Sớm khắc phục thiệt hại do bão số 5 gây ra
(QNO) - UBND tỉnh vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại cuộc họp vào ngày 5.10 nghe báo cáo phương án khắc phục thiệt hại do bão số 5 gây ra trên địa bàn tỉnh.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu suy yếu từ cơn bão số 5, từ ngày 17 - 18.9, các địa phương trong tỉnh có mưa to đến rất to trên diện rộng, làm hư hỏng nặng nhiều công trình, nhất là hạ tầng giao thông (cầu, đường), đập, kênh mương thủy lợi và các công trình công cộng, gây thiệt hại lớn về đời sống và sản xuất của nhân dân. Địa phương thiệt hại lớn nhất là Tây Giang và Đông Giang.
Để sớm khắc phục thiệt hại do bão số 5 gây ra, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, UBND tỉnh đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trong công tác phòng chống thiên tai cho các địa phương. Rà soát lại các điểm mất an toàn, đặc biệt là các trường học và trường nội trú để có biện pháp gia cố tạm thời và phải xây dựng phương án sơ tán trong trường hợp có cảnh báo mưa lũ. Sơ tán đến những nơi an toàn đối với giáo viên, học sinh và các hộ dân sinh sống ở những khu vực trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở.
Đối với cầu bản cần nguồn kinh phí đầu tư lớn, UBND tỉnh đề nghị cần phải có thời gian nghiên cứu, xem xét trước khi quyết định đầu tư. Các công trình cầu, giao thông huyết mạch, quan trọng thì khắc phục tạm thời, nhất là cầu treo phục vụ đi lại thường xuyên của người dân vào các khu dân cư. Ngoài ra, chưa thực hiện khắc phục trong thời điểm này với các cầu treo có lưu lượng đi lại còn thưa thớt. Các địa phương rà soát các khu vực, tuyến đường khác phục vụ đi lại cho người dân và tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm, đồng thời phân công lực lượng trực chốt hạn chế người dân đi lại khi có cảnh báo mưa.
Đối với đường giao thông, các địa phương chủ động khắc phục tại các vị trí hư hỏng, sạt lở, cắm biển cảnh báo, đề xuất bổ sung kinh phí để có phương án khắc phục các điểm sạt lở đối với các tuyến đường thuộc tỉnh quản lý, nhất là tuyến ĐT606. Sở Giao thông vận tải chủ động đề nghị Cục Quản lý đường bộ III sớm có phương án khắc phục các điểm sạt lở ở tuyến đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý đối với các điểm sạt lở taluy dương, hạn chế tiếp tục xảy ra sạt lở, nhất là các điểm trên tuyến từ đường Hồ Chí Minh lên huyện Tây Giang.
Đối với cầu qua Đồn Biên phòng A Nông (Tây Giang), cần phải nghiên cứu phương án, quy mô đầu tư phù hợp, trước mắt làm cầu treo để phục vụ đi lại, hành quân cơ động của cán bộ, chiến sĩ của đồn.
Các địa phương chủ động sử dụng nguồn ngân sách của địa phương để khắc phục, các công trình thủy lợi nhỏ bị hư hỏng, công trình cấp nước sinh hoạt, báo cáo UBND tỉnh xem xét hỗ trợ một phần kinh phí.
Đối với các công trình kè tại các mố cầu có nguy cơ xảy ra sập mố cầu thì tiến hành gia cố để đảm bảo an toàn công trình cầu, trước mắt khắc phục ngay vị trí kè bị sạt lở tại chân cầu A Vương. Nghiên cứu giải pháp kè tạm tại các khu vực đang bị sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực dân cư; đồng thời đề xuất phương án xây dựng công trình kè kiên cố, an toàn; tổng hợp danh mục công trình kè sông sạt lở nặng đe dọa tính mạng nhân dân hoặc có nguy cơ làm hư hỏng nặng các công trình hạ tầng huyết mạch, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư.
UBND tỉnh đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT, UBND huyện Tây Giang, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng phương án xử lý đảm bảo an toàn tại khu học, khu ở của Trường THPT Võ Chí Công. Mời các chuyên gia có kinh nghiệm để khảo sát, đánh giá địa chất tại khu vực trường, tham vấn ý kiến của người dân tại khu vực để có phương án đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2020. Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng phương án sơ tán, tổ chức ăn, học cho các em học sinh khi có cảnh báo mưa, bão hoặc khi có lũ, lụt xảy ra đối với cả 2 Trường THPT Võ Chí Công và Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng.
Các sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng của mưa lũ về cơ số thuốc và các hóa chất cần thiết để khám chữa bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, nước sạch sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ, củng cố lại các trạm y tế.
UBND huyện Tây Giang nghiên cứu phương án dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm khác để cung cấp cho người dân trên địa bàn bị cô lập trong mùa mưa lũ năm 2020 trong trường hợp các công trình cầu tạm chưa xây dựng xong; phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, các đồn biên phòng xây dựng phương án sơ tán, ứng cứu cần thiết...