịch vụ du lịch phục vụ nhu cầu của du khách. Trong đó phải kể đến các hoạt động tham quan, giải trí, mua sắm, văn hóa, ẩm thực vào ban đêm diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Đây là các hoạt động nhằm giúp thu hút và phát triển du lịch, thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Những hoạt động này không hẳn phải tổ chức là vì xuất phát từ chủ trương của Chính phủ (Quyết định số 1129/QĐTTg ngày 27.7.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm) mà là một yêu cầu khách quan xuất phát từ nhu cầu chính đáng về hoạt động vui chơi giải trí của du khách vào ban đêm.
Lâu nay, loại hình du lịch đêm, bao gồm các hoạt động kinh tế, nhất là các hoạt động giải trí đêm, tại Quảng Nam hầu như không có hoạt động nào sôi nổi, trừ một vài điểm tại vùng lõi của phố cổ Hội An. Tuy nhiên phần lớn các hoạt động ở nơi đây được tổ chức dưới các hình thức như ăn uống, dạo đêm, tụ điểm ca nhạc quy mô rất nhỏ chứ chưa trở thành sản phẩm độc đáo. Sản phẩm và các dịch vụ về đêm không đa dạng, phong phú, các hoạt động vui chơi giải trí và hoạt động mang tính “hội” còn quá khiêm tốn, không thường xuyên để tạo nên thương hiệu đủ mạnh thu hút sự quan tâm, tạo ấn tượng cho du khách.
Nguyên nhân của thực trạng trên có rất nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là thiếu những hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý, từ chính quyền địa phương, nhất là cơ chế và chính sách hỗ trợ, quy hoạch những phân khu để phát triển dịch vụ kinh tế đêm.
Có thể lấy ví dụ tại Hội An, các cơ chế hiện tại chỉ phản ảnh phần nào sự áp đặt để phát triển kinh tế cho địa phương thông qua một số hoạt động dịch vụ bổ sung cho các hoạt động vui chơi tại một số điểm du lịch chủ yếu ở khu vực bên trong phố cổ Hội An, như thả hoa đăng, hát bài chòi hoặc du thuyền kiểu tự phát và thiếu an toàn dọc sông Hoài.
Qua tiếp xúc với một số người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hội An, các hoạt động này tuy được tổ chức nhưng thiếu đánh giá nhu cầu và mong muốn từ du khách trong và ngoài nước, cũng như chưa được hình thành dựa trên những đánh giá khoa học, bài bản các số liệu thống kê hoặc báo cáo cụ thể về đóng góp của hoạt động kinh tế đêm đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội để từ đó đưa ra những cơ chế hỗ trợ, xây dựng những khu riêng biệt, quy mô, có những hoạt động phong phú hơn, an toàn hơn, có kiểm soát để bổ trợ cho các hoạt động tham quan, du lịch của du khách.
Có thể thấy rằng sự thiếu vắng khung pháp lý và các giải pháp quản lý hiệu quả các hoạt động kinh tế đêm từ dịch vụ, thời gian hoạt động, khu vực được phép tổ chức các hoạt động, đến các chủ thể tham gia phát triển hoạt động kinh tế đêm, cũng như đưa ra các tiêu chí cụ thể về tiếng ồn, ánh sáng, khoảng cách các khu vui chơi giải trí đối với các khu đông dân cư, hoặc các biện pháp kiểm soát và chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe các hành vi vi phạm quy tắc ứng xử nơi công cộng, chuẩn mực xã hội… dẫn đến sự mất an ninh, an toàn và dễ gây ra các tệ nạn xã hội.
Chính vì thế, khi chưa có cơ chế và công cụ quản lý hiệu quả, chính quyền địa phương thường áp dụng hình thức cấm hoặc không cho phép tổ chức hoạt động. Từ đó, bài toán về vừa phát triển kinh tế - du lịch, vừa đảm bảo an toàn - trật tự xã hội vẫn chưa có một lời giải thỏa đáng, đúng khoa học, bắt kịp với xu thế của thời đại.
Ý tưởng cho kinh tế đêm
Quảng Nam rất có dư địa để phát triển kinh tế đêm, mà trước mắt là các hoạt động phục vụ, bổ sung cho các sản phẩm du lịch, tạo ra một thương hiệu du lịch riêng, độc đáo của Quảng Nam.
Trong giai đoạn trước mắt, hoạt động kinh tế đêm có thể khởi nguồn, bắt đầu từ việc xây dựng các khu phố kết nối phố cổ Hội An đến thị xã Điện Bàn và Đà Nẵng theo trục ven biển, trong đó lấy khu du lịch An Bàng làm trung tâm với các hoạt động văn hóa, ẩm thực có biểu diễn tạp kỹ. Cần thiết phải sớm quy hoạch hoặc xây dựng những khu phố mới chạy dọc ven biển, phát triển thành khu phố đi bộ với các trung tâm mua sắm, cửa hàng bán đặc sản địa phương xem kẽ với các khu vui chơi giải trí.
Trong tương lai gần có thể phát triển khu từ vực phía nam cầu Cửa Đại, trong đó lấy khu Nam Hội An, mà trung tâm là khu nghỉ dưỡng Hoiana làm điểm nhấn và phát triển lan tỏa dọc theo trục đường về Hội An và về phía khu du lịch Vinpearland Nam Hội An và nơi đây có thể hoàn toàn lột xác thành một “Fremont Street Experience” của Las Vegas.
Xa hơn chút nữa, khu vực biển Tam Thanh của TP.Tam Kỳ và khu vực Tam Tiến, Tam Hải (Núi Thành) có thể phát triển thành những thiên đường nghỉ dưỡng kết hợp hoạt động du lịch biển và biến những nơi này thành “thiên đường của những tuần trăng mật”, nơi yếu tố thiên nhiên, riêng tư và tĩnh lặng được xem là ưu tiên hàng đầu cho loại hình nghỉ dưỡng này.
Đó có thể là những ý tưởng, nhưng không hề xa vời và thiếu thực tế, khi mà tỉnh Quảng Nam đang tích cực, khẩn trương xây dựng đề cương nhiệm vụ quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, gắn với các chương trình hành động thực hiện mục tiêu của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII là “đến năm 2030 Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước”. Trong đó có sự bảo đảm liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các vùng của tỉnh, tập trung khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có nhằm phát huy tìm năng lợi thế.
Với một niềm tin mãnh liệt vào sự nhạy bén, sự tâm huyết trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của lãnh đạo tỉnh; sự năng động của doanh nghiệp và tích cực trong quản lý, tham mưu của các ngành liên quan, tỉnh Quảng Nam sẽ sớm đánh thức được tiềm năng, vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo ổn định an ninh trật tự xã hội trong tiến trình xây dựng và phát triển các hoạt động kinh tế đêm.