Sức nặng của một “bè trầm”
Trừ những chuyến đi điền dã chung - thường diễn ra khá lặng lẽ, các hội viên chuyên ngành văn nghệ dân gian (VNDG) hầu như không có hoạt động kiểu cờ giong trống mở nào. Với họ, quan trọng nhất là làm ra được sản phẩm tốt, có giá trị cao, qua đó làm đằm nặng hơn “bè trầm” vốn có của mình...
Một lần kết nạp bằng 8 năm
Lần đầu tiên kể từ khi thành lập vào năm 2012, Chi hội VNDG trực thuộc Hội VHNT tỉnh có một sự bổ sung rất lớn về mặt đội ngũ, bằng việc kết nạp thêm 9 hội viên mới vào chiều 2.10. Hội VHNT Quảng Nam kể từ khi tái lập vào năm 1998 đến nay, chưa chi hội nào trong một lần lại kết nạp được số lượng hội viên nhiều như thế. Riêng với Chi hội VNDG, việc kết nạp lần này đã làm cho số hội viên của chi hội tăng lên gần gấp đôi: từ 10 người lên 19 người - chỉ một lần kết nạp nhưng gần bằng 8 năm trước đó.
Không chỉ gia tăng gấp đôi về mặt đội ngũ, điều quan trọng là, tất cả hội viên được kết nạp vào Chi hội VNDG lần này đều là những người có thâm niên trong nghiên cứu văn hóa, VNDG với những hướng nghiên cứu chuyên sâu khác nhau. Do vậy sự “nhập cuộc” của họ sẽ góp phần làm cho phạm vi hoạt động của chi hội trở nên đa dạng hơn. Đặc biệt, theo nhà nghiên cứu Trần Văn An - Chi hội trưởng Chi hội VNDG, 9 hội viên được kết nạp lần này đều gắn bó, tâm huyết với nghề và có năng lực chuyên môn vững vàng, vì họ đều đã từng tham gia nhiều đề án, công trình nghiên cứu cấp tỉnh và cấp huyện; một số người đã có công trình nghiên cứu riêng được công bố trên phạm vi cả nước... “Chúng tôi đã có lời mời những anh chị em này vào hội từ khá lâu rồi, nhưng ai cũng bảo hãy để họ có thêm chút “vốn liếng” trong công việc chuyên môn rồi hẵng tính. Đó là sự thận trọng cần thiết, chính xác hơn là sự tự trọng nghề nghiệp rất đáng quý” - nhà nghiên cứu Trần Văn An nói thêm.
Đằm nặng thêm “bè trầm”
Do đặc thù nghề nghiệp, Chi hội VNDG không chủ trương tổ chức các hoạt động bề nổi. Thay vào đó, tập trung hướng dẫn và khuyến khích hội viên làm việc theo hướng nâng cao chất lượng chuyên môn và đề cao tính độc lập trong công việc của từng người. Bởi lẽ, với hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và lĩnh vực VNDG nói riêng, mỗi người có một thế mạnh, một sở trường, một hướng nghiên cứu. Đã vậy, công việc của mỗi người lại phụ thuộc vào nguồn tư liệu và khả năng tìm kiếm, khai thác tư liệu, vào vốn tri thức được đúc kết lâu dài trong quá trình vừa tự học vừa nghiên cứu,... thành ra việc tổ chức những hoạt động bề nổi tập thể là không phù hợp. Theo nhà nghiên cứu Trần Văn An, ngoài đôi ba cuộc đi điền dã chung - thường cũng diễn ra khá lặng lẽ, Chi hội VNDG không có hoạt động cờ giong trống mở nào cả. Ông An nói thêm: “Trừ một số người đã nghỉ hưu, phần lớn hội viên Chi hội VNDG là cán bộ, viên chức nhà nước nên ai cũng phải lo hoàn thành việc công. Để theo đuổi đam mê sưu tầm, nghiên cứu VNDG, mỗi người phải tự thu xếp thời gian, kế hoạch làm việc độc lập cho riêng mình, với đích đến là phải làm ra được sản phẩm tốt, qua đó làm đằm nặng hơn cho “bè trầm” của mình...”.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, hầu hết hội viên Chi hội VNDG làm việc theo hướng ấy. Tuy chậm nhưng chắc, có người mất 1 - 2 năm mới công bố được một chuyên đề. Có một số người phải mất 3 - 4 năm, thậm chí lâu hơn, mới hoàn thành một công trình nghiên cứu, như trường hợp nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng với công trình “Quảng Nam - truyền thống văn hóa biển” được công bố cách đây mấy tháng là kết quả của 5 năm vừa sưu tầm, nghiên cứu, vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ hành chính ở cơ quan nơi anh công tác... So với các chuyên ngành khác, thành quả mà các hội viên VNDG tạo ra không nhiều: bình quân mỗi năm cả Chi hội có khoảng 10 chuyên đề khoa học và 2 - 3 công trình nghiên cứu được công bố. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm ấy đều có giá trị, được giới chuyên gia đầu ngành đánh giá cao. Bằng chứng là, trong vòng 5 năm trở lại đây, đã có hơn 20 bài nghiên cứu của các hội viên VNDG được chọn trình bày tại các hội thảo chuyên ngành; gần 10 tác phẩm, công trình đoạt giải thưởng của Hội VNDG Việt Nam, Giải thưởng VHNT Đất Quảng và Tặng thưởng VHNT Quảng Nam.
Ngoài những phần việc riêng ấy, cũng rất lặng lẽ, nhiều hội viên của Chi hội VNDG còn đóng góp công sức, trí tuệ vào nhiều hoạt động chung của các ngành và địa phương. Mấy năm gần đây, các đề án quan trọng, có yêu cầu chuyên môn cao và khu biệt, như bảo tồn một số hình thái văn hóa phi vật thể ở Quảng Nam, phục hồi nghệ thuật hát bội; phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm... hay các hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; các chương trình, đề án phát huy di sản văn hóa, VNDG... đều có sự tham gia, góp sức của họ.