Một “ngọn hải đăng” vừa nằm xuống
Trong mưa gió bão bùng, em trai ở quê đã thảng thốt báo tin qua điện thoại: “Cây dương chợ Mới mình đã bị bão đánh tan tác rồi anh ơi và cây vú sữa nhà mình thì bị gãy mất hai cành”. Ban đầu thấy tin báo có gì đó sai sai, nhưng ngẫm lại thấy có lý bởi cây vú sữa, dù đích thân tôi trồng vẫn chỉ là chuyện nhà. Còn cây dương chợ Mới là chuyện lớn của cả làng bởi nó là “ngọn hải đăng” trong tâm tưởng, là kỷ niệm buồn vui của không biết bao thế hệ…
Cây dương chợ Mới
Người làng không nhớ ai đã trồng nó. Chỉ biết nó được “mọc lên” từ “thời ông Diệm” (thời ông Ngô Đình Diệm làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa). Cũng thành chuyện là bởi suốt dặm dài mấy chục cây số của rẻo đất Ngũ Điền (5 xã bắt đầu bằng chữ Điền) chơ vơ bên kia phá Tam Giang, chỉ mỗi bên mép phá thuộc khu vực chợ Mới của xã Điền Hải là có cây dương. Khi tôi lớn lên, nó đã cao vòi vọi, thân to hai người ôm không hết. Thời mà làng tôi và cả “Ngũ Điền” còn là ốc đảo biệt lập với thế giới bên ngoài, chủ yếu giao thương trên sông nước khi chưa có ô tô, xe máy, đường nhựa và những cây cầu bắc qua phá Tam Giang như bây giờ, “cây dương chợ Mới” là một “ngọn hải đăng” trên phá.
Thời ấy, từ “Ngũ Điền” muốn lên TP.Huế, không có đường nào khác ngoài ngồi đò dọc tầm 3 tiếng dập dềnh theo phá Tam Giang, vòng qua cửa biển Thuận An rồi ngược dòng Hương lên bến Đông Ba. Hơn 3 tiếng đồng hồ ngồi đò dọc cho quãng đường khoảng 30km tính theo đường chim bay là một cực hình. Vậy nên dù đã gần 20 năm kể từ ngày thôi đi đò dọc, trong tôi vẫn còn nguyên cảm giác lòng như muốn reo lên khi đò rẽ vào con sông đào Đông Ba và xa xa thấp thoáng những ngôi nhà cũ kỹ liền nhau tỏa ra mùi phố thị trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Rồi cũng đặt chân đến được phố Huế sau một hành trình dài!
Nhưng chặng về mới gian nan, nhất là những ngày gió mưa sấm chớp, “đò tròng trành đôi mạn, em ôm duyên trở về” như lời một câu ca dao. Thường xuất phát từ bến đò Đông Ba tầm 2h chiều và đến khoảng 5h hoặc có khi 6h chiều thì đò về điểm đến. Thời ấy chả ai có đồng hồ để mà canh giờ, người đi đò chỉ biết mờ mịt nhìn trời nên “cây dương chợ Mới” chính là “ngọn hải đăng”, là chỉ dấu cho biết đò sắp về đến bến và tôi sắp được về tới nhà an toàn. Riêng những người đi buôn chuyến quanh năm gắn với con đò, “gần về nhà” đồng nghĩa là có thêm một ngày nữa được an toàn bởi thời ấy, nhất là mùa mưa, tai nạn lật đò trên phá Tam Giang như cơm bữa. Với những người con xa quê lâu ngày, “cây dương chợ Mới” gần như là sự chấm hết cho những khắc khoải nhớ nhung đã tích tụ qua năm tháng và mở đầu cho những hình dung về sự mừng vui đón tiếp của những mẹ già, con trẻ… đang háo hức chờ đón mình ở bến đò.
Còn với những sinh viên như tôi ngày ấy, “cây dương chợ Mới” là sự bảo đảm về một bữa tối no nê “chỉ lát nữa thôi” cho cái dạ dày đang sôi vì đói do bữa trưa thường chỉ đủ tiền để về đò nên phải nhịn đói. Cũng có khi chưa hết mừng đã ập đến âu lo vẩn vơ kiểu không biết ngày kia mạ có cho tiền để cho mình lên đi học tiếp hay không? Thời ấy ở quê tôi, gần như bà mẹ nào có con đang là “sinh viên trên Huế” cũng có chung tâm trạng: Thấy con về thăm nhà thì mừng một lo mười bởi không biết lấy đâu ra tiền cho con đi học tiếp...
“Cây dương chợ Mới” gắn liền với những buồn vui của lớp lớp người làng tôi cho đến những năm 2000, khi đời sống khá lên, người dân có xe máy cũng như những cây cầu bắt qua phá Tam Giang. “Đi Huế” lúc này chỉ tính bằng đơn vị phút và những chuyến đò dọc dần trôi vào dĩ vãng. Mà đâu chỉ có người làng, “cây dương chợ Mới” còn đi vào tâm thức của lớp lớp thầy cô giáo từ TP.Huế “bị lưu đày” về bên kia phá Tam Giang gieo chữ kiểu như bây giờ tự nguyện lên các vùng núi rừng hải đảo xa xôi hẻo lánh nhất.
Và cả những người không liên quan như anh Trần Quang, những năm 1980 là nhân viên của Sở Văn hóa tỉnh chuyên đi chiếu phim cho các xã vùng sâu vùng xa. “Những năm 1984 - 1989 mỗi khi đi đò nhận phim từ Huế về chiếu, xa xa thấy “cây dương chợ Mới” là mừng hết lớn vì biết mình về gần đến Điền Hải rồi. Giờ thấy hình ảnh cây dương bị đốn hạ sau bão trên Facebook của một người bạn, tôi càng tiếc nuối và một khung trời kỷ niệm năm xưa đẹp đẽ ở vùng đất này lại ùa về khiến tôi mấy đêm liền không ngủ được” - anh Quang bùi ngùi nhớ. Với anh Hoàng Đức Bình, một người con Điền Hải xa quê tận bên kia bán cầu, “cây dương chợ Mới” vừa là “ngọn hải đăng” đúng nghĩa vừa là ân nhân của gia đình anh. “Nhà mình ngày xưa sống bằng nghề chạy đò dọc. Mỗi khi mưa bão, sóng to gió lớn thì có ở đâu trên phá cũng cứ nhắm hướng “cây dương chợ Mới” mà chạy đò vào trú ẩn. Đôi khi tôi cứ nghĩ, không biết gia đình mình sẽ thế nào nếu thời ấy không có ngọn hải đăng này. Những năm tha hương tôi vẫn ngóng về ngọn hải đăng đó như lòng được trở về làng cũ bên mẹ hiền xưa…”.
Cây cũng có linh hồn
Cây cối có linh hồn và tình cảm! Đó là chuyện năm nào lang thang trên mạng, tôi xem được bộ ảnh tuyệt đẹp của 3 tác giả Dag Peak, San Martin và Buenos Aires về những loài cây khi các cành cao nhất của vòm lá mọc hài hòa và tránh đụng vào nhau để những cây khác thấp hơn có thể hưởng được ánh sáng. Cây đâu cũng là cây. Nhưng cây ở Huế thường hay có những câu chuyện thú vị kiểu như hàng long não trên đường Nguyễn Trường Tộ gắn liến với “truyền thuyết” về nàng Dao Ánh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hay hai cây báng súng bên hông điện Thái Hòa gắn liền với các vị vua Nguyễn thời đầu lập quốc. Có khi cây cối cũng có thân phận tôn quý. Như trong vườn nhà tôi có một chậu thông gốc lớn sần sùi. Đây là thông Huế, loài 2 lá chứ không phải 3 lá như thông Đà Lạt hay thông đỏ quý hiếm trên núi thiêng Yên Tử ở phía Bắc. Loài thông này hơn trăm năm trước, trong một lễ tế Giao, vua Minh Mạng đã đồng ý cho các hoàng tử xuất cung theo đoàn Ngự đạo mỗi người được trồng một cây thông ở Trai cung phía sau Đàn Nam Giao. Để rồi 20 năm sau quay lại Trai cung, hoàng tử Miên Trinh, lúc này đã là Tuy Lý Vương nhận ra cây thông mình trồng vẫn còn sống, bèn vui mừng làm một bài thơ cảm thán đại ý thấy vui vì cây thông vẫn sống kiên cường, bản lĩnh và cốt cách, nhưng buồn vì bản thân mình sống không được như thông nên đành hẹn kiếp sau hóa thành hạc bay về chung sống…
Hay như cây ngô đồng mà tôi may mắn có được từ Công ty Công viên cây xanh Huế nhiều năm trước. Ngô đồng vương giả, bắt đầu từ một truyền thuyết vua Phục Hy bên Tàu thấy tinh hoa của năm vì sao rơi xuống cây và chim phượng hoàng liền đến đậu. Vua Phục Hy biết cây là gỗ quý, hấp thụ tinh hoa trời đất, có thể làm đồ nhã nhạc, liền sai người đốn cây xuống, cắt làm ba đoạn để phân Thiên - Ðịa - Nhân. Ðoạn ngọn thì tiếng quá trong mà nhẹ, đoạn gốc thì tiếng quá đục mà nặng, duy đoạn giữa thì tiếng vừa trong vừa đục, có thể dùng được, liền đem ra giữa dòng sông nước chảy ngâm 72 ngày đêm, rồi lấy lên phơi khô, chọn ngày tốt, thợ khéo Lưu Tử Kỳ chế làm nhạc khí, bắt chước nhạc Cung Dao Trì, đặt tên là Dao cầm.
Theo “Đại Nam nhất thống chí”, có lần vua Minh Mạng nhận được món quà từ Quảng Đông (Trung Quốc) là hai cây ngô đồng. Nhà vua rất thích nên cho trồng ở đôi bên góc điện Cần Chánh trong Đại nội. Sau đó, vì say mê loài cây tuyệt đẹp này, đồng thời vì lòng tự tôn dân tộc mà nhà vua lệnh cho Bộ Công chọn người thông hiểu cây cỏ đi lùng sục khắp vùng rừng núi Trường Sơn tìm bằng được cây bản xứ. Nhưng hóa ra loài cây quý hiếm này ở Việt Nam mình rừng nào cũng có. Sau đó vua Minh Mạng cho đem giống ngô đồng nội địa về trồng khắp quanh các cung điện, lăng tẩm. Không những thế, khi cho đúc cửu đỉnh, để “tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại”… nhằm tượng trưng cho đế nghiệp bền vững của nhà Nguyễn, vua Minh Mạng đã cho chạm khắc trên chiếc đỉnh mang thụy hiệu của mình - tức là Nhân đỉnh - các họa tiết thể hiện cây ngô đồng.
Kể mãi, kể miết cũng không hết chuyện bởi Huế cố đô có hàng trăm hàng ngàn câu chuyện gắn liền với hơn 64 ngàn cây cổ thụ của hàng trăm chủng loại. Chỉ muốn nói rằng, dù không được sang chảnh như cây thông ở đàn Nam Giao hay cây ngô đồng trong Đại nội, nhưng “cây dương ở chợ Mới” quê tôi cũng có linh hồn và tình cảm, với những câu chuyện riêng tư mang nặng tình quê xứ thiêng liêng...