Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)
(QNO) - Sáng nay 21.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận đối với các nội dung của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy bày tỏ phân vân đối với các nội dung được quy định tại các khoản của Điều 20 về điều kiện đăng ký thường trú. Ông Bình cho rằng, tại điều luật này cần có sự tính toán xây dựng theo phương pháp loại trừ chứ không nên liệt kê.
Đại biểu Phan Thái Bình dẫn chứng, nếu như theo quy định tại các khoản của Điều 20 dự thảo luật, trong trường hợp hộ gia đình chỉ còn hai chị em ruột, không bị khuyết tật, không phải người cao tuổi; bà chị có căn nhà do cha mẹ để lại, không ghi thừa kế gì, bà nói người em về ở với mình. Theo đó, không phải cho mượn, không phải cho thuê, không phải ở nhờ, như vậy không đủ điều kiện để được đưa vào điều luật này. Do đó, ông Bình cho rằng, cần rà soát thật kỹ để hoàn thiện, tránh trường hợp liệt kê quá cụ thể nhưng vẫn chưa đầy đủ.
“Cần phải xóa bỏ các điều kiện về đăng ký thường trú là hợp lý. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn phải quản lý đăng ký thường trú này. Quan điểm của tôi là nên tích hợp cả hai phương án này. Bởi lý do, phương án một đảm bảo tối thiểu về diện tích nhà ở phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở của nước ta đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tạo điều kiện cho công dân có quyền, có chỗ ở đủ điều kiện, ổn định. Thứ hai, đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ một năm trở lên; điều này đảm bảo tính ổn định tương đối từ tạm trú chuyển sang thường trú. Nếu đủ hai điều kiện này thì công dân được đăng ký thường trú” - ông Bình phát biểu.
Theo dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 của Điều 20, tại Khoản 3 của điều này quy định: công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện: được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ; đảm bảo một trong hai phương án sau:
Đảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người; đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ một năm trở lên.