Du lịch Quảng Nam, đường đến "ngành kinh tế mũi nhọn" - Bài 2: Mở rộng không gian, tìm sự cân đối

QUỐC TUẤN - VĨNH LỘC 06/10/2020 09:59

Xác định du lịch văn hóa, di sản là chủ đạo nhưng việc quá phụ thuộc vào Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Xuyên) đã khiến cán cân du lịch Quảng Nam mất cân đối, trong khi vùng phía nam và phía tây rộng lớn của tỉnh còn bỏ ngỏ.

Những năm qua, ngành du lịch Quảng Nam vẫn phụ thuộc lớn vào hai di sản Hội An, Mỹ Sơn. Ảnh: T.L
Những năm qua, ngành du lịch Quảng Nam vẫn phụ thuộc lớn vào hai di sản Hội An, Mỹ Sơn. Ảnh: T.L

Khoảng trống phía Tây, Nam

Sau 7 năm hợp tác với đối tác, đầu năm 2020 ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty Du lịch và dịch vụ Hoa Hồng đứng ra tiếp quản, khai thác Làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang). Để tạo sự mới lạ thu hút khách, ông Dũng đầu tư 2 tỷ đồng sửa chữa, xây mới các công trình mool và sản phẩm dịch vụ. Theo ông Dũng, với những khó khăn, hạn chế cố hữu của một huyện miền núi như hiện nay khó thể mong lượng khách đến Bhờ Hôồng nhiều được.

Làng du lịch Bhờ Hôồng chỉ là một trong số những điểm du lịch phía tây của tỉnh nhiều năm qua vắng khách. Có thể kể đến làng du lịch Đhờ Rôồng (Đông Giang), Đại Bình (Nông Sơn), Lộc Yên (Tiên Phước), rừng Pơ mu Tây Giang, du lịch vùng sâm Nam Trà My… hầu hết cũng chưa phát triển du lịch như kỳ vọng, dù sở hữu những tiềm năng, lợi thế khác biệt.

Ông Phạm Vũ Dũng cho rằng, ngoài nguyên nhân về điều kiện cơ sở, dịch vụ còn thiếu, chưa có chính sách vượt trội thu hút đầu tư vào du lịch thì sự thay đổi về cơ cấu khách từ Tây Âu, Bắc Mỹ (trải nghiệm) sang khách Hàn Quốc, Trung Quốc (giải trí) những năm gần đây đã khiến mục tiêu đưa khách du lịch về vùng núi khó thực hiện. Chưa kể, sự không đồng bộ ý tưởng giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong đầu tư phát triển sản phẩm cũng là nguyên nhân khiến khoảng trống du lịch phía tây càng khó lấp.

Từ năm 2016, nhiều văn bản chỉ đạo phát triển du lịch về phía nam và phía tây của tỉnh đã được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý và định hướng cho sự phát triển của du lịch Quảng Nam như Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết 47/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh… đều xác định, mở rộng không gian phát triển du lịch về phía tây và phía nam của tỉnh là một trong những mục tiêu trong phát triển du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, 5 năm qua mục tiêu này diễn ra rất chậm; sự mất cân xứng trong phát triển du lịch giữa phía đông và phía tây, phía nam và phía bắc của tỉnh vẫn còn rất lớn. Hoạt động du lịch chủ yếu tập trung ở Hội An và một phần của Điện Bàn, Duy Xuyên, những địa phương còn lại rất yếu, kể cả Tam Kỳ - nơi được xác định là trung tâm du lịch phía nam của tỉnh.

Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, du lịch phía nam và phía tây vẫn đang được tập trung đầu tư, xây dựng sản phẩm, thể hiện qua lượng khách tăng trưởng phát triển qua từng năm. Đặc biệt, một số điểm du lịch cũng đang từng bước đầu tư hình thành. Có thể kể đến như Làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước) với sự đầu tư của Tập đoàn Thiên Minh; hay dự án Khu du lịch sinh thái cổng trời Đông Giang (thôn Asờ, xã Mà Cooih), do Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp (thuộc Tập đoàn FVG) đầu tư, dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động cuối năm 2021.

Thúc đẩy từ chính sách

Phấn đấu thu hút hơn 12 triệu lượt khách vào năm 2025

Dự thảo định hướng phát triển du lịch do Sở VH-TT&DL xây dựng đề ra mục tiêu, đến năm 2025 Quảng Nam thu hút hơn 12 triệu lượt khách, bao gồm 5,5 - 6 triệu khách quốc tế; tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GRDP của tỉnh đạt hơn 5 % và tạo ra khoảng 30 nghìn việc làm cho xã hội. Phấn đấu đến năm 2030 du lịch Quảng Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ lệ đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 7 - 8% và tạo ra hơn 50 nghìn việc làm cho xã hội. Đây được xem là những mục tiêu mang tính đột phá. Căn cứ vào tiềm năng, lợi thế hiện có thì đây không phải mục tiêu quá sức, chưa kể nếu biết tận dụng hiệu quả sự phát triển của hệ thống giao thông thì không chỉ những con số trên có thể đạt được, mà còn góp phần quan trọng giúp dịch chuyển du lịch ra xa Hội An tiến về phía nam và phía tây của tỉnh trong những năm tới.

Ngày 31.1.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 364/2019/QĐ-UBND triển khai thực hiện Nghị Quyết số 47/2018/NQ-HĐND ngày 6.12.2018 về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025. Theo đó, có 21 điểm du lịch tại 9 huyện miền núi Quảng Nam (Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My) được hỗ trợ kinh phí đầu tư, chủ yếu tập trung vào kết cấu hạ tầng (đường giao thông, bãi đổ xe, nhà đón tiếp, nhà vệ sinh công cộng…); xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tổng số tiền thực hiện gần 92 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đảm bảo 80%; ngân sách huyện và xã hội hóa 20%.

Thụ hưởng chính sách tại các điểm du lịch trên địa bàn miền núi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, số tiền gần 92 tỷ đồng đề án hỗ trợ cho 21 điểm du lịch ở 9 huyện miền núi trong vòng 5 năm quá nhỏ bé so với nhu cầu thực tế.

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện tuyến đường ven biển Nam Hội An và hệ thống giao thông liên kết “Đông - Tây” kết nối vùng ven biển và vùng núi của tỉnh. Đồng thời ưu tiên đầu tư phát triển nhân lực du lịch vùng phía tây, gắn với đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng địa phương cho phát triển du lịch.

Ông Lê Ngọc Tường cho rằng, khó đòi hỏi hiệu quả ngay một sớm một chiều, nhất là trong tình hình hậu Covid-19 như hiện nay khi hành vi và thị trường khách đã thay đổi. Sở sẽ tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản xây dựng chiến lược, định hướng, chương trình hành động mới trong phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, quan tâm đến tính bền vững như phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng, phát triển du lịch sinh thái… Đặc biệt sẽ nghiên cứu giá trị tăng thêm trong du lịch, hưởng lợi từ hoạt động du lịch đối với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam sở hữu nhiều lợi thế về thiên nhiên, di sản, văn hóa…, nhưng để biến tiềm năng trở thành sản phẩm du lịch là chuyện không hề đơn giản. Các phân tích cho thấy, du lịch Quảng Nam đã trải qua 3 giai đoạn phát triển từ “khám phá” đến “hưng thịnh” và hiện đang bước vào giai đoạn cuối của vòng phát triển là “trì trệ”, khi hệ thống sản phẩm du lịch Quảng Nam ít có thay đổi và dần trở nên “quen thuộc” với phần lớn du khách. Điều này đồng nghĩa điểm đến Quảng Nam đang đối diện những thách thức lớn trong chuỗi giá trị. Vì vậy, ngoài chính sách, cần có nhiều giải pháp từ làm mới sản phẩm đến khai thác các tài nguyên biến thành sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách.

-------------------

Bài cuối:  Thách thức và cơ hội

QUỐC TUẤN - VĨNH LỘC