Nuôi thú cưng những ngày có dịch
Ông bạn ở Đà Nẵng nói với tôi một cách thật lòng rằng, ông chả sợ nếu chẳng may “dính” SARS-CoV2 vì khả năng “đi Gò Cà” - tên một nghĩa trang của thành phố - là rất thấp. Tôi hỏi, vậy ông sợ gì nhất lúc cả thành phố bị phong tỏa? Ông bảo sợ nhất là nếu chẳng may bị cách ly tập trung cả nhà thì… con Phốc không biết gửi đâu!
Con cún tên là Phốc ấy, ông cưng nó còn hơn cả… cục cưng. Đi đâu ông cũng dẫn nó theo. Nó quen bám theo “bố” đến mức, thấy ông lùi xe ra khỏi gara là nó đã xuất hiện ngay trước cửa xe. Chỉ cần hé cánh cửa là nó “phốc” lên ngay, đặt hai chân lên phía trước, mắt láo liên, lưỡi thè ra, vẻ mặt cu cậu có vẻ đắc chí lắm.
Chứng kiến chồng yêu chó hơn cả… yêu mình, chị vợ bực lắm, nhưng thấy cái cách “cuồng” thú cưng của anh xã, rồi ngày càng ngộ ra cái sự khôn ngoan của con chó, cuối cùng rồi chị cùng mấy đứa con cũng quay quắt nhớ nếu đi xa đâu đó mấy hôm mà vắng bóng con Phốc bám theo. Giờ chẳng may trong dãy phố này có người dương tính với SARS-CoV2, ban phòng chống dịch tới “bứng” cả cụm đi cách ly, con Phốc chỉ còn có cách là bị đẩy ra đường. Nghĩ đến cái cảnh nó lang thang cơ nhỡ, thậm chí đói khát mà chết, lòng anh quặn thắt. Là cũng nghĩ xa xôi vậy chứ anh thì luôn hy vọng là cả nhà sẽ bình yên. Con Phốc sẽ mãi bên cái tổ ấm ấy trong những ngày dịch dã tứ bề này.
Rồi anh đọc trên facebook của một người bạn thông báo rằng, vợ một nhà báo bị dương tính khiến cả nhà phải đi cách ly. Nhà báo ấy chỉ còn kịp vơ vội mấy bộ quần áo cùng đồ dùng cá nhân rồi lên xe. Đi một đoạn, chợt nhớ còn một thứ không thể quên được, đó là “con khướu biết nói tiếng người” nên anh vội quay lại nhà. Anh quyết định mở cửa lồng để “phóng sinh” cho con khướu dù rất xót. Xách cái túi đựng vài bộ áo quần rời nhà mà lòng anh nặng trĩu. Chốc chốc anh ngoái lại xem con khướu đã rời hẳn cái ban công quen thuộc ấy chưa. Cái chấm nhỏ của nó cứ xa dần, xa dần… đến khi mất hút.
Anh tự nhủ lòng: “Cũng coi như phóng sanh cho nó nhân mùa Vu lan này vậy. Chúc mày may mắn, trở lại với bầu trời quen thuộc của mày!”. Nửa tháng sau, đúng thời gian cách ly, cả nhà anh quay về. Cứ ngỡ ngôi nhà quen thuộc ấy từ đây sẽ vắng một tiếng chim biết nói tiếng người, thì từ chiếc ban công trên kia vang lên cái câu đã mấy năm rồi, anh vẫn thường nghe: “Bố về! Bố về!”. Thì ra con khướu vẫn quyết trụ bám đến cùng với chiếc lồng của nó. Anh chợt nhận ra rằng, một khi bầu trời tự do bị tước đoạt quá lâu thì loài chim sẽ tập làm quen với chiếc lồng hơn là tập khám phá những chân trời mới lạ.
Riêng con Phốc của bạn tôi, hú vía, nó vẫn “an toàn” vì chủ của nó không phải bị cách ly. Ông bạn lại nhắn tin: “Đôi khi, giỏi không bằng may ông ạ”.