New York Times: Kỳ tích châu Á tiếp theo là Việt Nam?
(QNO) - Thời báo New York (New York Times) của Mỹ số ra ngày 13.10.2020 có bài viết về tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam.
Bài viết trên của tác giả Ruchir Sharma - Giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu của Ngân hàng Morgan Stanley (trụ sở chính tại Mỹ), có tựa đề “Is Vietnam the Next Asian Miracle?” (Có phải kỳ tích châu Á tiếp theo là Việt Nam?).
Theo bài báo, trong vòng vài ngày sau khi Trung Quốc công bố trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19, Việt Nam huy động ngăn chặn sự lây lan vi rút corona mới từ việc sử dụng tin nhắn, thông báo trên truyền hình, biển quảng cáo, áp phích và loa phóng thanh kêu gọi 100 triệu người dân theo dõi tiếp xúc để truy vết.
Việc phong tỏa nhanh chóng các ổ dịch khiến tỷ lệ tử vong vì corona tại Việt Nam nằm trong số 4 nước thấp nhất trên thế giới. Kiểm soát đại dịch cho phép Việt Nam nhanh chóng mở cửa kinh doanh trở lại và hiện được dự đoán là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay.
Trong khi nhiều quốc gia đang phải chịu những suy giảm kinh tế to lớn và nhờ đến Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) giải cứu tài chính, Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ 3% hằng năm. Ấn tượng hơn nữa, sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại kỷ lục, bất chấp sự sụp đổ trong thương mại toàn cầu.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, “những kỳ tích ở châu Á” đầu tiên là Nhật Bản, sau đó là Đài Loan và Hàn Quốc, gần đây nhất là Trung Quốc. Bây giờ đến Việt Nam, nhưng trong một thời đại hoàn toàn mới. Bởi những điều kiện tạo nên những điều kỳ diệu ban đầu có thể không còn nữa.
Những điều kỳ diệu ban đầu của châu Á tạo ra mức tăng trưởng xuất khẩu hằng năm gần 20% - gần gấp đôi mức trung bình của các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình vào thời điểm đó.
Việt Nam đã duy trì tốc độ tương tự trong 3 thập kỷ. Ngay cả khi thương mại toàn cầu sụt giảm trong những năm 2010 thì xuất khẩu của Việt Nam tăng 16% mỗi năm, cho đến nay là tốc độ nhanh nhất trên thế giới và gấp 3 lần mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi.
Trong khi các quốc gia mới nổi khác chi mạnh tay cho phúc lợi xã hội nhằm xoa dịu cử tri, thì Việt Nam dành nguồn lực cho xuất khẩu, xây dựng đường sá, bến cảng để đưa hàng hóa ra nước ngoài và xây dựng trường học để đào tạo lao động.
Chính phủ đầu tư khoảng 8% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) mỗi năm về các dự án xây dựng mới, hiện được xếp hạng cao hơn về chất lượng cơ sở hạ tầng so với bất kỳ quốc gia nào ở giai đoạn phát triển tương tự.
Trong 5 năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trung bình hơn 6% của GDP ở Việt Nam, tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ quốc gia mới nổi nào. Phần lớn trong số đó dành cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất và cơ sở hạ tầng liên quan.
Trong kỷ nguyên bảo hộ, Việt Nam cũng là quốc gia ủng hộ các đường biên giới mở, là nước ký kết hơn chục hiệp định thương mại tự do, trong đó có một thỏa thuận mang tính bước ngoặt mới được ký kết với Liên minh châu Âu (EVFTA).
Thu nhập bình quân đầu người hằng năm ở Việt Nam đã tăng gấp 5 lần kể từ cuối những năm 1980, lên gần 3.000 USD/người. Việt Nam cũng trở thành điểm ưa thích của các nhiều nhà sản xuất khi họ muốn rời khỏi Trung Quốc.
Nguồn lao động có tay nghề cao đang giúp Việt Nam tiến “lên nấc thang” để sản xuất hàng hóa ngày càng tinh vi. Ngành công nghệ đã vượt qua mặt hàng dệt may để trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam vào năm 2015 và chiếm phần lớn thặng dư thương mại kỷ lục trong năm nay.
Theo New York Times, trên con đường phát triển luôn tiềm ẩn những nguy cơ, khó khăn và liệu Việt Nam có duy trì được những thành công này để trở thành kỳ tích châu Á tiếp theo? Câu trả lời là có thể.