Lịch sử 90 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam: Nhìn từ cuộc trưng bày chuyên đề

TRẦN VŨ 14/10/2020 05:32

Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), tại Bảo tàng Quảng Nam trưng bày chuyên đề “Tự hào 90 năm lịch sử xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam”.

Một phần không gian trưng bày.
Một phần không gian trưng bày.

Chuyên đề trưng bày thể hiện 4 nội dung khá bao quát: Bác Hồ với Quảng Nam - Quảng Nam với Bác Hồ - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta; Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập; Quảng Nam qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng; Thành tựu kinh tế - xã hội 1975 - 2020. Mỗi nội dung đều có bảng trích giới thiệu tóm tắt.

1. Quảng Nam là vùng đất mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đặt chân đến, trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Năm 1901, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Nguyễn Sinh Sắc và cụ Phan Châu Trinh cùng đỗ Phó bảng và là bạn tâm giao. Những năm 1908 - 1909, Lê Đình Dương, người con của quê hương Quảng Nam là bạn học với Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) ở trường Quốc học Huế; sau khi cùng Nguyễn Tất Thành tham gia biểu tình chống thuế tại Huế, Lê Đình Dương đã đưa Nguyễn Tất Thành về thăm quê ở La Kham (Điện Bàn) và Hội An. Người so sánh đất Quảng Nam gần giống với đất Nghệ An.

Sau khi ra đi tìm đường cứu nước và đến Pháp, Người đã học nghề sửa ảnh với cụ Phan Châu Trinh, được cụ Phan giới thiệu làm quen những người bạn Pháp cùng tham gia trong tổ chức Hội những người Việt yêu nước. Ngày 28.1.1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, đồng chí Cao Hồng Lãnh (Phan Thêm) là người phục vụ Người suốt thời gian ở Cao Bằng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều người Quảng Nam vinh dự được làm việc bên Người như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Hữu Nam, Lê Văn Hiến, Lê Đình Thám. Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều cán bộ, chiến sĩ có dịp được gặp Bác Hồ trong quá trình công tác, học tập, chữa bệnh tại miền Bắc. Trong quá trình hoạt động cách mạng, tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ người Quảng Nam, Bác Hồ thường đề cập về truyền thống yêu nước và cách mạng của Quảng Nam.

Ngày 3.2.1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Chỉ chưa đầy 2 tháng sau, ngày 28.3.1930 tại địa điểm Cây Thông Một, xã Cẩm Hà (nay thuộc khối phố Tân Thanh, phường Tân An, TP.Hội An), Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập. Đây là sự kiện chính trị nổi bật, đánh dấu mốc son quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân Quảng Nam trong nửa đầu thế kỷ XX. Đảng bộ tỉnh Quảng Nam ra đời với chỉ hơn 80 đảng viên, nhưng nhờ sự chủ động, linh hoạt nên dù trải qua nhiều gian nan, phong trào cách mạng vẫn được giữ vững và ngày càng lớn mạnh. Từ ngày 18 đến 26.8.1945, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã lãnh đạo Nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

2. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 -1954), với tinh thần “Thà chết chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh đã tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, giữ vững chiến trường, ra sức xây dựng vùng tự do và miền núi, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh ở vùng bị tạm chiếm, bền bỉ chống các âm mưu chiêu an, lập tề; đánh thắng nhiều trận ở Gò Cà, Hải Vân, Gò Nổi, Bồ Bồ... Trong gần 20 năm kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã quán triệt và vận dụng linh hoạt đường lối cách mạng do Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra, lãnh đạo Nhân dân trong tỉnh kiên trì bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời”, vận dụng sáng tạo phương châm “hai chân, ba mũi giáp công” lập nên những chiến công vang dội. Cùng với chiến dịch Buôn Ma Thuột, thắng lợi của chiến dịch Tiên Phước - Phước Lâm (10.3.1975) có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần giải phóng Tam Kỳ ngày 24.3.1975, giải phóng Đà Nẵng ngày 29.3.1975, tiến tới Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975.

Từ sau ngày giải phóng, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Nam đã phải trải qua giai đoạn đầy khó khăn khi vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế vừa phải giữ vững ổn định chính trị. Bước vào công cuộc Đổi mới (từ năm 1986), tỉnh đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi thời vụ (từ 3 vụ lúa sang 2 vụ ăn chắc); phát triển kinh tế tư nhân… nên nền kinh tế của tỉnh phục hồi và phát triển khởi sắc. Sau 20 năm giải phóng (1975 - 1995), quy mô kinh tế của tỉnh tăng gấp 4,8 lần so với trước. Năm 1997 là năm tái lập tỉnh Quảng Nam. Thời điểm đó, tỉnh chỉ là địa phương thuần nông, nguồn lực cho đầu tư phát triển gần như không có. Qua hơn 20 năm tái lập tỉnh và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI về phát triển kinh tế - xã hội, đến nay kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khá đồng bộ, đều khắp giữa đồng bằng và miền núi, giữa vùng tây với vùng đông của tỉnh.

3. Để minh họa cho nội dung của bảng trích giới thiệu, là các hình ảnh được trưng bày theo trình tự thời gian: Trích các câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác Đảng, công tác cán bộ; cán bộ, nhân dân người Quảng Nam được gặp Bác; công trình xây dựng, các vật dụng do nhân dân Quảng Nam làm để tặng Bác; nhân dân Quảng Nam góp gỗ và vàng xây dựng lăng Bác... Di tích Cây Thông Một - địa điểm thành lập Đảng bộ tỉnh, các địa điểm khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945…; chân dung Bí thư Tỉnh ủy qua các thời kỳ. Quang cảnh các kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh; các trận đánh của bộ đội, du kích tỉnh qua các thời kỳ; các lễ khởi công các công trình trọng điểm, lễ kỷ niệm các ngày lễ lớn. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm Quảng Nam; các công trình thể hiện thành tựu tỉnh nhà trong thời gian qua. Ngoài ra, có 40 hiện vật được trưng bày trong tủ kính là những bộ quân phục, vật dụng cá nhân đã nhuốm màu thời gian, những quyển nhật ký, lưu bút, lá thư đầy tâm sự viết dở chưa kịp gửi, những tờ báo, tài liệu học tập đã ố màu, những bộ dụng cụ y tế, kỷ vật chiến tranh…

TRẦN VŨ