Du lịch Quảng Nam, đường đến “ngành kinh tế mũi nhọn” - Bài 1: Những gam màu sáng

QUỐC TUẤN - VĨNH LỘC 05/10/2020 10:39

Trong nhiệm kỳ qua, ngành du lịch Quảng Nam đã bước vào giai đoạn tăng trưởng vượt bậc nhất từ trước đến nay với nhiều cột mốc ấn tượng tạo đà cho mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 ập đến đúng vào lúc ngành du lịch đang dần phát sinh nhiều tồn tại cần nhìn lại. Bên cạnh thách thức, đó cũng là cơ hội để những người làm du lịch ngồi lại, thay đổi tư duy và cách làm cho ngày mai bền vững hơn.

Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, phố cổ Hội An luôn thu hút đông khách du lịch. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, phố cổ Hội An luôn thu hút đông khách du lịch. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Những con số thống kê từ năm 2016 đến nay đã phản ánh sự vươn mình mạnh mẽ của du lịch Quảng Nam. Điều này chứng tỏ, với nội lực và thương hiệu dần được khẳng định, ngành du lịch có đầy đủ yếu tố để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tăng trưởng ấn tượng

Lấy cột mốc năm 2015 so sánh đến thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra, tất cả chỉ tiêu tăng trưởng của du lịch Quảng Nam đều rất ấn tượng, thậm chí phần nào khiến những người quản lý, làm du lịch ở địa phương bất ngờ khi hầu hết thông số vượt chỉ tiêu. Nếu năm 2015 Quảng Nam đón gần 3,9 triệu lượt khách thì con số này năm 2019 đã tăng lên đến gần 7,8 triệu lượt. Trong đó, lượt khách quốc tế năm 2015 mới đạt gần 1,9 triệu thì năm 2019 đã tăng lên đến 4,6 triệu.

Từ chỗ là địa phương “khai phá” ngành du lịch khá muộn, Quảng Nam đã vươn lên thường xuyên nằm trong tốp 4 trên bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố đón khách quốc tế nhiều nhất nước, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch năm 2019 ước đạt 6 nghìn tỷ đồng; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt đến 14 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, điều đáng khích lệ là ở nhiều điểm đến như làng gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu - Cẩm Thanh (TP.Hội An) thu nhập từ du lịch trong cộng đồng luôn gấp 3 - 4 lần so với nguồn thu từ vé tham quan. Điều này chứng tỏ du lịch đã lan tỏa, cải thiện đời sống đáng kể cho cộng đồng cư dân địa phương chứ không chỉ gói gọn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp.

Quảng Nam đã khẳng định được thương hiệu là một điểm đến du lịch văn hóa đặc sắc. Ảnh: T.L
Quảng Nam đã khẳng định được thương hiệu là một điểm đến du lịch văn hóa đặc sắc. Ảnh: T.L

Sau nhiều năm, du lịch địa phương đã vươn mình khỏi “cái bóng” của hai di sản văn hóa thế giới khi lan tỏa được một lượng khách đáng kể đến với khu vực phía nam và phía tây của tỉnh. Chỉ riêng khu phức hợp giải trí Vinpearl Land Nam Hội An (huyện Thăng Bình) năm 2019 đã đón khoảng 700 nghìn lượt khách. Các sự kiện như “Lễ hội hoa sưa” ở làng Hương Trà (TP.Tam Kỳ), “Lễ hội Sâm Ngọc Linh” (huyện Nam Trà My)… thu hút hàng chục nghìn lượt người tham quan, mua sắm và trở thành sự kiện thường niên được du khách chờ đợi. Khi hạ tầng mở ra, những “cánh sếu” trong ngành du lịch đã lần lượt đặt chân đến “mảnh đất lành” Quảng Nam tìm cơ hội.

Các dự án như Vinpearl Nam Hội An, Hoiana… được kỳ vọng sẽ nâng tầm du lịch vùng đông; TUI Blue cùng tập đoàn Thiên Minh đang mang đến “luồng gió mới” cho khu vực cực nam của tỉnh và vùng trung du Tiên Phước, trong khi “Cổng trời Đông Giang” của FVG sẽ mở ra một phần “kho báu” du lịch phía đại ngàn đang ngủ yên lâu nay. Dọc theo dải bờ biển trải dài của Quảng Nam, những thương hiệu khách sạn, quản lý vận hành khách sạn cao cấp bậc nhất thế giới từ Four Seasons, Accor, Marriot, Radisson cho đến TUI Group, The Shilla Hotels & Resort…  cũng đã “đổ bộ” để chuyển mình “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” còn hoang sơ, thơ mộng này.

Định vị thương hiệu

Trước khi Chính phủ có Nghị quyết số 103/NQ-CP (ngày 6.10.2017) ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ năm 2016 Tỉnh ủy Quảng Nam đã có Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Mục tiêu nghị quyết là phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, tạo liên kết bền vững về du lịch với các tỉnh trong khu vực và cả nước...

Việc xây dựng và duy trì được thương hiệu du lịch không phải là điều dễ dàng. Với vẻ đẹp cùng các sản phẩm du lịch đặc sắc của mình, Hội An đã chinh phục được những du khách khó tính nhất. Di sản này đã được gọi tên tại Lễ trao thưởng Du lịch thế giới WTA 2019 với danh hiệu “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á”; được xếp vào “tốp 15 thành phố tuyệt vời nhất thế giới”, “tốp những đô thị cổ đẹp nhất Đông Nam Á”… từ các trang, tạp chí uy tín CNN, Travel and Leisure. Đây là một trong những nền tảng để Hội An hướng đến đô thị sự kiện tầm cỡ.

Từ năm 2016, Liên hoan ẩm thực quốc tế Hội An bắt đầu được tổ chức và trở thành sự kiện thường niên được chờ đợi. Ngoài ra, sản phẩm “Ký ức Hội An” ở công viên Ấn tượng Hội An cũng gây tiếng vang với du khách thập phương trong những năm qua.

Càng đáng mừng hơn khi không chỉ đô thị cổ Hội An được bạn bè quốc tế yêu thích, nhiều điểm đến khác trên địa bàn tỉnh cũng dần “thức giấc” và định vị chỗ đứng khi được vinh danh tại các giải thưởng trong khu vực. Năm 2016, “Cụm làng chài ven biển An Bàng” (phường Cẩm An, TP.Hội An) được trao tặng danh hiệu khách sạn Xanh ASEAN giai đoạn 2016 - 2018. Năm 2017, điểm du lịch cộng đồng làng Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) được nhận giải thưởng du lịch dựa vào cộng đồng tại diễn đàn du lịch ASEAN và sau đó năm 2019, đến lượt mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) nhận giải thưởng này.

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, những điều này minh chứng du lịch Quảng Nam đã để lại nhiều dấu ấn đáng kể, tạo ra nhiều sản phẩm ấn tượng trong thời gian qua, bởi các giải thưởng trên do những tổ chức quốc tế uy tín hoặc đơn vị độc lập đánh giá, xếp hạng.

Chuyển biến trong cách tiếp cận

Sau nhiều năm tích cực tìm những giải pháp thu hút các thị trường khách đến với địa phương, lần đầu tiên Quảng Nam đã cảm nhận được sự “quá tải cục bộ” khách du lịch ở một số thời điểm, chủ yếu là tại đô thị cổ Hội An. Điều này thúc đẩy những người quản lý và làm du lịch phải nhìn lại cách tiếp cận để dung hòa số lượng và chất lượng. Từ năm 2016, Hội An đã triển khai giải pháp khống chế số lượng khách ra Cù Lao Chàm (tối đa 3.000 khách/ngày). Với các điểm đến khác, cách tiếp cận từ quản lý đến triển khai cũng đã hướng đến sự bền vững hơn thay vì chỉ chú trọng lượng khách như trước.

Theo ông Lê Ngọc Tường, với các điểm du lịch ở vùng cao khi phát triển được cũng chỉ nên đón một lượng khách vừa phải và cần hướng đến dòng khách chất lượng cao để bảo vệ cảnh quan sinh thái cũng như bảo tồn văn hóa bản địa vốn dễ bị tổn thương.  

Năm 2019, lần đầu tiên Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch bền vững Quảng Nam - Du lịch không rác thải nhựa” với mục tiêu đưa Quảng Nam trở thành một trong những địa phương tiên phong trên cả nước hướng đến du lịch xanh, bền vững. Đây là xu thế của du lịch thế giới nhưng vẫn là cách tiếp cận mới đối với ngành du lịch địa phương và tín hiệu tích cực thu được khi trong gần một năm qua nhiều đơn vị làm du lịch ở Quảng Nam ủng hộ, cam kết lan tỏa “thông điệp” du lịch nhân văn, độc đáo này.

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hội thảo chuyên sâu hơn về phát triển du lịch bền vững dự kiến tổ chức trong tháng 9 vừa qua đã không thể diễn ra, tuy nhiên với lợi thế lớn của mình du lịch Quảng Nam vẫn cần kiên định và phát huy các sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững.

--------------------------------

Bài 2: Mở rộng không gian, tìm sự cân đối

QUỐC TUẤN - VĨNH LỘC