Cào don trên sông Trường Giang

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 22/10/2020 10:58

(QNO) - Từ cuối năm 2019 đến nay, nông dân thôn Ngọc An (xã Tam Tiến, Núi Thành) có thêm nghề cào don. Nghề mới này giúp nhiều hộ có nguồn thu nhập khá, góp phần cải thiện cuộc sống.

Don sau khi cào được đổ dồn vào thuyền. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Đổ don lên thuyền sau khi cào. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Toàn thôn Ngọc An hiện nay có khoảng 60 chiếc thuyền làm nghề cào don. Thuyền được trang bị máy nổ với mức kinh phí đầu tư 15 - 40 triệu đồng/chiếc. Mỗi thuyền cào don có 2 người, lao động không theo khung giờ nhất định mà có thể làm từ 7 đến 14 giờ, hoặc từ 19 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau...

Bà Nguyễn Thị Lan (thôn Ngọc An) cho biết, gia đình sắm phương tiện và các dụng cụ cần thiết để làm nghề cào don từ đầu tháng 2 năm nay. Vợ chồng bà làm chung một thuyền, còn một thuyền dành cho vợ chồng người con trai.

Do điều kiện sức khỏe nên thuyền của vợ chồng bà Lan chỉ cào loanh quanh ở đoạn sông trước nhà. Thời gian lao động không nhiều nhưng thu nhập khá cao so với các ngành nghề khác tại địa phương.

Don được đưa vào bờ để đãi sạch trước khi xuất bán. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Don được đưa vào bờ đãi sạch. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Ngoài gắn máy nổ, các hộ còn trang bị mỗi thuyền ít nhất 2 cái vợt để cào don. Vợt được làm từ một đoạn ngọn tre đực già, không sâu mọt dài 1,2m, vành làm bằng sắt chống gỉ được uốn tròn có đường kính 0,8 - 1m gắn với bọc lưới.

Ngoài ra, để lặn được lâu ở những đoạn sông sâu, một số hộ mua sắm máy tạo ô xy và các phụ kiện kèm theo với chi phí không lớn. Người cào don lặn hụp trong nước, cắm vợt sâu xuống lớp bùn và đẩy vợt đi để don chui vào vợt, sau đó đưa lên đổ vào thuyền.

Sau khi sử dụng rổ tre hoặc nhựa để đãi sạch bùn cát và các loại rác thải khác, don được đổ vào bao tải, tập trung lại một chỗ, thương lái đến mua với giá 140 nghìn đồng/bao đối với don có kích cỡ lớn và 70 - 80 nghìn đồng/bao đối với don nhỏ. Trung bình mỗi lao động có thể thu nhập 600 nghìn đồng/ngày.

Các chủ thuyền đưa don tập trung về bến để xuất bán cho tư thương. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Các chủ thuyền đưa don tập trung về bến để xuất bán cho tư thương. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Nghề cào don trở nên hấp dẫn, thu hút nhiều người tham gia. Cả ngày hàng chục chiếc thuyền nối đuôi xuôi ngược, tiếng động cơ, tiếng nói cười rộn rã trên sông. Anh Trần Kỳ Mạnh (thôn Ngọc An) cho biết, trước đây anh làm nghề đánh bắt hải sản, nhưng do sức khỏe giảm sút và thu nhập thấp nên chuyển sang nghề cào don từ tháng Giêng năm 2020.

Anh Mạnh vay mượn mua một chiếc thuyền gỗ, trang bị máy nổ D6 và bình hơi, ống dẫn khí để lặn với tổng kinh phí hơn 15 triệu đồng. Địa bàn hoạt động chủ yếu trên dòng sông Trường Giang đoạn qua thôn Ngọc An, chi phí cho mỗi chuyến làm nghề chưa hết 100 nghìn đồng. Với mức thu nhập khá nên mới đi cào don được hơn 4 tháng anh đã trả được nợ vay, có của để dành. Nghề cào don làm quanh năm, mùa mưa gặp nhiều trở ngại nhưng giá cao hơn với 180 - 200 nghìn đồng/bao.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC