Du lịch Quảng Nam, đường đến “ngành kinh tế mũi nhọn” - Bài cuối: Nhận diện thách thức, phát huy cơ hội
Khi mà nguy cơ dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn, ngành du lịch Quảng Nam đã bước đầu nhận thức được sẽ khôi phục hoạt động trong tâm thế mới, đồng thời hướng đến các mục tiêu cao hơn trong 5 năm tới. Rõ ràng, đây là hướng đi gian nan nhưng phải thực hiện để phần nào vực dậy ngành du lịch và hướng đến sự phát triển bền vững.
Tăng cường công nghệ số
Tại buổi tọa đàm “Kích cầu du lịch nội địa - Trải nghiệm Việt Nam an toàn hấp dẫn” diễn ra mới đây do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo VnExpress tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - Vũ Thế Bình cho rằng, từ khi dịch bùng phát toàn ngành du lịch đã liên tục nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động vực dậy, tuy nhiên sắp tới đây nếu kích cầu cần phải nghĩ giải pháp xa, tốt hơn. “Hãy tư duy theo cách mới, tiếp cận khách hàng theo cách khác. Doanh nghiệp nên chuyển đổi số để khắc phục hậu quả dịch bệnh để lại” - ông Vũ Thế Bình nói.
Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng cho rằng việc xây dựng bản đồ số về an toàn du lịch ngoài tạo sự yên tâm cho du khách sẽ giúp đơn vị lữ hành có cơ sở để phối hợp khai thác điểm đến an toàn.
Tại Quảng Nam, nhiều đơn vị cũng đang tăng cường tương tác công nghệ số với khách hàng để tạo niềm tin và đa dạng phương thức tiếp cận trong quảng bá du lịch.
Theo thống kê của Tập đoàn Thiên Minh - đơn vị quản lý khách sạn Victoria Hội An, nếu như trước kia chỉ có khoảng 50% số khách hàng đặt dịch vụ qua công cụ trực tiếp thì từ khi dịch Covid-19 bùng phát tỷ lệ này đã tăng lên đến 95%. Điều này chứng tỏ khách hàng đã sử dụng công nghệ số nhiều hơn và thích tương tác qua công cụ với khách sạn.
Còn bà Lê Thị Bé Phượng - Quản lý nhân sự Almanity Hội An thông tin, tác động của dịch bệnh khiến đơn vị buộc phải thay đổi để thích nghi. Từ tháng 4.2020, Almanity Hội An đã tăng cường tương tác, đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã hội, viết nhật ký mạng để tạo cảm giác an toàn, tin tưởng cho du khách và thực tế đã thu hút được một lượng khách tăng thêm ổn định nhất là vào mỗi dịp cuối tuần.
Là đơn vị có kinh nghiệm phát triển du lịch thông minh, ông Lý Đình Quân - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Sông Hàn (Songhan Incubator) cho rằng: “Nếu muốn phát triển du lịch đảm bảo cả 3 yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường, buộc chúng ta phải có công nghệ. Công nghệ làm chúng ta nối lại tất cả nguồn lực, tăng năng suất. Bản thân công nghệ cũng phục vụ luôn cho du lịch xanh vì du lịch xanh là một dạng mô hình mà hầu hết đều sử dụng trí tuệ, khai thác tài nguyên bản địa trong đó đòi hỏi phải sở hữu dữ liệu lớn để phát triển phù hợp theo đặc trưng của từng sản phẩm, điểm đến. Nếu không có công nghệ thì khó lòng giúp người nông dân, những người làm du lịch cộng đồng vì không kết nối được hết các nguồn lực”.
Kiến tạo cơ hội và bảo tồn giá trị văn hóa
Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) chọn chủ đề Ngày du lịch thế giới năm nay (27.9) là “Du lịch và phát triển nông thôn”. Mục đích của thông điệp nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của du lịch trong kiến tạo cơ hội và bảo tồn giá trị văn hóa, tự nhiên tại các khu vực nông thôn trên toàn thế giới. Chủ đề này cũng có nghĩa khuyến khích các quốc gia, vùng đất dành sự quan tâm nhiều hơn đến điểm du lịch ngoài đô thị, tại các làng mạc, thôn xóm - những nơi ít được biết đến và ít được lui tới.
Theo Tổng Thư ký UNWTO - Zurab Pololikashvili, Ngày du lịch thế giới 2020 diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang tìm đến du lịch như là một trong những ngành thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, nơi du lịch được coi là trụ cột về sinh kế và kinh tế. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để nhìn nhận vai trò và khả năng kiến tạo tương lai của du lịch tại các khu vực nông thôn, nhất là trong mang lại việc làm.
Tại Quảng Nam, từ hơn 10 năm trước sản phẩm du lịch nông thôn đã được đầu tư, phát triển mạnh mẽ gắn với các tour tuyến và mô hình làng du lịch cộng đồng. Đi đầu có thể kể đến 3 địa phương Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, với các điểm đến như Triêm Tây, Trà Nhiêu, Cẩm Thanh, Trà Quế, An Mỹ... Cùng với đó là những sản phẩm như “Một ngày làm nông dân”, du lịch cưỡi trâu, làm ruộng, trồng dừa nước… đã mang đến sự mới lạ, thích thú cho nhiều du khách.
Ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty Du lịch Jack Trần Tours, người đi đầu trong các sản phẩm du lịch nông thôn khẳng định, du lịch nông thôn sẽ là xu hướng không chỉ của du lịch Quảng Nam mà còn của thế giới hiện nay cũng như những năm tới, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, có trách nhiệm với những sản phẩm du lịch xanh, sinh thái, phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, loại hình du lịch này cũng sẽ tạo ra sự tương tác tích cực giữa ngành du lịch, cộng đồng địa phương và du khách.
Chiến lược cho chặng đường mới
Hướng đến sự bền vững
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, quan điểm của tỉnh về phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, sẽ tập trung vào 4 vấn đề. Trước hết là chất lượng tăng trưởng du lịch, lấy hiệu quả làm thước đo chính, ưu tiên các mục tiêu phát triển về sản phẩm, thị trường nhằm có được thu nhập cao nhất từ du lịch, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP. Thứ hai, phát triển du lịch phải luôn gắn liền với nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa và tự nhiên. Thứ ba, phát triển du lịch phải đem lại nhiều hơn cơ hội việc làm và thu nhập cho cộng đồng địa phương, đặc biệt cộng đồng đồng bào thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, góp phần tích cực vào đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Thứ tư, phát triển du lịch chú trọng đến sự hài lòng của khách du lịch. Quan tâm đến nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của du khách.
Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi mạnh hành vi du lịch của du khách khi họ dần ưa chuộng khám phá thiên nhiên, ưu tiên các điểm đến gần và chuyến đi ngắn ngày, đi tự túc và đề cao sự an toàn, quyền riêng tư trong chuyến đi. Việc thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng là điều quan trọng để hướng tới du lịch bền vững. Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã xây dựng được bản đồ các cơ sở kinh doanh giảm thiểu rác thải nhựa với hơn 100 thành viên. Vừa qua, sản phẩm chợ phiên làng chài Tân Thành được vận hành chủ yếu dựa vào cộng đồng, đáp ứng các tiêu chí “xanh”, an toàn cũng được kỳ vọng trở thành điểm đến mới, độc đáo nhằm kích cầu du lịch phục hồi trở lại.
Có thể nhận thấy, với những lợi thế nổi trội về di sản, biển đảo, phát triển du lịch Quảng Nam những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Tuy nhiên, nếu phân tích và so sánh số liệu về tăng trưởng khách, thu nhập xã hội giải quyết việc làm… thì sự phát triển của du lịch Quảng Nam thiếu tính bền vững, nhất là trên cả 3 trụ cột là kinh tế, môi trường và văn hóa - xã hội. Chưa kể, trước những biến động về thị trường khách, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, sự cạnh tranh của các địa phương lân cận, đòi hỏi du lịch Quảng Nam cần có chiến lược mới trong chặng đường tiếp theo.
Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, du lịch Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung phải chọn hướng đi riêng không trùng lặp những nơi khác. Đó là lấy dân dã đối với tiện nghi; lấy sự mộc mạc làng quê đối với hiện đại, và tất cả phải dựa trên nền tảng văn hóa vững chắc.
“Phát triển du lịch Quảng Nam những năm tới sẽ phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Vấn đề quan trọng là nhận diện được những cơ hội và thách thức đó để có những giải pháp phù hợp nhằm phát huy cơ hội và hạn chế tác động động từ những thách thức. Như thế du lịch Quảng Nam mới phát triển một cách bền vững, đóng góp tích cực hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho cộng đồng và bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa” - ông Sự phân tích.