Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống HIV/AIDS

NGUYÊN ĐOAN 23/10/2020 15:40

(QNO) - Sáng nay 23.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Đại biểu Phan Thái Bình phát biểu thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: N.Đ
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) tham gia thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: N.Đ

Tham gia phát biểu thảo luận vào dự án Luật nêu trên, đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng tại khoản 2, Điều 27 của dự thảo Luật quy định người tự nguyện xét nghiệm HIV từ độ tuổi 15 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự; dưới 15 tuổi thì phải có sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ. Trong khi đó, luật hiện hành quy định là 16 tuổi.

Theo đó, ông Bình đề nghị nên giữ nguyên quy định như Luật hiện hành là 16 tuổi. Bởi đã có nhiều ý kiến của của các địa biểu và quan trọng hơn Luật Trẻ em quy định người từ dưới 16 tuổi là trẻ em. Nhiều luật khác cũng quy định đối với trường hợp trẻ em thì phải có sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ.

“Ở độ tuổi này, có vấn đề về phát triển tâm lý, sinh lý, độ trưởng thành nhận thức. Nếu lý giải rằng quy định đủ 15 tuổi trở lên để mở rộng đối tượng xét nghiệm thì chưa thỏa đáng; bởi lẽ tất cả các đối tượng xét nghiệm còn lại dưới 15 tuổi nếu có sự đồng thuận của cha mẹ, người giám hộ. Trong thực tiễn thời gian vừa qua không vướng gì chỗ này. Ở đây tôi muốn nói quy định như vậy để đảm bảo đồng bộ với các luật khác. Còn nếu cho rằng do bây giờ trẻ em trưởng thành sớm, quan hệ tình dục sớm cho nên phải hạ độ tuổi xuống 15 thì theo tôi không hợp lý” - ông Bình phát biểu.

Liên quan đến một số kỹ thuật dự thảo luật, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị cần làm rõ như thế nào là “người chuẩn bị kết hôn”; nếu không khi áp dụng luật vào thực tiễn đời sống sẽ nảy sinh các những quan điểm khác nhau.

Cũng theo ông Bình, ở điểm a, khoản 3, của Điều 30 dự thảo Luật quy định những người được quy định tại điểm a, khoản 2 điều này được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV, có địa chỉ thường trú, tạm trú trên địa bàn hoặc được xét nghiệm tại địa bàn được cơ quan, người có thẩm quyền phân công thực hiện nhiệm vụ về phòng chống HIV/AIDS. Nhưng đối chiếu với điểm a, khoản 2 điều này quy định những người được quy định tại điểm d, khoản 1 điều này, như vậy khi áp dụng phải vận dụng hai điểm. “Chúng ta cần ghi rõ những người được quy định tại điểm d, khoản 1 điều này thì sẽ rất dễ hiểu, đảm bảo lôgic, vận dụng pháp luật không phải áp dụng cùng lúc nhiều điểm” - ông Bình đề nghị.

NGUYÊN ĐOAN