Những yếu tố làm tăng nguy cơ cảm cúm
(QNO) - Bất cứ ai cũng có thể mắc cảm cúm khi hệ miễn dịch bị suy giảm, do virus cúm luôn hiện diện trong môi trường sống. Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ cảm cúm cho cơ thể con người.
Khoa học đã chứng minh rằng những người có hệ miễn dịch kém thường dễ bị virus cúm tấn công so với người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tuổi tác, môi trường làm việc, điều kiện sống, các bệnh nền và thời điểm trong năm là những yếu tố làm tăng nguy cơ cảm cúm.
1. Tuổi tác là yếu tố làm tăng nguy cơ cảm cúm
Trung bình một người trưởng thành có thể bị cảm cúm từ 2-3 lần/ năm. Trong khi đó trẻ em có thể bị từ 6-7 lần/ năm. Đối tượng dễ bị cảm cúm thường là các bé dưới 5 tuổi. Ở độ tuổi này hệ miễn dịch yếu ớt của trẻ chưa thể chống lại sự tấn công của virus cảm cúm thông thường. Tuy nhiên sức đề kháng chưa phát triển không phải là lý do duy nhất khiến trẻ em dễ bị tổn thương do virus.
Sự hiếu động của trẻ cũng tạo điều kiện cho virus cúm tấn công vào cơ thể. Nhất là khi các bé chưa ý thức được tầm quan trọng của việc rửa tay sạch sẽ khi tiếp xúc với môi trường, bụi bẩn. Thường xuyên tiếp xúc với các bé khác. Chúng cũng không biết che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Cảm cúm ở trẻ sơ sinh sẽ trở nên nghiêm trọng nếu nó gây trở ngại đến việc cho con bú hoặc hít thở bằng mũi.
2. Môi trường làm việc
Bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên, giáo viên mầm non và các bà mẹ là những đối tượng có nhiều khả năng tiếp xúc gần với người bị cảm cúm. Trong trường hợp đối tượng cần chăm sóc mắc cúm virus họ chính là những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao.
3. Hệ miễn dịch suy yếu
Những người có độ tuổi trên 65 có tần suất mắc cảm cúm tương đương với một đứa trẻ sơ sinh. Bởi người cao tuổi có hệ miễn dịch bị suy yếu dần theo thời gian. Sức đề kháng trong cơ thể không còn đủ khả năng chống lại sự tấn công của virus gây cảm cúm thông thường.
Khi hệ miễn dịch bị suy yếu bạn rất dễ mắc cảm cúm khi tiếp xúc với người ốm do virus này gây ra. Bạn có thể gặp phải các vấn đề về hô hấp, ho khan, đau họng, ngạt mũi và mệt mỏi. Đó là tất cả những yếu tố làm tăng nguy cơ cảm cúm.
4. Môi trường sống cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Môi trường sống bị ô nhiễm do khói bụi. Sống ở những nơi tập trung đông người như ký túc xá, khu vực điều dưỡng, viện dưỡng lão, doanh trại quân đội,... là những nơi có nhiều nguy cơ phát triển virus cảm cúm.
5. Thời điểm thay đổi các mùa trong năm
Sức đề kháng của cơ thể dễ bị suy yếu trong thời điểm giao mùa. Thống kê mới nhất cho thấy vào hai mùa Thu và Đông số lượng người lớn và trẻ em bị cảm cúm gia tăng đột biến. Sự thay đổi thất thường của thời tiết khiến cơ thể không kịp sản sinh các kháng thể để chống lại virus tấn công. Ở miền Nam chỉ có hai mùa Mưa và Khô, mọi người dễ bị cảm cúm hơn vào mùa mưa.
6. Các bệnh nền mãn tính
Những người mắc bệnh nền thường có hệ miễn dịch yếu ớt hơn nhiều so với một cơ thể khỏe mạnh. Đó là lý do vì sao người bị bệnh tiểu đường, hen suyễn, tim mạch...dễ mắc cảm cúm khi thời tiết thay đổi hoặc tiếp xúc với người ốm.
Bên cạnh các yếu tố trên, phụ nữ mang thai cũng là đối tượng dễ bị mắc cảm cúm. Đặc biệt là trong khoảng thời gian 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ.
Trên đây là 6 yếu tố làm tăng nguy cơ bị cảm cúm bạn nên lưu ý. Ghi nhớ những điều này để có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình trong thời điểm mùa đông đang đến gần.