Khai thông vốn vào nền kinh tế
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều chỉnh các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19 vào cuối tháng 9 vừa qua. Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh Quảng Nam cho hay, hệ thống ngân hàng đã sẵn sàng cung ứng vốn. Nhưng tăng trưởng tín dụng phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe, năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế và doanh nghiệp.
Tín hiệu vui
* PV:Thưa ông, hạ lãi suất có phải là tín hiệu vui? Việc hạ lãi suất này cho những hợp đồng vay mới hay giảm cho cả những hợp đồng đã vay cũ?
Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh Quảng Nam.
Ông Phạm Trọng: Hạ lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay, giảm chi phí để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh sau dịch… chắc chắn là một tín hiệu vui cho doanh nghiệp. Việc hạ lãi suất áp dụng cho cả hợp đồng vay mới và hợp đồng vay cũ. NHNN quyết định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của tổ chức tín dụng với khách hàng vay phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.
Đây là lần thứ 3 trong năm 2020, NHNN tiến hành điều chỉnh giảm với các mức lãi suất nói trên. Lần điều chỉnh gần đây nhất là ngày 1.8.2020 và trước đó là ngày 16.3.2020.
* PV:Chính sách đã ban hành nhưng không dễ cho doanh nghiệp tiếp cận vì giữa hai phía (ngân hàng và doanh nghiệp) còn thiếu một giao lộ? Không phải khách hàng nào cũng với tay tới được vốn ưu đãi? Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Phạm Trọng: Hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Không phải vì “thiếu giao lộ” mà nguyên nhân chính là do một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ chịu tác động của dịch, chưa thực sự linh hoạt chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả nên khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc thẩm định, quyết định cho vay mới. Thực tế, nhiều hợp đồng tài trợ vốn đã được ký kết giữa các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Không thiếu những dòng vốn khác đã chảy vào các chương trình kinh tế khác nhau. Chi nhánh NHNN Quảng Nam khẳng định đồng vốn đổ vào nền kinh tế đã thực chất và hiệu quả hơn.
Lãi suất cho vay vẫn chưa giảm
Lãi suất huy động thấp nhất nhiều năm, nhưng lãi vay chưa giảm tương ứng NHNN quyết định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của tổ chức tín dụng với khách hàng vay phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm. Tuy nhiên, cho dù các ngân hàng đã cam kết sẽ tính toán để giảm lãi suất cho vay, nhưng hiện tại, các ngân hàng chỉ giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm còn lãi suất cho vay vẫn chưa giảm tương ứng theo “mệnh lệnh” của NHNN. Thực tế, các ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi từ 7,5% - 11%/ năm và phải có tài sản đảm bảo mới được hưởng mức lãi suất này. Các ngân hàng công bố chỉ có thể giảm lãi suất các lĩnh vực ưu tiên, như: phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại... đối với các khách hàng tốt, có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Không thể miễn, giảm lãi cho vay khách hàng mà ngân hàng nhìn thấy rõ nguy cơ mất an toàn vốn.
Tăng trưởng tín dụng song hành giải quyết nợ xấu
* PV:Thưa ông, có phải vì sợ nợ xấu nên dù có lệnh hạ lãi suất cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nhưng giới ngân hàng vẫn dè dặt bơm vốn cho doanh nghiệp?
Ông Phạm Trọng: Các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng đi vay để cho vay, chịu trách nhiệm trước khách hàng về nguồn huy động và đảm bảo hiệu quả, an toàn vốn vay, nên chắc chắn tổ chức tín dụng nào cũng sợ nợ xấu. Hiện các tổ chức tín dụng trên địa bàn rất khó khăn trong việc triển khai các chương trình tín dụng để đạt kế hoạch tăng trưởng trong năm 2020 (khi đã bắt đầu quý IV mà tín dụng vẫn tăng trưởng rất thấp). Các tổ chức tín dụng đã và đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp. Cho vay doanh nghiệp đến thời điểm hiện nay chưa đạt kết quả như kỳ vọng do doanh nghiệp chưa phục hồi sản xuất sau dịch dẫn đến nhu cầu vốn vay sụt giảm. Hiện tại các tổ chức tín dụng đã sẵn sàng để hỗ trợ doanh nghiệp. Hy vọng trong quý IV, doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp tết, nhu cầu tín dụng từ doanh nghiệp sẽ tăng, tăng trưởng tín dụng vì thế cũng sẽ khởi sắc.
Hoạt động kinh doanh của ngân hàng rất nhạy cảm thì rủi ro cũng là chuyện đương nhiên. Khi đầu tư vốn, các ngân hàng sẽ phải thẩm định kỹ càng về hiệu quả dự án. Tăng trưởng tín dụng và giải quyết nợ xấu - hai mục tiêu song hành là điều các ngân hàng đang tính toán.
* PV:Hệ thống ngân hàng tại Quảng Nam đã thực thi Thông tư 01/2020/TT-NHNN như thế nào? Hiện có bao nhiêu doanh nghiệp nhận được cơ hội từ chính sách này?
Ông Phạm Trọng: Tháo gỡ cho doanh nghiệp cũng là tự tháo gỡ khó khăn cho mình. Nếu không, nợ xấu sẽ tăng cao. Nguồn tín dụng không thể khơi thông. Hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay giảm, hợp lý để khôi phục và phát triển sản xuất. Việc triển khai chính sách khá thuận lợi. Đến nay, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 161 doanh nghiệp với dư nợ 1.202 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 6 doanh nghiệp với dư nợ 700 tỷ đồng; cho vay mới 492 doanh nghiệp. Lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23.1.2020 đến nay đạt 10.713 tỷ đồng. Lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5%/năm so với trước dịch.
Sẵn sàng cung ứng đủ vốn
* PV:Có thể dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay? Ngân hàng có sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế địa phương không, thưa ông?
Ông Phạm Trọng: Hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, các chương trình tín dụng được triển khai trên cơ sở bám sát tình hình phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn phụ thuộc vào nhu cầu vốn của nền kinh tế và “sức khoẻ” của doanh nghiệp. Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong năm nay, chúng tôi không thể đánh giá được nhu cầu vốn của nền kinh tế và “sức khỏe” doanh nghiệp trong những tháng cuối năm nên hiện tại chưa thể đưa ra dự báo con số cụ thể nhưng có lẽ sẽ thấp hơn năm trước (tăng trưởng tín dụng năm trước 23,91%).
* PV:Nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra khá ngạc nhiên khi tín dụng những tháng đầu tăng trưởng ì ạch lại bất ngờ vọt cao vào cuối năm, trong khi họ không thể tiếp cận được? Theo ông tăng trưởng này có thực chất hay biện pháp kỹ thuật?
Ông Phạm Trọng: Tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào nhu cầu vốn của nền kinh tế, “sức khỏe” của doanh nghiệp. Vào những tháng cuối năm, nhất là quý IV, nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân và vốn đầu tư sản xuất hàng tết của doanh nghiệp tăng cao đẩy nhu cầu vốn tín dụng tăng. Việc tín dụng tăng trưởng cao vào cuối năm là hợp lý, không có gì phải ngạc nhiên. Về phía NHNN, chúng tôi khẳng định đây là tăng trưởng tín dụng thực chất, phù hợp với cung cầu vốn, không phải là biện pháp kỹ thuật.
* PV:Ngân hàng nói thừa tiền, doanh nghiệp than thiếu, làm sao để cả hai phía hợp tác trong việc bơm vốn ra thị trường?
Ông Phạm Trọng: Ngân hàng luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay nhưng không hạ chuẩn cho vay để tránh những hệ lụy về sau. Để cả hai phía hợp tác bơm vốn ra thị trường thì bản thân doanh nghiệp phải tự đổi mới để phát triển, có phương án kinh doanh khả thi, chứng minh nguồn thu nhập để trả nợ vay, đủ chuẩn vay vốn theo quy định của ngân hàng.
Tăng trưởng tín dụng mỗi năm luôn được điều chỉnh phù hợp với thực tế địa phương. Song, điều quan tâm của giới ngân hàng chính là chất lượng tín dụng, dòng tiền chảy đúng hướng quan trọng hơn là con số phần trăm tăng trưởng nhiều hay ít và năng lực quản lý rủi ro, tháo gỡ nút thắt cho nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng Quảng Nam sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho các dự án đầu tư hiệu quả để nền kinh tế phát triển. Nhu cầu vốn sẽ không hạn chế. Nhưng tín dụng tăng nhiều hay ít phụ thuộc rất nhiều vào năng lực hấp thu vốn của nền kinh tế và doanh nghiệp.
* PV:Xin cảm ơn ông!