Ngập lụt diện rộng, di dời hàng nghìn dân
Ngập lụt bắt đầu xuất hiện trên diện rộng, nhiều địa phương đã buộc phải di dời, sơ tán khẩn cấp người dân đến nơi an toàn. Đã có thiệt hại ban đầu về người, giao thông nhiều nơi tê liệt, mưa lũ cũng đã khiến hàng chục điểm giao thông sạt lở, chia cắt.
Vùng sâm bị thiệt hại
Thông tin từ UBND huyện Nam Trà My vào chiều 11.10 cho hay, trên địa bàn huyện tuyến giao thông lên Măng Lùng (xã Trà Linh) xuất hiện thêm 4 điểm sạt lở lớn trong khi trước đó đã có nhiều điểm sạt lở chưa được khắc phục. Quốc lộ 40B bị sạt một điểm lớn tại Km107+700 với khối lượng khoảng 1.000m3 đất đá. Đá lớn lăn xuống chiếm gần hết lòng đường tại điểm làng Long Bok thuộc tuyến đường Đông Trường Sơn. Địa phương cũng ghi nhận hàng chục điểm sạt lở ở các tuyến đường huyện, đường liên xã.
Mưa lũ cũng làm mất điện hoàn toàn ở Nam Trà My từ 1 giờ 40 phút sáng qua 11.10. Nhiều công trình hạ tầng, nhà ở nằm ở khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, chính quyền buộc phải di dời khẩn cấp người dân, huy động lực lượng sơ tán tài sản đến nơi an toàn, dựng tạm lán trại để làm nơi trú ngụ cho người dân. Phương châm “4 tại chỗ” đang được thực hiện quyết liệt để khắc phục tạm thời, dọn dẹp cây cối ngã đổ và đất đá. Đáng nói, nhiều diện tích trồng sâm của bà con Trà Linh bị cây cối ngã đổ làm hư hại, con số thiệt hại chưa được thống kê chính thức, nhưng dự báo sẽ ở mức cao.
Trong khi đó, bão đổ bộ vào sáng 11.10 gây ra lốc xoáy ở xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) làm hai người mất tích, 17 ngôi nhà bị tốc mái. Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải thông tin, trận lốc xoáy xảy ra tại địa phương đã đánh chìm tàu cá mang số hiệu QNa-90499 công suất 600 CV đang neo đậu trên sông Trường Giang, khiến ông Nguyễn D. cùng con trai là Nguyễn Phúc Đ. (trú thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải) mất tích. Đã có 2 người ở thị xã Điện Bàn bị nước lũ cuốn trôi khi băng qua đoạn cầu Giao Thủy (xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) và một trường hợp khác tại TP.Tam Kỳ bị lật ghe; thi thể của 3 nạn nhân đã được tìm thấy và bàn giao cho gia đình.
Nỗ lực sơ tán dân
Mưa lũ đã làm 4 người chết (trong đó có 3 người bị chết đuối và một người bị điện giật), 2 người mất tích; khoảng 100 nhà ở của người dân bị thiệt hại từ 30 - 70%, 30 điểm trường bị ngập lụt và sạt lở đất; 378ha lúa, 830 rau màu và hơn 25ha cây trồng bị thiệt hại hoàn toàn; 20ha cây xanh bị ngã đổ, hơn 2.600 con gia cầm và 10 con gia súc bị chết. Về thủy lợi, có gần 600m kênh mương sạt lở, hơn 1.600m3 đất bồi lấp, 1km bờ sông và 2,5km bờ biển sạt lở. Có 68 điểm trên các tuyến quốc lộ bị sạt lở, bồi lấp với khối lượng khoảng 53.000m3 đất đá; các tuyến đường địa phương có 121 điểm sạt lở với khối lượng khoảng 33.000m3 đất đá.
Trước những diễn biến phức tạp của mưa bão, từ ngày 10.10, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh đã chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để sẵn sàng cơ động trong tình huống khẩn cấp. Sáng 11.10, nhận thông tin từ huyện Phú Ninh, đơn vị này đã sử dụng ca nô đi vào các vùng ngập sâu của xã Tam Đàn, sơ tán hàng chục người dân ra khỏi vùng lụt.
Tại khu vực thôn Đàn Hạ (xã Tam Đàn), nước ngập sâu hơn 1m, có nơi gần 2m, cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã băng qua khu vực nước chảy khá xiết, căng dây, thả phao để cứu dân. Thượng tá Đinh Việt Trung - Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy cho hay, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, đơn vị đã huy động 100% cán bộ chiến sĩ túc trực, cùng toàn bộ phương tiện để sẵn sàng cứu hộ cứu nạn. Tổ công tác của đơn vị đóng tại âu thuyền Hồng Triều (huyện Duy Xuyên) được giao nhiệm vụ thường xuyên giám sát, nắm tình hình, nghiêm cấm người dân sử dụng phương tiện đường thủy di chuyển trong trường hợp không thật sự cấp bách.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến chiều 11.10, đã có hơn 500 hộ với hơn 1.700 nhân khẩu được sơ tán khẩn cấp. Trong đó, Tây Giang sơ tán 105 hộ với hơn 400 người dân, Nam Giang 100 hộ với hơn 360 người, Đại Lộc 182 hộ với 532 người, Tam Kỳ 31 hộ với 62 người. Nước lũ tràn lên quốc lộ 1 gây tê liệt giao thông, cơ quan chức năng đã cử lực lượng trực gác, cảnh báo yêu cầu người điều khiển phương tiện không tự ý băng qua để đảm bảo an toàn. Biển cảnh báo được đặt ở các địa điểm nguy hiểm, tổ chức lực lượng chốt chặn. Các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm và có phương án tái định cư đối với những hộ bị mất nhà cửa, đảm bảo vệ sinh môi trường sau lũ. Lực lượng quân sự, công an vẫn đang túc trực và nỗ lực phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương khi cần sự hỗ trợ.