Giải Nobel Hòa bình 2020 tôn vinh Chương trình Lương thực thế giới

QUỐC HƯNG 10/10/2020 10:31

(QNO) - Chiều 9.10 (giờ Việt Nam), giải Nobel Hòa bình 2020 gọi tên Chương trình Lương thực thế giới (WFP) vì các nỗ lực chống nạn đói và cải thiện các điều kiện cho hòa bình tại nhiều khu vực.

, Chủ tịch Ủy ban Nobel, và ảnh có logo của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), tổ chức nhân đạo được tuyên bố là khôi nguyện Giải Nobel Hòa Bình 2020 tại Oslo, Na-Uy ngày 9/10/2020. Stian Lysberg Solum /NTB/via REUTERS
Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy - bà Berit Reiss-Andersen và hình ảnh có logo của Chương trình Lương thực thế giới. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy - bà Berit Reiss-Andersen cho biết, đây là lần đầu tiên ủy ban này chọn trao giải thưởng cho một tổ chức nhân đạo thế giới vì đóng góp quan trọng của WFP.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) đang làm tê liệt nhiều hoạt động kinh tế trên toàn cầu, hàng chục triệu lao động mất việc. Đặc biệt, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính hơn 100 triệu người trên thế giới sẽ rơi vào cảnh nghèo cùng cực. Đây cũng là lần đầu tiên gia tăng số người nghèo đói sau hơn 20 năm qua kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997 - 1998 lan rộng ra nhiều khu vực.  

Đại dịch Covid-19 có thể đẩy thêm 270 triệu người trên hành tinh vào cảnh thiếu lương thực. Như vậy, số người cần được giúp đỡ sẽ tăng thêm 82% so với giai đoạn tiền khủng hoảng sức khỏe toàn cầu hiện nay. Trong khi đó, một trong những mục tiêu phát triển bền vững được các thành viên Liên hiệp quốc thông qua là xóa đói nghèo vào năm 2030.

Ủy ban Nobel khẳng định, cho đến khi tìm ra vắc xin phòng Covid-19, thì lương thực là “vắc xin” tốt nhất chống tình trạng rối loạn vì nghèo đói.

WFP - một cơ quan của Liên hiệp quốc, có trụ sở tại thành phố Roma của Italia. Trong năm 2019, WFP hỗ trợ gần 100 triệu người tại hàng chục quốc gia.  

Trước sự gia tăng nạn đói hiện nay vì nhiều nguyên nhân khác nhau như xung đột, biến đổi khí hậu và dịch bệnh, bà Berit Reiss-Andersen nói: “Sự cần thiết của đoàn kết quốc tế và hợp tác đa phương đang rõ rệt hơn bao giờ hết. Giải Nobel Hòa bình lần này là một lời kêu gọi mạnh mẽ nhắc nhở thế giới là hòa bình và chấm dứt nạn đói là hai mục tiêu song song với nhau”.

WFP đóng góp tích cực với những suất ăn trường học tại nhiều quốc gia. Ảnh: scalingupnutrition
WFP đóng góp các suất ăn trong trường học tại nhiều quốc gia. Ảnh: scalingupnutrition

WFP được thành lập năm 1961, là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới trong việc giải quyết nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực, góp phần giải quyết xung đột, cải thiện hòa bình. WFP góp phần giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi các thảm họa như trong nạn đói ở Ethiopia giai đoạn 1983 - 1985, thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 và trận động đất Haiti năm 2010. 

Theo truyền thống, các giải Nobel được trao tại Stockholm, Thụy Điển. Chỉ riêng giải Nobel Hòa bình được trao tại thủ đô Oslo của Na Uy.

Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, các chủ nhân giải Nobel năm nay sẽ nhận thưởng tại Đại sứ quán Thụy Điển ở trong nước hoặc tại nơi làm việc. Chỉ riêng giải Nobel Hòa bình dự kiến vẫn được trao trực tiếp tại thủ đô Oslo nhưng với quy mô tổ chức nhỏ hơn.

QUỐC HƯNG