“Con tin” của biển
Sóng bạc hung hãn đập vào bờ, dãy kè mềm như một vành nia mỏng manh cố neo lại bờ cát vốn chỉ còn bám dính tuyến đường Âu Cơ (TP.Hội An) chừng vài chục mét. Nhưng bất lực. Hàng trăm mét bờ biển Cửa Đại tiếp tục sạt lở. Không phải muối bỏ biển, mà là cát: một đại công trường nhanh chóng được dựng lên với sự tham gia của nhiều lực lượng, hàng nghìn bao cát chất đống sát mép sóng, yếu ớt trước sự xâm thực mạnh mẽ của biển.
Những ngọn sóng cuồng nộ
Lê Duy Thắng, một thành viên của đội tình nguyện tham gia gia cố kè chắn bờ biển Cửa Đại, có mặt suốt nhiều ngày nay, cùng hàng trăm người khác, lùng nhùng trong tấm áo mưa cũng xỉn màu đen từ vỏ bao bì đựng cát. Sáng đến chiều, đoàn người miệt mài khiêng bao cát đắp lên kè chắn. Xe xúc cũng được huy động để xê dịch những bao tải cỡ lớn đựng cát, không khí khẩn trương hơn bao giờ hết…
Lại một lần nữa trong quá nhiều lần Hội An phải căng mình đối phó với nạn sạt lở bờ biển, như một nỗi thống khổ lặp đi lặp lại mỗi bận mưa bão. Chính quyền, đội ngũ xung kích tình nguyện, cả các nhà hàng, doanh nghiệp cũng phải dốc sức tham gia công cuộc kè chắn này.
Những lời bộc bạch không che giấu sự mệt mỏi, bởi họ đã quần quật suốt nhiều ngày, và rất nhiều đợt trước đó nữa. Kết quả vẫn không thay đổi, biển vẫn hung dữ ngoạm từng mảng bờ, giật lui ra xa, và nuốt chửng. Tốc độ sạt lở ngày càng nhanh, tuyến kè chắn bằng bê tông của khách sạn Palm Garden, khu vực rặng dương gần UBND phường Cẩm An, khu vực phía trên vườn tượng… sóng nuốt chửng từng chặng, từng chặng…
Biển Cửa Đại khu vực phía trước khách sạn Hội An Beach Resort từng là bãi cát dài hàng trăm mét, nay chỉ còn cách lề đường Âu Cơ chưa đầy hai chục mét. Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, ông Nguyễn Thế Hùng khoát tay một vòng cung thật rộng theo tuyến bờ biển, nói như than, rằng năm nào cũng lở. Khu vực chúng tôi đang đứng, kè mềm được làm từ năm 2014, nay đã yếu, bị sóng đánh sập. Phía trên một chút, khu vực biển dọc đường Lạc Long Quân, sóng biển tung hoành với quy mô và mức độ xâm thực còn ám ảnh hơn. Doanh nghiệp, chính quyền, người kinh doanh nhỏ lẻ oằn lưng chống sạt lở.
“Công viên vườn tượng bị xâm thực đến hàng chục mét, biển lở vào sâu khu vực một khách sạn, gần làm sập hồ bơi. Chúng tôi đã phải rải người ra, huy động tổng lực để gia cố tuyến kè biển, bởi không còn cách nào khác. Vẫn phải là giải pháp tạm thời, vẫn phải ngắt ngọn. Năm nào cũng phải làm, quy mô càng lớn thì tốn tiền càng nhiều. Nhưng một giải pháp tổng thể để đi tới cùng, giải quyết triệt để thì chưa có” - ông Hùng nói.
Dây thừng chằng buộc ngang dọc để níu giữ lấy từng gốc dừa bên thềm sóng. Hội An vẫn phải chạy đua với sóng biển, với từng đợt mưa lũ mỗi năm. Cửa Đại, cái tên xuất hiện luôn trong báo cáo thiệt hại do bão lũ, những đợt “cát bỏ biển” thì nhiều không đếm xuể. Nỗi lo thường trực hơn trong tâm thức của người dân, doanh nghiệp lẫn chính quyền địa phương. Và bây giờ, khi bờ biển có nơi chỉ còn là bờ cát mỏng manh chừng hai chục mét, không biết sẽ còn cầm cự được bao đợt bão, lũ phía trước nữa. Vệt kè mềm bằng bao vải địa kỹ thuật kéo dài hơn 200m dọc bờ biển đã được 5 năm, kết quả là biển vẫn xói lở, nối tiếp đó là hàng loạt giải pháp khác được áp dụng, nhưng đều mang đặc điểm chung: tạm thời.
Chống chọi và chờ đợi
Hàng chục, hàng trăm tỷ đồng trôi theo sóng. Ấy là con số thiệt hại có thể nhẩm tính nếu nhìn vào số khách sạn chưa kịp hoạt động đã bị sóng đánh sập xuống biển nhiều năm trước như Fusion Alya, resort Vingroup lẫn kinh phí gia cố, xây kè chắn sóng, sửa chữa các công trình hư hại. Tháng 10.2014, xói lở đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, chỉ sau một đêm bờ biển Hội An bị xâm thực khoảng 30 - 40m trong điều kiện thời tiết bình thường. Ngay cả kè cứng kiên cố của các doanh nghiệp như Palm Garden Resort cũng đã bị sóng đánh vỡ hoặc vô tình tạo ra phản lực khiến sóng đánh vòng sang bên hông gây sạt lở nặng...
Rất nhiều hội thảo, họp hành tìm giải pháp chống sạt lở biển trong những năm qua. Tháng 12.2015, tại hội thảo “Giải pháp phòng chống sạt lở bờ biển khu vực miền Trung” do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Hội An, GS-TS. Hitoshi Tanaka - nguyên Chủ tịch Hội Quốc tế về nghiên cứu và kỹ thuật thủy văn môi trường vùng châu Á - Thái Bình Dương đề cập hàng loạt nguyên nhân dẫn đến sạt lở biển Cửa Đại. Đó là sự suy giảm bùn cát do hoạt động khai thác cát dọc sông, vùng cửa sông, xây dựng hệ thống hồ chứa thủy điện ở thượng lưu; giảm lưu lượng dòng chảy do thay đổi điều kiện tự nhiên và tích trữ nước ở thượng lưu hoặc chuyển nước sang lưu vực khác của các hồ chứa. Ngoài ra, còn có nguyên nhân đến từ công tác quản lý hoạt động khai thác cát. Một nguyên nhân sâu xa từng được ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư, Chủ tịch Hội An thừa nhận, là do thiếu quy hoạch, kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng các dự án du lịch tràn ra bờ biển, vô tình tạo nên những “mũi cản sóng”, khiến sóng biển quay trở lại “trả đũa”.
Trong chuyến đi thực địa tình trạng sạt lở Cửa Đại của các chuyên gia trong nước và quốc tế tại hội thảo quốc tế về tài nguyên nước và kỹ thuật bờ biển hồi tháng 4.2019, GS-TS. Nguyễn Trung Việt - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi đưa ra nhận định hiện tượng xói lở đang dịch chuyển dần về phía bắc một cách rõ nét. Xói lở không chỉ xuất hiện trong điều kiện gió bão mà còn ngay cả trong thời tiết bình thường. Và ông cho rằng Hội An đang “trượt” sâu xuống biển với tốc độ rút lui của bờ biển quá bất thường.
“Yếu tố chi phối việc xói mòn bờ biển trong thời gian dài có liên quan đến sự thay đổi vận chuyển trầm tích dọc bờ, nguyên nhân là do sự giảm cung cấp trầm tích từ sông Thu Bồn. Do đó, nên thu thập thêm dữ liệu về vận chuyển trầm tích trong hệ thống sông và nghiên cứu mối quan hệ giữa xói mòn bờ biển và thay đổi nguồn cung cấp trầm tích” - GS-TS. Nguyễn Trung Việt đề cập.
Một giải pháp được GS. Nicolas Gratiot thuộc Viện Nghiên cứu phát triển bền vững (IRD, Pháp) xem là khả quan là “nuôi bãi”. Tuy nhiên, theo GS. Nicolas Gratiot, đây là một giải pháp quá đắt đỏ, vì theo tính toán có thể phải cần tới 20 triệu m3 cát. Trong khi đó, khu vực Cửa Đại đơn thuần là cát, giải pháp trồng rừng ngập mặn hoặc tương tự trồng rừng để bảo vệ bờ biển sẽ không khả thi.
“Dự phần” khá nhiều vào các hội thảo khoa học cũng như các chuyến đi của các chuyên gia trong nước, quốc tế liên quan đến sạt lở Cửa Đại, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói, điều mà ông cảm nhận được sau những chuyến đi đó là các giải pháp đang áp dụng vẫn chỉ ngắt ngọn, chưa giải quyết gốc rễ.
“Chế độ sóng vẫn vậy, gió vẫn vậy, cơ chế dòng chảy ven bờ của Hội An chỉ phức tạp hơn một chút do một số công trình xây dựng ven biển, nhà hàng khách sạn nay nhô ra, tạo thành “mỏ hàn” trước sóng. Nhưng nguyên nhân được đề cập lớn nhất vẫn là do thiếu hụt lượng bùn cát. Bờ biển phía bắc cửa sông Thu Bồn bị bồi lấp làm mất cân bằng động lực dòng chảy, thay đổi luồng bùn cát bổ sung cho bờ biển Cửa Đại. Kết quả của nhóm nghiên cứu công bố năm 2017 cho thấy chỉ sau chưa đầy 5 năm, lượng bùn cát cung cấp cho biển Cửa Đại đã giảm một nửa. Câu chuyện chỉnh trị Cửa Đại, điều chỉnh dòng chảy đảm bảo bù đắp cho lượng bùn cát mà mùa bão lũ hàng năm đã lấy đi được các chuyên gia cho rằng là câu chuyện căn cơ nhất phải tính đến” - ông Hùng đề cập.
Sáng 21.10 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức một cuộc họp để nghe báo cáo giải pháp thiết kế dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An. Song vẫn chưa có sự thống nhất trong các phương án được đề cập, đồng nghĩa với việc bờ biển Cửa Đại vẫn phải tiếp tục chờ đợi một giải pháp tổng thể, căn cơ và khả thi hơn trong tương lai. Nhưng sóng biển và những cơn cuồng nộ mỗi mùa mưa bão thì không chờ đợi, Cửa Đại vẫn là “con tin” của sạt lở, và công cuộc giải cứu vẫn giằng co tiếp diễn, bằng hàng nghìn bao cát ném xuống chân sóng để giữ lấy từng tấc bờ biển, mỗi năm, mỗi mùa…