Kế sách giảm nghèo bền vững
Giảm nghèo luôn là nhiệm vụ quan trọng trong mọi giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Càng về sau, mục tiêu giảm nghèo càng khó thực hiện khi số hộ nghèo còn lại thuộc nhóm khó tác động hơn. Tuy vậy, các địa phương đều đặt quyết tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp.
KINH NGHIỆM TỪ CƠ SỞ
Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 12,90% xuống còn 6,06%. Đó là kết quả đáng khích lệ, đạt được bằng rất nhiều cách làm phù hợp ở các địa phương.
Sát với hộ nghèo
Từ mô hình phát triển cây ớt Ariêu, hộ chị Alăng Thị Bre (thôn Axờ, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang) đã thoát được cái nghèo đeo bám. Ớt Ariêu là loại cây trồng chị Bre được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Giang hướng dẫn trồng khi tham gia câu lạc bộ “Phát triển cây ớt Ariêu” - một mô hình vừa mang mục tiêu giúp thoát nghèo vừa nhằm bảo tồn giống ớt bản địa. Trên nương rẫy, ớt mọc tự nhiên có, ớt ươm trồng có, chị Bre được học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cho cây ớt mang lại năng suất cao, trái ớt không mất đi hương vị đặc trưng. Từ khi trồng ớt Ariêu, chị Bre có thêm nguồn thu nhập 9 - 10 triệu đồng/năm, cùng với phát triển kinh tế gia đình bằng cách nuôi thêm heo đen, gà. Sau 2 năm tập trung phát triển kinh tế, gia đình chị Bre đã có nguồn thu nhập ổn định.
Tìm hiểu đúng nguyên nhân sẽ tác động đúng hướng, giúp hộ nghèo thoát nghèo hiệu quả hơn. Đó là cách mà huyện Tiên Phước thực hiện. Trong kế hoạch giảm nghèo của địa phương, từng hộ nghèo được xác định rõ tên tuổi, địa chỉ, thực trạng nghèo để hỗ trợ chính xác. Các đơn vị, cơ quan được phân công trợ giúp hộ nghèo phải động viên, theo dõi, giám sát chặt chẽ sau khi đã hỗ trợ sinh kế hoặc trợ giúp sản xuất... Huyện, xã tranh thủ lồng ghép các nguồn lực từ chương trình nông thôn mới, giảm nghèo, các cơ chế chính sách khác của tỉnh, huyện để tác động toàn diện, trợ sức hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của Tiên Phước hiện chỉ còn 5,29% (kể cả hộ nghèo diện bảo trợ xã hội).
Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Tiên Phước có 2 thôn nghèo đông đồng bào dân tộc Co sinh sống ở Tiên Lập, Tiên An đã được phân công đơn vị kết nghĩa, giúp đỡ. Đồng bào được hướng dẫn sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, đỡ đầu trẻ em đi học, giới thiệu việc làm, hướng dẫn kế hoạch tiết kiệm, tích lũy. Nhờ thế mà từ 100% hộ đồng bào Co thuộc diện nghèo vào đầu năm 2016, đến năm 2019 giảm còn 40%”.
Tác động nhóm khó
TP.Tam Kỳ hiện còn 241 hộ nghèo (tỷ lệ 0,75%), đều thuộc diện bảo trợ xã hội, là nhóm khó tác động thoát nghèo nhất. Tam Kỳ đặt mục tiêu đến năm 2025 tác động, trợ giúp hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội được nâng mức sống, tăng nguồn thu nhập. Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho hay, nguồn lực trợ giúp hộ nghèo ngoài ngân sách Trung ương, tỉnh, thành phố còn có xã hội hóa thông qua vận động đóng góp vào Quỹ vì người nghèo hỗ trợ sinh kế, đỡ đầu học sinh nghèo, hỗ trợ nhà ở, các dịch vụ xã hội thiếu hụt...
Chia sẻ cách thức hỗ trợ thoát nghèo hiệu quả của địa phương, ông Lai nói: “Hằng năm thành phố và các địa phương tổ chức đối thoại trực tiếp với từng hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu. Từ đó có giải pháp hỗ trợ theo nhu cầu, nguyện vọng phù hợp với từng hộ để giải quyết cùng lúc thiếu hụt về thu nhập và thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Để đảm bảo tính bền vững, thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, đoàn thể giúp đỡ từng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngân sách thành phố từ năm 2018 bắt đầu hỗ trợ mỗi hộ nghèo, cận nghèo 2 triệu đồng để lắp đặt thiết bị nước sạch, công trình vệ sinh, và đã nâng mức hỗ trợ lên thành 5 triệu đồng trong năm 2020. Chính sách của tỉnh hỗ trợ hộ mới thoát nghèo bền vững 3 năm đóng kinh phí thẻ bảo hiểm y tế thì thành phố dùng ngân sách hỗ trợ thêm 2 năm nữa”. Cũng theo ông Lai, đối với nhóm hộ nghèo diện bảo trợ xã hội, Tam Kỳ sẽ vận dụng nhiều nguồn hỗ trợ nhằm giúp họ vượt lên mức sống của chuẩn nghèo giai đoạn mới kể từ năm 2021, phấn đấu đến năm 2025 TP.Tam Kỳ không còn hộ nghèo (trừ những trường hợp bất khả kháng).
LỒNG GHÉP NGUỒN LỰC
Đối với các huyện miền núi, giảm nghèo luôn là trăn trở lớn vì là mục tiêu quan trọng nhất trong phát triển kinh tế, xã hội. Việc thực hiện mục tiêu này trong giai đoạn mới sẽ gặp nhiều khó khăn vì hộ nghèo còn lại thuộc diện rất khó tác động, nên cần sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị.
Tác động chính xác
Toàn tỉnh có 25.650 hộ nghèo thì khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đến 17.449 hộ nghèo. Những hộ đã thoát nghèo thì chưa bền vững, nhiều hộ có nguy cơ rơi trở lại diện nghèo vì mức thu nhập nằm sát với chuẩn nghèo. Hàng năm ở miền núi, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới luôn là vấn đề đáng lo. Vì càng khó nên càng phải xác định đúng đối tượng để tác động giảm nghèo chính xác nhất.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ: “Năm 2020 Tây Giang đặt quyết tâm cao trong giảm nghèo, nhưng dịch bệnh, thiên tai ảnh hưởng khiến địa phương rất lo lắng. Sợ rằng người dân sẽ tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới chỉ vì lũ lụt làm hư hại nhà cửa, con cái đã đi làm thì mất việc làm phải quay về buôn làng. Hộ nghèo càng về sau này tác động giảm nghèo càng khó hơn vì họ không hội đủ điều kiện thoát nghèo, thu nhập hết sức bấp bênh”. Tuy vậy, Tây Giang vẫn rất cố gắng bằng cách lồng ghép nhiều nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo.
Ông Blúi khẳng định, huyện sẽ tiếp tục phát huy nguồn lực từ các chương trình, chính sách, cùng với sắp xếp dân cư gắn với phát triển vùng sản xuất theo hướng “có đất và có nước”. Từ đó người dân ổn định nơi ở hợp với văn hóa làng, được đầu tư hạ tầng thiết yếu và tổ chức sản xuất ổn định. Bên cạnh đó, lao động còn trẻ thuộc hộ nghèo sẽ được huyện, xã vận động đi học nghề, đi làm việc ở doanh nghiệp. Lao động lớn tuổi hơn thuộc hộ nghèo, huyện sẽ tạo sinh kế tại chỗ từ các loại cây, con bản địa giúp người dân có công ăn việc làm, kết nối thị trường đầu ra cho nông sản...
Huy động toàn lực
Với các huyện miền núi, trong giai đoạn tiếp theo, chương trình giảm nghèo tiếp tục là một trong những nhiệm vụ được đưa lên hàng đầu. Bắc Trà My hiện tỷ lệ hộ nghèo là 29,07%, huyện đặt mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 giảm còn 12% (theo chuẩn nghèo hiện hành). Theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, mục tiêu của tỉnh là giảm nghèo cho khu vực miền núi xuống dưới 7% vào năm 2025 là rất cao.
Ông Vũ phân tích: “Bắc Trà My đang có mức nghèo ở nhóm trung bình của toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo hơn 4%, trong đó khu vực đồng bào dân tộc thiểu số giảm đến 7%. Nhưng càng về sau càng khó tác động giảm nghèo nên huyện phấn đấu mỗi năm giảm 3%, đến năm 2025 cố gắng lắm cũng chỉ giảm xuống còn 12%. Muốn làm được điều này, phải huy động tổng lực từ các nghị quyết, chương trình đầu tư từ Trung ương đến tỉnh, huyện và nguồn xã hội hóa. Riêng nguồn ngân sách huyện mỗi năm dành 5 tỷ đồng để hỗ trợ cho hộ nghèo, mô hình sản xuất. Và huyện sẽ chú trọng kêu gọi đầu tư để lao động thuộc hộ nghèo được giải quyết việc làm tại chỗ. Tạo sinh kế bền vững tại chỗ sẽ lâu dài hơn”.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, nguồn lực đầu tư cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi hơn 10 nghìn tỷ đồng. Nguồn lực này sẽ được ưu tiên tiếp tục trong giai đoạn tiếp theo khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được thực hiện. Chương trình sẽ tập trung giải quyết nhà ở, đất sản xuất và chuyển đổi ngành nghề, bao gồm xóa nhà tạm bợ, nhà dột nát cho 4.951 hộ, giải quyết cho 2.901 hộ đủ đất sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi ngành nghề cho 2.231 hộ. Người dân sẽ được hỗ trợ bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung gắn với phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, nâng thu nhập. Mỗi xã thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi sẽ được hỗ trợ thí điểm mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị, được kết nối giải quyết đầu ra ổn định.
Ông Trần Đình Quế - Trưởng Phòng Đào tạo nghề Sở LĐ-TB&XH: Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là giải pháp căn cơ, bền vững giúp lao động nghèo ở cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bằng có sinh kế bền vững. Thời gian qua việc đào tạo nghề theo Cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động của tỉnh, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đưa sàn giao dịch việc làm đến miền núi, giúp doanh nghiệp và lao động kết nối việc làm... đã góp phần quan trọng trong tác động giảm nghèo. Học nghề, đi làm đã giúp thay đổi tư duy lao động sản xuất của người dân, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, nhiều hộ gia đình thoát nghèo trở thành hộ khá, góp phần rất lớn trong kết quả giảm nghèo của các địa phương, đặt biệt là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My: Nhân rộng mô hình giảm nghèo gắn với sinh kế từ rừng
Với Nam Trà My, giảm nghèo trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nhờ có nhiều mô hình hiệu quả, được nhân dân đồng tình thực hiện cùng với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể... Huyện ủy ban hành kế hoạch, chương trình vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động giúp hộ đăng ký thoát nghèo bền vững. Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện còn thực hiện thưởng thoát nghèo bằng tiền mặt với mức 3 triệu đồng/hộ. Nhờ đó, bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện đạt 8,38%/năm, hoàn thành so với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 7% trở lên của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh.
Thời gian tới, tôi nghĩ địa bàn miền núi cần hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo gắn với sinh kế từ rừng cho người dân; đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề gắn với giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn tại chỗ gắn với giải quyết việc làm theo định hướng được xây dựng trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch từng năm. Cần khuyến khích người dân trồng lúa nước có năng suất cao; xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận và tham gia.
DỰ TRÙ CHO CHUẨN MỚI
Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2025 khu vực đồng bằng cơ bản không còn hộ nghèo, khu vực miền núi giảm còn dưới 7% theo chuẩn nghèo hiện hành. Nhiệm vụ này không hề dễ dàng nhưng là mục tiêu được đặt quyết tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp, kể cả tính toán cho chuẩn mới được áp dụng từ năm 2021.
Hỗ trợ phù hợp
Theo tính toán của Sở LĐ-TB&XH, dự kiến chuẩn mới sẽ làm tăng tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2021 lên khoảng 15,5% (bao gồm cả diện nghèo bảo trợ xã hội). Ở khu vực đồng bằng, việc tác động, trợ giúp thoát nghèo sẽ dễ dàng hơn, bởi theo khảo sát cho thấy, hộ nghèo ở đồng bằng khi đã vượt qua và vươn lên thì rất khó tái nghèo bởi thu nhập đã vượt qua chuẩn nghèo với cách biệt lớn. Đồng thời ý chí cùng với nghị lực vươn lên, cũng như các điều kiện để phát triển kinh tế của hộ nghèo ở khu vực đồng bằng hội nhiều yếu tố thuận lợi hơn. Vì thế, khu vực đồng bằng trong giai đoạn tới sẽ tập trung tác động, hỗ trợ đối với những hộ có khả năng thoát nghèo. Bên cạnh đó, giúp hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội bằng cách hỗ trợ tăng nguồn thu nhập, để họ có mức sống vượt qua chuẩn nghèo ở khu vực đồng bằng giai đoạn mới.
Không như khu vực đồng bằng, hộ mới thoát nghèo ở khu vực miền núi rất dễ bị “tổn thương”, mức thu nhập sát với ngưỡng nghèo. Nói như ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hộ mới thoát nghèo ở miền núi so với hộ nghèo chỉ như hai mặt của bàn tay vậy, lật qua bên này là hộ mới thoát nghèo thì chỉ cần bị tác động nhẹ bởi một biến cố như mất mùa, thiên tai, dịch bệnh, đau ốm..., thì lập tức tái nghèo. Đó là thực tế đã diễn ra nhiều năm qua. Vì thế, trong công cuộc “Chung tay vì người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau” ở giai đoạn tới cần sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp đảng bộ, chính quyền và cộng đồng xã hội. Công cuộc giảm nghèo cần có sự tích hợp mạnh mẽ từ tất cả nguồn lực, đầu tư vào cơ sở hạ tầng miền núi tạo nên diện mạo mới, thuận lợi cho hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, giao thương.
Quyết tâm cao
Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2025, khu vực đồng bằng cơ bản không còn hộ nghèo, khu vực miền núi giảm còn dưới 7% theo chuẩn nghèo hiện hành là khá cao, đòi hỏi quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Ở khu vực miền núi sẽ có sự kết hợp tổng lực các chương trình đầu tư, kể cả chương trình xây dựng nông thôn mới. Ở khu vực đồng bằng sẽ là những chính sách đầu tư xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cùng với sự phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, công tác giảm nghèo ở miền núi phải tính đến việc không tác động đến tự nhiên mới bền vững được. Người dân cần được hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ như mây, tre nứa, dược liệu. Người dân đã trồng được thì địa phương phải vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm, đưa sản phẩm đến tiêu thụ ở khu vực đồng bằng... tạo nên chuỗi giá trị kết nối từ miền núi về đồng bằng. Đồng thời các chính sách kêu gọi, thu hút nhà đầu tư đến với miền núi cần được tính đến. Nhà đầu tư lớn sẽ làm đầu tàu tham gia liên kết cùng hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình để tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân.
Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, công tác giảm nghèo ở cả khu vực đồng bằng và miền núi còn nhiều hạn chế đã được các địa phương chỉ ra. Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm nghiên cứu để tham mưu tỉnh sớm ban hành các cơ chế chính sách cho một nhiệm kỳ phát triển mới. Các địa phương phải biết vận dụng, kết hợp lồng ghép giữa các chương trình mục tiêu của Trung ương với địa phương để phát huy hiệu quả. Đồng thời tăng cường nguồn lực thực hiện xã hội hóa công tác giảm nghèo, cùng đầu tư vào giảm nghèo bền vững. Tỉnh cũng đang rà soát, đánh giá, sửa đổi các cơ chế từ đầu nhiệm kỳ cho phù hợp với giai đoạn mới.