Đại hội Đảng bộ tỉnh thời chống Pháp: Những ký ức đằm sâu
Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, từ ngày 21.2 đến 2.3.1950, tại đình Đức Bố (làng An Phú, xã Tam Anh, nay là xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành) đã diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II.
Đại hội thi hành chủ trương chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng - trực thuộc Liên khu ủy 5; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam gồm 15 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết; đồng chí Cao Sơn Pháo được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Lê Bình làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Dân chung sức lo đại hội
Tìm hiểu sự kiện trên, chúng tôi về Đức Bố và không ngờ rằng 70 năm đã trôi qua nhưng vẫn còn một vài nhân chứng nhớ rõ sự kiện ấy. Trong đó có ông Ung Nho Khánh tuổi đã hơn 90. Thời kháng chiến chống Pháp, ông Khánh làm chính trị viên trung đội dân quân xã, sau chuyển qua làm tuyên huấn, phụ trách công tác thông tin, bình dân học vụ. Năm 1950 ông làm ủy viên thôn, phụ trách công tác an ninh, phòng gian bảo mật.
Trong lịch sử xứ Quảng, Đức Bố được ghi nhận là nơi có mỏ đồng, từng được các chúa Nguyễn rồi triều đình nhà Nguyễn tổ chức khai mỏ lấy quặng đồng, vì thế địa danh Trường Đồng vẫn lưu lại đến giờ. Theo ông Khánh, đình làng Đức Bố nằm trong khu vực có nhiều cây cổ thụ khá um tùm, gồm một cây hàng sáng, ba cây cầy (có nơi còn gọi là cây cốc) và 6 cây da voi. Đám cây cao lớn ấy đã tạo nên không gian an toàn rộng mấy sào đất.
Chi bộ thôn Đức Bố bấy giờ có gần 40 đảng viên, công tác rất tích cực, nhân dân Đức Bố có tinh thần giác ngộ cách mạng rất cao. Đấy chính là lý do để đầu năm 1950 Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định chuyển cơ quan từ xã Tam An, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Phú Ninh) vào đóng tại Đức Bố (nay thuộc xã Tam Anh Bắc, Núi Thành) chuẩn bị tiến hành đại hội đảng bộ lần thứ II tại khu vực đình Đức Bố.
“Để chuẩn bị cho đại hội, trên đưa về một kỹ sư xây dựng phụ trách xây hội trường và nhà triển lãm. Nhân dân địa phương được huy động đi đốn tre, cắt tranh về lợp nhà. Hội trường được xây dựng rất khéo, dù nền đất nhưng vẫn có bậc tam cấp, phía trên có sân khấu. Cột nhà bằng tre nhưng được quấn bằng cốt tre đan, quét vôi trắng nên nhìn vẫn rất đẹp và uy nghi” - ông Ung Nho Khánh kể.
Cũng theo lời ông Khánh, trong những ngày xây dựng hội trường, có một đội công tác khá đặc biệt, ban ngày họ ngủ trong nhà dân, ban đêm mới dậy đi làm việc. Sau đó ông mới biết những người ấy có nhiệm vụ xây dựng hầm bí mật ngay dưới nền hội trường, có lẽ để dành cho nhân vật quan trọng trong tình huống khẩn cấp nào đó. Công việc tiến hành tuyệt đối bí mật, không để lộ dấu vết gì.
“Để đảm bảo an toàn cho đại hội, nhân dân trong xã còn được huy động đào hai giao thông hào, chạy từ hai bên hội trường ra tới bờ sông Trảy. Hào giao thông sâu độ một người đứng, cứ mỗi đoạn móc cái hàm ếch, đề phòng máy bay bắn xuống” - ông Khánh nhớ lại. Công việc xây dựng nhà cửa, đào hầm hào diễn ra cả ba tháng liền, khẩn trương nhộn nhịp mà vẫn đảm bảo bảo bí mật. Tam Anh, Đức Bố thời ấy quả địa lợi - nhân hòa.
Việc đảm bảo bí mật cho nơi tổ chức đại hội cũng được thực hiện nghiêm ngặt, chu đáo, tổ chức bảo vệ nhiều vòng tuyến từ xa đến gần. Tuyến cảnh giới từ xa giáp Quảng Ngãi, Tam Kỳ. Tuyến trong thì dân quân, công an xã Tam Anh ngày đêm túc trực các ngả đường.
Ông Ung Nho Khánh khẳng định: “Nhân dân Đức Bố có tinh thần phòng gian bảo mật rất cao, hễ thấy người lạ xuất hiện là báo cáo liền, bất kể ngày đêm; tuyệt đối không chứa chấp trong nhà”. Với tinh thần cảnh giác, bảo mật cao ấy, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II từ ngày 21.2 đến ngày 2.3.1950 đã diễn ra tuyệt đối an toàn.
“Những ngày diễn ra đại hội vui lắm. Nhà triển lãm trưng bày đủ thứ tranh ảnh cùng các loại khoai củ, bầu bí rất to do các địa phương đưa về. Điện cung cấp từ máy điện lấy từ đầu máy xe lửa nên ban đêm sáng trưng, có diễn văn nghệ” - ông Khánh kể. Với tinh thần bảo mật cao như vậy nên phải đến hai năm sau, khu hội trường đại hội bắt đầu bị mối xông thì giặc Pháp mới phát hiện ra, cho 2 chiếc khu trục vào ném bom.
Căn cứ ở vùng bán sơn địa
Sang năm 1951, Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương xây dựng căn cứ số 2 tại khu vực các xã Tiên Hồ, Tiên Lập, Tiên Phong, Tiên Thọ của huyện Tiên Phước. Ông Võ Sạ - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Liên Việt huyện Tam Kỳ được phân công lên khảo sát địa bàn và chọn khu vực xây dựng căn cứ đầu tiên là tại thôn 3, thôn 4 của xã Tiên Lập. Vùng đất Tiên Lập là khu vực bán sơn địa, nằm ở phía đông nam của huyện Tiên Phước, có địa hình đồi núi xen kẽ các cánh đồng nhỏ hẹp, thuận lợi cho đánh du kích. Một số sự kiện quan trọng của Tỉnh ủy như hội nghị cán bộ nhằm chấn chỉnh các mặt yếu kém trong công tác vùng địch hậu, xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển cơ sở cách mạng đã diễn ra vào cuối năm 1951.
Và chính vùng Cà Dong, thôn 4 Tiên Lập đã được Tỉnh ủy chọn tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ III. Ông Trần Đình Nam, sinh năm 1940, hiện sống tại đây nhớ lại: “Ông Võ Sạ làm việc với địa phương để huy động nhân công chuẩn bị cơ sở vật chất cho đại hội. Chỉ có đảng viên mới được tham gia, hồi đó Tiên Lập có khoảng 300 đảng viên (do lúc này ta đang chủ trương mở rộng phát triển đảng viên). Hội trường lớn dựng bằng tranh tre, sát cạnh đình Quế Phương. Nhà ở cho đại biểu xây dựng trong vườn nhà dân, xung quanh khu vực này đào giao thông hào và nhiều hầm trú ẩn để đề phòng máy bay giặc Pháp. Ngoài ra, đại biểu còn trú tại nhà các ông Trần Mậu, Trần Ngôn, Huỳnh Ghì… Ông Võ Sạ còn cho mua 11 con bò từ Quảng Ngãi, Tam Kỳ đưa lên, giao cho 5 đảng viên chăn để dự trữ thực phẩm khi đại hội diễn ra”.
Tháng 3.1952, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III được tiến hành tại Vườn Đình, Cà Dong, thôn 4, xã Tiên Lập. Quảng Nam cũng như nhiều tỉnh Liên khu 5 lúc này đang bị hạn hán nặng, thiếu đói xảy ra nhiều nơi, đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn. Tuy vậy cán bộ, nhân dân xã Tiên Lập vẫn hăng hái thực hiện nhiệm vụ góp phần vào sự thành công chung của đại hội.
Ông Trần Đình Nam nhớ lại: “Trước đại hội khoảng mười ngày, một số cơ quan của tỉnh về đây đóng trong nhà dân để làm công tác chuẩn bị. Nhằm đảm bảo an ninh, ta xây dựng một trạm gác tại đèo Ươi, gần trụ sở xã bây giờ, và một trạm ở ngã ba. Khi diễn ra đại hội, đại biểu, cán bộ về đây ở rất đông, một số ở trong nhà dân, số ở trong các nhà tranh tre vừa dựng nhưng vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối”.
Đại hội quyết định tinh giản các cơ quan dân chính đảng theo chủ trương “Kiện toàn tỉnh, đơn giản huyện, tăng cường xã”, chú trọng “Kiện toàn chất, đơn giản lượng”; làm sao cho bộ máy chỉ đạo gọn nhẹ, cán bộ phải gần dân, động viên cho được nhân tài, vật lực trong dân. Đồng thời sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, hợp nhất trở lại tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng gồm 26 đồng chí. Đồng chí Võ Chí Công được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Võ Văn Đặng làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Từ điểm đứng chân Tiên Lập, Tỉnh ủy Quảng Nam đã đưa ra nhiều quyết sách, lãnh đạo quân dân toàn tỉnh tiếp tục giành nhiều thắng lợi lớn trên các lĩnh vực quân sự, chính trị và kinh tế, xã hội. Tổ chức đảng các cấp và chính quyền kháng chiến được kiện toàn, sản xuất phát triển mạnh, ta liên tục tiến công đẩy quân Pháp ngày càng lâm vào thế bị động. Và cũng từ vùng căn cứ Tiên Lập, Tỉnh ủy Quảng Nam đã lãnh đạo nhân dân xứ Quảng kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp với chiến thắng Bồ Bồ vang dội vào ngày 20.7.1954.