Thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu: Làn gió mới của thị trường
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mở ra triển vọng phát triển bền vững. Để tận dụng cơ hội và vượt qua các thách thức, doanh nghiệp (DN) buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh; truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu; thực hiện những nguyên tắc, quyền cơ bản trong lao động... Để đồng hành, các cơ quan quản lý cần chú trọng cải cách hành chính, xóa bỏ các rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH
Với EVFTA, sản phẩm của DN Quảng Nam rộng đường xuất khẩu sang châu Âu (EU), ngược lại hàng hóa của các nước EU sẽ được nhập vào địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Nâng cao năng lực cạnh tranh là bài toán khó nhưng không phải DN không có nền tảng, cơ sở để thực hiện tốt.
Thích ứng
Sản xuất các sản phẩm may mặc thời trang để xuất khẩu sang thị trường châu Âu nên Công ty TNHH Domex Quảng Nam (Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, Thăng Bình) hiểu rõ đòi hỏi về chất lượng hàng hóa của thị trường này.
Ông Nguyễn Ngọc Hạnh - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Domex Quảng Nam cho biết, để tận dụng cơ hội của EVFTA, DN thích ứng bằng nhiều cách. Trước hết là tạo dựng các mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ với các trung tâm phân phối, các siêu thị lớn ở các nước Anh, Pháp, Đức, Ý để xuất khẩu trực tiếp, giảm thiểu chi phí qua trung gian. DN cũng áp dụng phương thức liên doanh xuất khẩu để thâm nhập thị trường EU. Theo đó, liên doanh dưới hình thức sử dụng giấy phép được gắn nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, French Connection, Lacoste, Prada vào sản phẩm rồi tung vào thị trường EU. Ông Hạnh dự kiến, sau một thời gian khi người tiêu dùng EU đã quen thì bắt đầu tiến hành gắn nhãn hiệu của công ty bên cạnh nhãn hiệu nhà sản xuất châu Âu để tạo dựng vị thế.
Ông Han Chul Joon - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng cho biết, ngoài các thị trường quen thuộc, DN đang áp dụng đồng bộ các giải pháp để xuất khẩu hàng hóa may mặc sang EU. Nguyên phụ liệu là yêu cầu đầu tiên. Theo đó, kiểm tra chặt chẽ chất lượng nguyên phụ liệu, ổn định đầu vào, bảo quản tốt để tránh giảm phẩm chất. Công ty nâng cao chất lượng hàng dệt may bằng đổi mới quy trình, đạt được những chứng chỉ về quản lý chất lượng ISO9000, chứng chỉ về môi trường ISO14000, tiêu chuẩn về giặt ISO3759. Bởi, người tiêu dùng EU rất quan tâm và quen sử dụng những hàng hóa có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế và EU.
“Chúng tôi liên kết với các DN khác để giảm bớt sức ép cạnh tranh nội bộ và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. DN chú trọng tổ chức sản xuất, tiết giảm chi phí bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến và tăng cạnh tranh bằng nâng cao năng suất lao động. Chúng tôi tạo dựng các khách hàng mới từ EU, ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động” - ông Han Chul Joon nói.
Cùng vào cuộc
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai EVFTA, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, EVFTA không có chỗ cho các DN thiếu năng động, thiếu kiên trì. Theo Thủ tướng Chính phủ, DN phải đổi mới năng suất, chất lượng, vươn lên công đoạn cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nhiều tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị tác động của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, DN cần nỗ lực để tận dụng hiệu quả các lợi ích của EVFTA. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường năng lực thực thi của chính quyền, hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là chất lượng hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông... để tạo ra cơ hội thu hút hiệu quả EVFTA. Ngoài ra, cần làm tốt hơn nhiệm vụ trách nhiệm xã hội, lao động việc làm, cũng như không thể đóng cửa, giữ hàng rào bảo hộ mà phải thực hiện cam kết tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu từ EU.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại tăng nguồn lực tài chính, hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhất là các DN vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất ưu đãi để triển khai các dự án EVFTA. Hơn hết, các DN phải tự vươn lên, thích ứng với những đòi hỏi của EVFTA.
“Cùng với tác động, cơ hội do các FTA đem lại và sự nỗ lực cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, bộ, ngành, Quảng Nam, chính các DN phải tự thay đổi để đủ khả năng tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. Để nắm bắt cơ hội mà EVFTA đem lại, DN phải thay đổi thói quen làm ăn trước đây, cần hướng tới những chuẩn mực của hiệp định, đòi hỏi sự đầu tư và cái nhìn dài hạn, có chiến lược thì mới có thể tiếp cận các thị trường lớn” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Ngoài chiến lược về đầu tư kinh doanh, DN cần tích cực tham gia tập huấn các cam kết trong EVFTA, đào tạo cán bộ làm quản lý, nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại. Các cơ hội thương mại đã được EVFTA mở ra, vấn đề còn lại là chính DN nắm bắt được các thuận lợi đó để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
CHÚ TRỌNG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Cần tiếp tục thúc đẩy là những hoạt động tích cực trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hiện đại hóa khung pháp lý, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh của DN... khi thực hiện EVFTA.
Tiền đề quan trọng
EVFTA có hiệu lực từ tháng 8.2020, đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ 2 có hiệp định thương mại với EU, sau Singapore. Hơn 70% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU và ngược lại, 65% hàng hóa của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế.
Ông Nicolas Audier - Chủ tịch Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, để EVFTA đi vào thực tế, điều quan trọng là các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam, EU và DN cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm tính hiệu quả thực thi. Quan trọng hơn là những nỗ lực của Việt Nam để thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư cởi mở cho DN.
Theo ông Nicolas Audier, lý do EuroCham xuất bản Sách Trắng năm 2020 với chủ đề cải cách thủ tục hành chính - vai trò thiết yếu trong thực thi EVFTA là nhằm chia sẻ với Chính phủ Việt Nam về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới còn đang phải vật lộn với tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam đang có cơ hội vàng để tận dụng EVFTA và thu hút FDI từ các công ty EU - những DN đang tìm kiếm thị trường mở, cạnh tranh và thân thiện.
Mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ đạt mức 2,7 - 4,9% do nền kinh tế bị tác động cả ở phía cung và cầu nhưng các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là một trong số ít nước đạt được mức tăng trưởng dương và có ảnh hưởng của dịch Covid-19 thấp hơn các nước khác. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, an ninh lương thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời chuyển đổi mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công, từ việc xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc thủ công chuyển sang xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc trên môi trường điện tử, phi giấy tờ.
“Điều quan trọng là chúng ta cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng chính sách từ cả ở cấp trung ương và địa phương, đó là lấy DN làm trọng tâm và lấy chuẩn mực quốc tế làm thước đo. Có như vậy, những chính sách về EVFTA được ban hành mới thực sự đi vào đời sống và giúp DN hoạt động sản xuất, kinh doanh được tốt hơn” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói.
Hành động của Quảng Nam
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, để giúp DN tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang EU cũng như tăng sức cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập, Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ban hành chính sách hỗ trợ DN, đổi mới cách tiếp cận, ưu tiên cho xúc tiến thương mại nhằm tối đa hóa lợi ích của EVFTA để giúp DN xuất khẩu hàng hóa. Trước hết, cần thay đổi cách nhìn nhận về những yêu cầu mới được đưa ra theo EVFTA, không xem đó là hàng rào thương mại mà chính là các hướng đi bền vững để phát triển nền sản xuất, xuất khẩu của tỉnh. Quảng Nam chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Việc giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện và dịch vụ công qua triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được phát huy. Cùng với đó là tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và thủ tục hành chính liên quan kiểm tra chuyên ngành.
Trong bối cảnh hậu Covid-19, các thị trường, đặc biệt là thị trường EU sẽ có những điều chỉnh đáng kể làm dịch chuyển các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, những điều chỉnh này cùng với cơ hội của EVFTA sẽ giúp Quảng Nam thích ứng kịp thời, có những hoạt động cụ thể hỗ trợ DN. Tỉnh hướng DN tập trung vào các chương trình xuất khẩu bền vững, giữ vững sự đa dạng của thị trường và tăng dần tỷ trọng tại các thị trường cao cấp ở EU với các nhóm sản phẩm chất lượng cao.
“Quảng Nam hỗ trợ nâng cao năng lực cho các hiệp hội ngành hàng và các cơ quan xúc tiến thương mại, lồng ghép các hình thức xúc tiến thương mại để tạo hiệu ứng lan tỏa trong hoạt động xuất khẩu của DN. Tạo cơ hội cho DN, nhà xuất khẩu, hiệp hội tận dụng hiệu quả các nguồn lực, tối đa hóa lợi ích mà các cam kết của EVFTA mang lại” - ông Nguyễn Quang Thử nói.
ĐẦU TƯ CHO TRUY XUẤT NGUỒN GỐC HÀNG HÓA
Hàng hóa nông, lâm, thủy sản Quảng Nam có cơ hội lớn để xâm nhập thị trường EU nếu vượt qua các rào cản kỹ thuật, nhất là truy xuất nguồn gốc.
EU là thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và đang là thị trường xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Năm 2019, EU chiếm 11,75% thị phần trong tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. EVFTA có hiệu lực vào tháng 8.2020 - cánh cửa lớn mở ra cho nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản khi được cắt giảm nhanh đối với hầu hết dòng thuế. Thị trường EU là nơi hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam có cơ hội thương mại nhiều hơn bởi sự đa dạng về giống cây trồng, con vật nuôi, chủng loại sản phẩm, hàng hóa. Muốn vậy, các DN cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về hàng rào kỹ thuật của EU.
Ngành thủy sản cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng vẫn đang lao đao gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC). Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa truy xuất được nguồn gốc hải sản khai thác để phục vụ chế biến, xuất khẩu sang EU. Tuy vậy, cảng cá Tam Quang sẽ giúp Quảng Nam tháo gỡ vướng mắc nói trên.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, mặc dù chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Quảng Nam được cải thiện trong thời gian qua nhưng trước hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của EU và để phát triển hàng hóa xuất khẩu bền vững, ngành nông nghiệp Quảng Nam cần tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao. Đặc biệt là cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, EVFTA có những cam kết cao về phát triển bền vững. Cụ thể là gắn việc phát triển sản xuất và thương mại với các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có nguồn gốc, đầu vào từ tự nhiên như thủy sản hay sản phẩm gỗ cần đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc, cụ thể là các sản phẩm đó có được đánh bắt và khai thác một cách hợp pháp hay không. Chính vì vậy, trước hết cần có những biện pháp nâng cao nhận thức của người dân và DN sản xuất, mặt khác cũng cần có giải pháp, chế tài cụ thể đối với những hành vi vi phạm các quy định về đánh bắt và khai thác nguồn tài nguyên trái phép. Về điều này, ông Ngô Tấn khẳng định, đã đến lúc Quảng Nam đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 và triển khai mạnh mẽ việc xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chứng chỉ bền vững cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu.
TUÂN THỦ CAM KẾT VỀ LAO ĐỘNG
EVFTA tạo ra áp lực đủ lớn để các DN bảo đảm quyền lợi của người lao động - những người trực tiếp làm ra sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.
EVFTA khuyến khích tự do hiệp hội, công nhận quyền thương lượng tập thể, loại bỏ các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc và bãi bỏ lao động trẻ em cũng như xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp. Theo các chuyên gia, cam kết về vấn đề lao động trong EVFTA nhằm cải thiện điều kiện làm việc, tái sản xuất sức lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cụ thể, người lao động sẽ có cơ hội cải thiện các quyền lợi hợp pháp của mình cả về thu nhập tối thiểu, môi trường làm việc và môi trường sống, cũng như về cơ hội tham gia hiệp hội và công đoàn, kể cả tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Trong khi đó, ở Quảng Nam, đáng nói là cường độ làm việc của công nhân ở nhiều DN hết sức căng thẳng, tình trạng tăng ca, tăng giờ diễn ra liên tục. Không ít chủ DN - người sử dụng lao động xem tổ chức công đoàn là trở ngại trong sản xuất, kinh doanh của DN nên hạn chế hoạt động của công đoàn.
Theo bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thực tế là phần lớn DN xuất khẩu sang thị trường EU đều đã thực hiện tốt và chịu sự giám sát ngặt nghèo của bên đặt hàng là EU về việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN. Cụ thể, DN phải tuân thủ luật pháp lao động Việt Nam cũng như những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản. Bởi vậy, việc thực hiện những cam kết về lao động được đặt ra trong EVFTA sẽ không là thách thức lớn đối với những DN đã có kinh nghiệm xuất khẩu sang thị trường EU. Còn đối với những DN Quảng Nam mới tham gia xuất khẩu sang thị trường EU thì đây sẽ là cơ hội để DN rà soát, tuân thủ tốt hơn luật pháp lao động. Đó chính là cách để mang lại lợi ích cho DN, đồng thời mang lại quyền lợi cao hơn cho người lao động tại DN; và cũng thể hiện cách tiếp cận mở rộng thương mại gắn với phát triển bền vững của DN.
Bà Lưu Thị Bích Ngọc cho rằng, trong thời gian đến, DN cần mở rộng độ bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tăng cường khả năng ứng phó trước những biến động, rủi ro của thị trường và thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, trợ giúp xã hội, đảm bảo không để người lao động bị bỏ lại phía sau.
“Các DN cần nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo tại DN cũng như tại các trường lớp dạy nghề. Các cơ sở đào tạo và giáo dục nghề nghiệp cần nghiên cứu thị trường lao động, gắn chặt với các DN để đào tạo đúng ngành nghề theo nhu cầu và nâng cao chất lượng đào tạo” - bà Lưu Thị Bích Ngọc nói.