Dấu ấn xây dựng đời sống văn hóa
Qua 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (giai đoạn 2000 - 2020), huyện Duy Xuyên tạo nhiều dấu ấn đậm nét, thúc đẩy sự nghiệp văn hóa phát triển, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân.
Nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất
Xã Duy Phú (Duy Xuyên) hiện có 22 tổ đoàn kết với 5 thôn gồm Mỹ Sơn, Bàn Sơn, Chánh Sơn, Trung Sơn, Nhuận Sơn. Nhận thức tầm quan trọng của hoạt động thể dục - thể thao, địa phương linh hoạt huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa để phục vụ hoạt động này.
Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống
Giai đoạn 2000 - 2020, Duy Xuyên chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng, thông qua việc tạo điều kiện cho các đoàn chuyên gia trong nước và quốc tế đến khảo sát, nghiên cứu và tiến hành khai quật, trùng tu nhiều di tích tại Mỹ Sơn, thành cổ Trà Kiệu, phế tích tháp Chăm Dương Bi, Dinh Bà Chiêm Sơn, Lăng Bà Thu Bồn, Lăng mộ Bà Đoàn Quý Phi… Qua 20 năm, huyện đã đề nghị công nhận 52 di tích, trong đó có 47 di tích cấp tỉnh, 5 di tích cấp quốc gia và Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Không chỉ vậy, địa phương tổ chức truyền dạy các làn điệu dân ca, hát bả trạo, hát tuồng, hát sắc bùa cho thế hệ trẻ để các em gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa quê hương mình.
Ông Trần Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phú cho biết, đến nay 100% nhà sinh hoạt văn hóa thôn, 21/22 tổ đoàn kết được xây dựng khang trang và đưa vào sử dụng. Tổng kinh phí đầu tư hơn 9 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước, nhân dân đóng góp và đặc biệt là Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh có phần tài trợ.
“Gần đây, hoạt động thể dục - thể thao ở địa phương phát triển mạnh mẽ với những bộ môn chủ đạo như bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, cầu lông và đạt nhiều thành tích cao tại các giải thi đấu cấp huyện. Song điều quan trọng nhất là thắt chặt tinh thần đoàn kết cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống” - ông Hải nói.
Theo ông Nguyễn Từ Linh - chuyên viên Phòng VH-TT huyện Duy Xuyên, với quyết tâm nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, những năm qua địa phương từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, trong đó đáng chú ý là nhiều công trình văn hóa phục vụ nhân dân như trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, nhà văn hóa, khu thể thao thôn, khu vui chơi dành cho trẻ em và người cao tuổi được xây dựng hoàn thành.
“Để tiếp sức cho các khu dân cư, huyện Duy Xuyên có cơ chế hỗ trợ 100 triệu đồng cho các thôn, khối phố 3 năm liên tục giữ vững danh hiệu văn hóa để nâng cấp, hoàn thiện thiết chế văn hóa. Qua đó, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà còn tạo ra không gian sinh hoạt cộng đồng đảm bảo chất lượng, đáp ứng đời sống người dân” - ông Linh nói.
Tạo dựng nếp sống văn hóa
Về La Tháp Đông (xã Duy Hòa, Duy Xuyên), chúng tôi thấy khắp tuyến đường của thôn đều rợp bóng cây xen lẫn những bồn hoa trang trí đẹp mắt do chính người dân đảm nhận chăm sóc. Ông Lê Sáu - Trưởng thôn La Tháp Đông cho biết, nhờ có sự chung sức, đồng lòng của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nên diện mạo làng quê có nhiều khởi sắc. Minh chứng rõ nhất là hệ thống đường giao thông được bê tông kiên cố, sạch đẹp.
“Những năm qua, nhân dân trong thôn tự nguyện hiến hơn 5.000m2 đất, dỡ bỏ hàng loạt tường rào cổng ngõ và đóng góp gần 10 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Trong đó, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, có tủ sách đầy đủ, hệ thống âm thanh và trang thiết bị khác đảm bảo cho việc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Bên cạnh đó, người dân xây dựng và nhân rộng mô hình tuyến đường tự quản, thắp sáng làng quê, trồng hoa thay cỏ dại…” - ông Sáu nói.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết, những năm qua công tác xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa NTM, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị bước đầu đem lại kết quả tích cực. Qua kết quả bình xét gần đây nhất, toàn huyện có 84,6% số thôn, khối phố đạt chuẩn văn hóa. Đến cuối năm 2020, toàn huyện sẽ có 11/11 xã xây dựng NTM đạt chuẩn xã văn hóa và 30 thôn, khối phố đạt danh hiệu khu dân cư kiểu mẫu.
Theo bà Hương, xác định việc xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nội dung có vị trí quan trọng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thời gian qua Duy Xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các gia đình nâng cao ý thức tự giác trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, tích cực nhân rộng các mô hình như “Gia đình hòa thuận, con cháu hiếu thảo”, “Gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc”, “Gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững”, “Gia đình hiếu học”, “Gia đình không có bạo lực”... Từ đó, góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp và vai trò quan trọng của gia đình trong việc giáo dục, định hướng về đạo đức, lối sống cho từng thành viên, hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Qua bình xét, năm 2019 tại 14 xã, thị trấn của huyện có 31.058 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 92,8%. Đây là nền tảng, động lực để Duy Xuyên tiếp tục phát triển sự nghiệp văn hóa.