WB: Hàng triệu người lâm cảnh nghèo đói cùng cực vì Covid-19

NAM VIỆT 09/10/2020 11:13

(QNO) - Lần đầu tiên kể từ năm 1998, tình trạng nghèo đói cùng cực trên thế giới sẽ gia tăng trở lại trong năm nay và cả năm 2021.

Một địa điểm phát hàng cứu trợ trong mùa dịch Covid-19 tại châu Phi. Ảnh: Gettyimages
Một địa điểm phát hàng cứu trợ trong mùa dịch Covid-19 tại châu Phi. Ảnh: Gettyimages

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cho biết, vi rút corona là một trong những nguyên nhân chủ yếu đẩy thêm 150 triệu người trên thế giới vào tình trạng đói nghèo cùng cực. Con số ước tính đó tăng mạnh so với báo cáo hồi tháng 5 của WB, khi đó dự báo rằng sẽ chỉ có thêm 60 triệu người rơi vào cảnh ngộ này vào năm 2020. 

Đây cũng được xem là mức tăng lần đầu tiên kể từ năm 1998 khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu. Vậy nên, dịch bệnh, cùng xung đột và biến đổi khí hậu đe dọa đến những thành quả thế giới đã đạt được trong nhiều năm qua.

WB định nghĩa, người nghèo cùng cực là khi sống với mức dưới 1,9 USD (44.000 đồng)/ngày. Hiện thế giới có hơn 736 triệu người đã ở trong cảnh nghèo đói cùng cực. Trước khi đại dịch xảy ra, tỷ lệ nghèo cùng cực dự kiến sẽ giảm xuống còn 7,9% vào năm 2020, nhưng giờ đây corona có khả năng ảnh hưởng đến 9,1 - 9,4% dân số thế giới trong năm nay.

Ngược lại, các tỷ phú thế giới đã chứng kiến vận may của họ đạt mức cao kỷ lục trong thời kỳ đại dịch, trong đó các giám đốc điều hành hàng đầu từ ngành công nghệ, ứng dụng sức khỏe kiếm được nhiều tiền nhất khi tài sản của họ tăng 27,5% lên 10,2 tỷ USD từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay. Điều đó có nghĩa là đại dịch có thể làm tăng bất bình đẳng thu nhập, nới thêm hố sâu khoảng cách giàu - nghèo.

Đại dịch kéo dài khiến cuộc sống hàng triệu người trên thế giới gặp khó khăn. Ảnh: Reuters
Đại dịch kéo dài khiến cuộc sống hàng triệu người trên thế giới gặp khó khăn. Ảnh: Reuters

Kể từ năm 2013, WB đã nỗ lực hướng tới mục tiêu không quá 3% dân số thế giới sống với mức 1,9 USD/ngày/người vào năm 2030.

Tuy nhiên, WB cho rằng mục tiêu đó sẽ nằm ngoài tầm với nếu không có “hành động chính sách nhanh chóng, quan trọng và thực chất”. Chủ tịch WB - ông David Malpass cho rằng, các quốc gia cần chuẩn bị cho một nền kinh tế thời hậu Covid-19, bằng cách hỗ trợ vốn, đào tạo kỹ năng, tạo việc làm sang các lĩnh vực thích ứng với cuộc sống bình thường mới.

WB đang giúp đỡ các cộng đồng dễ bị tổn thương, các nước đang phát triển nỗ lực hướng tới phục hồi bền vững và toàn diện bằng cách cung cấp các khoản tài trợ và cho vay cho cả cá nhân và doanh nghiệp, hoãn thanh toán nợ cho một số quốc gia nghèo nhất thế giới...

Cụ thể, WB đang cung cấp các khoản tài trợ và cho vay lãi suất thấp trị giá 160 tỷ USD để giúp hơn 100 quốc gia nghèo hơn giải quyết cuộc cuộc khủng hoảng hay cú sốc về sức khỏe, kinh tế và xã hội từ đại dịch Covid-19.

NAM VIỆT