Nghiên cứu, phát triển và chế biến sản phẩm chè dây trên địa bàn xã Tư

TRIÊU NHAN 08/10/2020 10:15

(QNO) - Ngày 7.10, Sở KH-CN tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu, phát triển và chế biến sản phẩm chè dây (Ra Zéh) trên địa bàn xã Tư, huyện Đông Giang”. Đề tài do TS. Nguyễn Hồ Lam - Trường Đại học Nông lâm Huế chủ nhiệm.

Nghiệm thu đề tài liên quan tới nghiên cứu, phát triển cây chè dây trên địa bàn xã Tư, huyện Đông Giang. Ảnh: TRIÊU NHAN
Nghiệm thu đề tài về nghiên cứu, phát triển cây chè dây trên địa bàn xã Tư, Đông Giang. Ảnh: TRIÊU NHAN

Trong quá trình triển khai, đề tài đã đánh giá thực trạng trồng, thu hoạch, sơ chế, chế biến chè dây tại xã Tư; đánh giá rõ các yếu tố ảnh hưởng tới thành phần sinh hóa, khả năng nảy mầm, sinh trưởng và phát triển của cây con. Đề tài xây dựng mô hình vườn ươm tạo cây giống chè dây đạt chuẩn, áp dụng kỹ thuật nhân giống bằng hạt và giâm hom để đánh giá sự phát triển, xây dựng mô hình trồng chè dây thương phẩm.

Đề tài cũng thí điểm áp dụng kỹ thuật nuôi cấy mô in vitro tạo cây con đạt chuẩn, sạch bệnh, bên cạnh phương thức nhân giống truyền thống. Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng mô hình thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm khô chè dây, ứng dụng thiết bị, công nghệ vào quá trình sơ chế, sấy khô, đóng gói sản phẩm.

Theo TS. Nguyễn Hồ Lam, chè dây hay còn gọi là chè rừng, được người đồng bào Cơ Tu ở huyện Đông Giang sử dụng để chữa các bệnh liên quan tới dạ dày, đường ruột, làm thuốc an thần chữa mất ngủ. Cây phát triển mạnh ở xã Tư và một số xã vùng giáp ranh, đặc biệt là các vườn đồi, rừng tái sinh sau nương rẫy.

Chè dây thu hoạch sau thời gian sinh trưởng 10 - 12 tháng, thu hoạch 6 - 8 lần trong năm, năng suất đạt 4 - 5 tấn khô/ha. Lâu nay, đồng bào Cơ Tu huyện Đông Giang thu hoạch, sơ chế, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm còn manh tính nhỏ lẻ, truyền thống. Gần đây, lượng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường rất lớn, sản phẩm có sức tiêu thụ mạnh, nguy cơ cạn kiệt nguồn nguyên liệu là rất lớn.

Bình quân giá trị sản phẩm dược liệu chè dây 100 - 140 nghìn đồng/kg chè khô, tương đương 160 - 250 triệu đồng/ha. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nhân giống chè dây tự nhiên, nghiên cứu, phát triển cây chè dây tự nhiên và sơ chế, chế biến sản phẩm sau thu hoạch là cấp thiết hiện nay.

TRIÊU NHAN