Nỗ lực cứu bờ biển Cửa Đại
Hai ngày qua, gần 100 chiến sĩ công an, quân đội, dân quân tự vệ, lực lượng biên phòng TP.Hội An cùng người dân đã ra quân khẩn trương gia cố, kè chắn bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An).
Bất lực
Ông Hơn - chủ nhà hàng Hơn (khối phố Phước Tân, phường Cửa Đại) cho biết nhìn những con sóng dữ liên tiếp đánh vào bờ mà lòng dạ nóng ran. Tính đến hôm nay là vừa tròn 1 tuần gia đình ông “quần quật” với sóng biển. Sau đợt mưa lụt vừa qua, sóng biển Cửa Đại trở nên “hung bạo” khác thường. Một góc vườn nhà hàng Hơn đã bị sụp lún tạo hàm ếch, dự báo những ngày tới nếu không có giải pháp bảo vệ kịp thời sẽ bị sạt lở nghiêm trọng. Để cứu giữ nhà hàng, 3 ngày qua ông Hơn đã phải huy động tổng lực con cháu, anh em gần 10 người tập trung vận chuyển bao cát gia cố.
Tính đến chiều hôm qua (20.10), sạt lở đã lan tới bờ biển Tân Thịnh (khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An), một số hàng quán đã bị sụp đổ. Nặng nhất phải kể đến cơ sở dịch vụ du lịch Bungalow Sea View Hidden Beach, biển đã liếm đến sát nhà bếp. Ông Nguyễn Tấn Tuấn (người dân Cẩm An) nói: “Mới 4 ngày trước biển còn cách bờ 20m nhưng bây giờ thì đã sát chân rồi. Tình trạng này kéo dài chẳng mấy chốc bờ biển Tân Thành, An Bàng cũng bị đe dọa”.
Quan sát tại bãi tắm Cửa Đại (trước khách sạn Hội An Beach) có thể nhận thấy một nửa bờ phía nam tương đối ổn định. Ngược lại, nửa còn lại phía bắc kéo dài ra hướng Điện Bàn sạt lở rất nghiêm trọng, đặc biệt tốc độ sạt lở khá nhanh. Một số vị trí trước đây được xem là kiên cố như tuyến kè chắn bằng bê tông của khách sạn Palm Garden, công viên Bốn mùa hay bãi cát rặng dương sau lưng UBND phường Cẩm An…, bây giờ đều bị sóng đánh sụp.
Kè khẩn cấp
Sáng 19.10, UBND TP.Hội An đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp, thống nhất thành lập Ban Chỉ huy xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ biển do ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An làm Trưởng ban. Đồng thời giao Ban Quản lý dự án và quỹ đất thành phố khẩn trương xây dựng phương án thi công nhằm giữ bờ, hạn chế xói lở trong những ngày tới.
Cuộc họp cũng đã thống nhất giải pháp thi công khẩn cấp là tiến hành trải vải địa, bạt và sử dụng túi loại 2 tấn vào cát để tạo kè có độ nghiêng hợp lý, phía trong có thể chằng thêm bao cát nhỏ để giữ bờ. Ngay trong chiều 19.10, gần 100 chiến sĩ công an, quân đội, dân quân tự vệ, lực lượng biên phòng TP.Hội An đồng loạt ra quân kè chắn một số điểm xung yếu tại bãi tắm Cửa Đại, nhà hàng Sen, nhà hàng Biển Gọi và khu vực công viên Bốn mùa (vườn tượng).
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, thành phố sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để cứu bờ biển, đặc biệt tại những khu vực công cộng và những điểm xung yếu. Riêng khu vực các nhà hàng (khối phố Phước Tân, phường Cửa Đại) thành phố chỉ hỗ trợ bao, cát, nhân công còn lại các doanh nghiệp phải tự huy động lực lượng thực hiện việc gia cố, bảo vệ.
“Trong những ngày tới tình hình thời tiết sẽ rất phức tạp nên chúng tôi đẩy nhanh tiến độ, cố gắng cuối tuần này sẽ kết thúc thi công những nơi xung yếu nhằm hạn chế thấp nhất sạt lở” - ông Hùng chia sẻ.
Đến cuối buổi chiều hôm qua 20.10, một số điểm sạt lở nặng ở bờ biển Cửa Đại đã cơ bản được gia cố bằng bao cát, tạm thời hạn chế sức công phá của sóng. Riêng một số điểm sạt lở nặng như bãi tắm Cửa Đại và Công viên Bốn mùa, thành phố đã tập trung nhân lực, phương tiện nhanh chóng gia cố bảo vệ bờ. Đặc biệt, tại 2 khu vực này, bên cạnh các bao cát nhỏ, hàng chục bao tải có trọng lượng 2 tấn cũng đã được vô cát để xe múc chuyển vào vị trí chắn sóng. Việc gia cố bờ biển như đang chạy đua với thời gian trước khi thời tiết trở nên phức tạp.
Bờ biển Tam Tiến bị xâm thực mạnh
Do ảnh hưởng của mưa bão, tại bờ biển xã Tam Tiến (Núi Thành) những ngày qua sóng lớn áp sát gây sạt lở nhiều khu vực rừng phòng hộ và công trình dịch vụ của người dân. Đặc biệt, bờ biển đoạn qua thôn Hà Lộc (xã Tam Tiến), sóng biển xâm thực hàng chục mét, gây sạt lở hàng trăm mét bờ biển, đánh sập tuyến đường bê tông mở ra biển ở địa phương (ảnh).
Ông Phan Kim Nhựt (người dân thôn Hà Lộc) cho biết, mùa mưa bão hằng năm sóng biển đều xâm thực khu vực này nhưng chưa năm nào nghiêm trọng như hiện nay. Thôn Hà Lộc có nhiều nhà cửa sát biển, nhưng tại đây rừng phòng hộ thưa thớt, lại chưa có bờ kè bảo vệ nên tình trạng xâm thực mỗi năm càng nghiêm trọng. (H.Q)