Tìm cách "giữ lửa" nghề du lịch
Hàng nghìn lao động ngành du lịch sẽ phải đào tạo lại sau khi hoạt động du lịch trở lại bình thường. Đây là cảnh báo của các quản lý nhân sự tại buổi đối thoại “Ứng phó có trách nhiệm và bền vững của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khủng hoảng” diễn ra hôm qua 21.10 tại TP.Hội An.
Nỗi lo lao động quên nghề
Bà Huỳnh Thị Minh - Giám đốc điều hành khách sạn Golden Pearl, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhân sự (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam) cho biết, đến thời điểm hiện tại, hơn 90% số lao động ngành du lịch tại TP.Hội An đã nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 và bão lụt. Mặc dù, chủ đầu tư rất muốn giữ chân người lao động nhưng trước tình hình khó khăn hiện nay nên đành chấp nhận để người lao động ra đi. Tại khách sạn Golden Pearl, hiện đơn vị chỉ giữ lại chưa tới 10 nhân sự trong tổng số khoảng 50 lao động trước đây, chủ yếu bảo vệ, lễ tân nhưng cũng phải chia ca ra làm việc.
“Nhân sự nghỉ việc dài ngày sẽ mang đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi hoạt động du lịch trở lại bình thường, bởi người lao động sẽ quên nghề, nhất là ngoại ngữ và kỹ năng chuyên môn. Điều này đã từng xảy ra trong đợt nghỉ dịch lần đầu, tuy thời gian không lâu nhưng các thao tác, chuyên môn của nhiều người khá lúng túng, một số khách sạn phải đào tạo lại, chưa kể một số lao động đã chuyển việc khác phải tuyển mới” - bà Minh cho biết.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 18 nghìn lao động làm việc trong ngành du lịch, trong đó tại Hội An có hơn 17 nghìn người. Dịch bệnh Covid - 19 đã khiến hầu hết lực lượng lao động này nghỉ việc hoặc chuyển sang các công việc khác.
Theo bà Ngô Kim Anh - Giám đốc Điều hành khách sạn ÊMM Hội An, khó thể đòi hỏi doanh nghiệp giữ chân toàn bộ lao động của mình. Tại khách sạn ÊMM, dù đã cố gắng hết sức như cắt giảm chi phí, tạo ra sản phẩm phù hợp khách nội địa, kết nối các hoạt động như câu lạc bộ dạy bơi, câu lạc bộ tiếng Anh… nhằm duy trì hoạt động nhưng đơn vị cũng phải cắt giảm 30% lao động.
“Lúc đầu khách sạn chỉ tạm hoãn việc với một số lao động, nhưng qua tháng 7 thì tình hình khó khăn hơn không thể sắp xếp hết công việc cho nhân viên nên đành cắt giảm vì không có sự lựa chọn. Chúng tôi đã dự lường tình huống khi du lịch quay lại sẽ thiếu lao động nhưng đành phải chấp nhận vì phụ thuộc vào khả năng tài chính. Và vấn đề thiếu nhân lực hoặc quên nghề cũng là nỗi lo chúng tôi đặt ra khi du lịch quay trở lại” - bà Anh chia sẻ.
Sẵn sàng đón khách quay lại Theo ông Lê Viết Phúc - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An, đây là thời điểm thuận lợi để đào tạo nghề cho lao động ngành du lịch và Hiệp hội Du lịch nên đứng ra tổ chức dựa trên những cơ chế ưu đãi của Nhà nước, điều này sẽ giúp giữ được lực lượng lao động cũng như bổ sung lực lượng lao động chất lượng cho doanh nghiệp.
Theo ông Phúc, Hội An là thành phố du lịch nên số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 rất nhiều. Tuy nhiên, do những quy định của Nhà nước đến nay ngoài hơn 2.000 người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp và 1.074 lao động được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ thì số còn lại không được hưởng gì do không đáp ứng được điều kiện quy định. Ngoài ra, những người làm các công việc như làm đèn lồng, may đồ nhanh, giặt ủi… dù cũng tham gia vào hoạt động du lịch nhưng không được hưởng hỗ trợ.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, trong rất nhiều biện pháp giúp doanh nghiệp tồn tại, vượt qua khủng hoảng thì việc duy trì lực lượng lao động trong ngành du lịch rất quan trọng, do đó phải “giữ lửa” nghề cho lực lượng này. Vì vậy, việc tổ chức buổi đối thoại “Ứng phó có trách nhiệm và bền vững của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khủng hoảng” cũng chính là hướng đến mục tiêu này.
“Chúng ta đừng nghĩ rằng bây giờ không có kinh phí nên không thể làm và chờ đợi, bởi khi dịch qua đi khách quay lại lúc đó mới phản ứng sẽ muộn màng. Nên bây giờ phải tạo sinh khí tinh thần, phải luôn “giữ lửa” nghề cho người lao động, thường xuyên gắn kết người lao động và doanh nghiệp nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón khách quay lại” - ông Thanh phân tích.