Lại "giật mình" với sạt lở bờ biển
Ba đợt lũ diễn ra trong vòng 10 ngày ở Hội An là điều chưa bao giờ có trước đó. Lũ đã “đánh sập” bao công sức lâu nay trong việc bảo vệ bờ biển Hội An khỏi sạt lở… Trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhận định: “Lũ lụt, sạt lở tái diễn ở Hội An đã làm “giật mình” về vai trò của quản trị rủi ro và cách lựa chọn trong dài hạn hay ngắn hạn”.
* Phóng viên: Ông đánh giá về tình hình lũ lụt và thiệt hại cho Hội An những năm gần đây?
Ông Nguyễn Thế Hùng: Là vùng đất cuối sông Thu Bồn, từ mấy thế kỷ nay, người Hội An đã quen cảnh “sống chung với lũ”. Điều đó được thể hiện rõ nét qua phân bố ngành nghề sản xuất kinh doanh ở từng khu vực, qua cách dựng nhà và bố trí không gian sử dụng của từng nhà tùy theo khu vực ngập lụt mà rõ nhất ở trong khu phố cổ.
Những năm trở lại đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, cùng nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, diễn biến lũ lụt cũng vì thế mà khác trước. Bờ biển Hội An (một trong những tài sản quý giá nhất của thành phố) đã không còn như trước khi xu hướng xâm thực ngày càng nghiêm trọng hơn và đang lan dần về phía bắc. Nguyên nhân gây sạt lở được không ít nhà khoa học, chuyên gia nhắc đến, đó là mối quan hệ cốt lõi giữa thượng nguồn và hạ du Thu Bồn. Bài toán căn cơ nằm ở điểm này. Giữ được bờ biển trong điều kiện rất giới hạn về nguồn lực và tài nguyên là một vấn đề không hề dễ dàng.
* Phóng viên: Vì sao kè cứng và kè mềm vẫn không giữ được bờ biển Hội An?
Ông Nguyễn Thế Hùng: Không kể giai đoạn trước đó, nhưng từ 2009 đến nay, tình trạng sạt lở bờ biển Hội An ngày càng gay gắt và phức tạp hơn, vệt sạt lở lan dần từ phía nam ra bắc. Nguồn lực hỗ trợ của trung ương, tỉnh và nội lực của thành phố, đầu tư của doanh nghiệp đã đầu tư khá lớn vì mục tiêu ngăn chặn biển xâm thực vào bên trong, và trong thực tế đã có tác dụng nhất định khi giảm thiểu được tình trạng xâm thực cục bộ.
Năm 2016, khi xét thấy vấn đề cần được giải quyết căn cơ, tỉnh đã quyết định hợp tác nhờ các chuyên gia trong nước và các nước có công nghệ tiên tiến về chống xâm thực biển tiến hành nghiên cứu, đánh giá thực trạng, tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp tổng thể ứng phó tình trạng sạt lở bờ biển Hội An. Qua đó rất nhiều giải pháp đã được đề xuất.
Theo dõi, học hỏi mấy năm qua thì cá nhân tôi có cảm nhận rằng, bờ biển Hội An bị sạt lở có liên quan mật thiết đến lưu vực Thu Bồn (đặc trưng phổ biến của khu vực miền Trung ở những nơi có cửa sông/biển) về dòng chảy, bùn cát… Các giải pháp ứng phó khẩn cấp thời gian qua đã mang lại hiệu quả khá rõ về mục tiêu ngăn ngừa xói lở tại khu vực bị sạt lở. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề này không hề là điều đơn giản.
* Phóng viên: Vậy, theo ông đâu là hướng quản trị rủi ro thiên tai mang tính bền vững cho bờ biển Hội An?
Ông Nguyễn Thế Hùng: Về giải pháp, tôi cho rằng cần nắm bắt và hiểu đúng nguyên nhân để tìm ra cách làm thích nghi và phù hợp nhất. Biển lở hay bồi vốn là quy luật, song không thể không kể đến những tác động ngày càng lớn và thiếu bền vững của con người đến thiên nhiên.
Tuy nhiên, việc chọn lựa các giải pháp cần được tính toán kỹ, phù hợp với chế độ dòng chảy và vận chuyển bùn cát từ sông Thu Bồn đến Cửa Đại để có thể bù đắp được phần nào bùn cát bị lấy đi trong mùa đông. Có thể tính đến giải pháp công trình để giảm thiểu việc xâm thực của biển vào đất liền trong mùa biển động. Giải pháp bẫy, giữ lại bùn cát ở các khu vực bị sạt lở nhưng không làm vệt lở tiếp tục ăn lan lên phía bắc là điều rất quan trọng. Phải chăng, chỉnh trị bờ biển Cửa Đại và quy hoạch lưu vực Thu Bồn chính là nguồn cơn của sự việc! Quan điểm thích nghi và nương tựa vào tự nhiên theo tôi vẫn mang tính cốt lõi.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!