Nỗ lực kè chắn sạt lở biển Cửa Đại

VĨNH LỘC 16/10/2020 04:58

Mưa lũ những ngày qua đã gây sạt lở hàng trăm mét tuyến bờ biển Cửa Đại (Hội An). Mặc dù chính quyền và người dân nỗ lực kè chắn, gia cố nhưng giải pháp tạm thời này khó có thể chống chịu lâu dài với những đợt sóng lớn trong mùa mưa bão.

Nhiều khu vực nhà hàng ven biển Cửa Đại dù có kè mềm bao tải địa nhưng vẫn bị sạt lở nghiêm trọng trong đợt mưa bão vừa qua. Ảnh:V.L
Nhiều khu vực nhà hàng ven biển Cửa Đại dù có kè mềm bao tải địa nhưng vẫn bị sạt lở nghiêm trọng trong đợt mưa bão vừa qua. Ảnh:V.L

Lở đâu vá đó

Bờ biển Cửa Đại sáng 15.10 vẫn còn ngổn ngang gạch đá và bao cát nằm vương vãi. Dọc theo chiều dài hơn 1km từ bãi tắm Cửa Đại về phía Bắc, nhiều gốc dừa ngã chỏng chơ, cắm ngọn xuống  nước. Tại một số điểm, sóng biển đã ngoạm sâu vào bờ hơn 10m, tạo thành những vực sâu, hàng nghìn khối đất cát đã bị cuốn ra khơi.

Nhiều chủ nhà hàng tại đây cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, sóng biển đã chồm qua bờ kè bao vải địa kỹ thuật, khoét sâu vào khuôn viên các nhà hàng, thậm chí đe dọa công trình nhà cửa bên trong. Chủ nhà hàng Mẫn ở bờ biển Cửa Đại cho biết, sóng đã đánh sập bức tường gạch kiên cố của nhà hàng, tạo thành một hốc hàm ếch khá nguy hiểm. Ngày hôm qua, tranh thủ nắng ráo, ông đã huy động người nhà vận chuyển bao cát lấp chèn vào. “Cố giữ được chừng nào hay chừng đó chứ tường bê tông còn bị sóng đánh sụp thì mấy bao cát này ăn thua gì” - ông chủ nhà hàng Mẫn nói.

Sạt lở bờ biển Cửa Đại diễn ra lâu nay, nhất là vào mùa mưa bão và mỗi năm càng thêm nghiêm trọng. Nhiều giải pháp đã được thực hiện, từ xây kè cứng, kè mềm đến kè mỏ hàng đóng cọc larsen, đê ngầm chắn sóng từ xa… nhưng bờ biển vẫn sạt lở mỗi khi có mưa bão. Năm 2015, UBND TP.Hội An triển khai giải pháp kè mềm bằng bao vải địa kỹ thuật kéo dài từ khách sạn Victoria ra hướng bắc 220m, kết quả bờ biển vẫn bị xói lở.

Theo Ban Quản lý dự án & quỹ đất TP.Hội An, do lớp bao vải thấp (2 lớp) nên nước tràn qua, tuy vậy với phương pháp này, dù nước biển có tràn qua gây xói lở nhưng bù lại đất không bị mất, qua mưa bão có thể bồi đắp lại. Chưa kể, nếu bao vải được chất nhiều lớp sẽ hạn chế sóng lớn tràn vào bờ. Điều này đã được chứng minh tại khu vực bãi tắm Cửa Đại trong đợt mưa lụt vừa qua. Với 4 lớp kè kiên cố, tuyến đê mềm này đã hạn chế rất nhiều đợt sóng đánh vào bờ.

“Mọi giải pháp bây giờ chỉ mang tính khẩn cấp tạm thời, còn về lâu dài phải chờ tỉnh làm xong bờ kè chắn sóng ngầm từ xa, lúc đó bờ mới ổn định được” - một lãnh đạo của Ban Quản lý dự án & quỹ đất TP.Hội An cho biết.

Gấp rút kè biển

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, hiện tại thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án & quỹ đất TP.Hội An khẩn trương triển khai dự án kè chắn những đoạn sạt lở nặng dọc biển Cửa Đại trước khi Trung ương và tỉnh triển khai các giải pháp tổng thể phòng chống xói lở bờ biển.

 

Theo ông Nguyễn Viết Sơn  - cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý dự án & quỹ đất TP.Hội An, thành phố đã thống nhất phương án thực hiện kè đoạn khu vực công viên Vườn tượng (chiều dài 70m) bằng 2 phương pháp nhằm giữ bờ và tạo bãi, kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Cụ thể, trước mắt sẽ triển khai giải pháp kè mềm bằng túi vải địa để giữ bờ, sau đó sẽ làm tiếp 6 kè mỏ hàn nhằm tạo bãi và cuối cùng là đê chắn sóng ngầm từ xa. Hy vọng kết hợp 3 phương pháp này biển Cửa Đại sẽ không còn bị sạt lở.

Tuy nhiên, việc kè mỏ hàn và đê chắn sóng ngầm chưa thể triển khai trong tình hình hiện nay vì còn phụ thuộc vào thời tiết, riêng đê ngầm chắn sóng do tỉnh thực hiện. Nếu thời tiết thuận lợi, dự kiến thời gian thi công kè mềm tại khu vực vườn tượng sẽ kéo dài 3 tháng.

Dù được xem là giải pháp khẩn cấp hiện nay, nhưng việc kè bằng bao vải địa kỹ thuật cũng chỉ mang tính ngắn hạn vì độ bền thấp, bình quân tuổi thọ từ 5 - 7 năm. Tuy nhiên, qua thực tế đến nay vẫn chưa có giải pháp kè chắn nào tối ưu hơn, kể cả kè cứng bằng bê tông cốt sắt. Tại khách sạn Palmgarden, dù xây dựng tuyến tường bằng bê tông nhưng hiện đã có dấu hiệu nghiêng lún do sóng đánh hỏng chân.

Khảo sát trên địa bàn TP.Hội An, thời điểm hiện tại ngoài bờ biển Cửa Đại bị sạt lở, một số điểm ven sông cũng đối diện nguy cơ này. Theo Ban Quản lý dự án & quỹ đất TP.Hội An, việc kè chắn phải được nghiên cứu đánh giá ở nhiều khía cạnh, kể cả phụ thuộc kinh phí. Riêng với kè sinh thái bằng 3 lớp cây ở Cẩm Kim dù bước đầu phát huy hiệu quả, nhưng cũng chỉ phù hợp với những nơi có dòng chảy chậm, khó thể triển khai những nơi dòng nước chảy xiết, đặc biệt càng không thể triển khai ven biển.

VĨNH LỘC