Xây dựng nguồn thu ngân sách bền vững
Ngân sách nội địa Quảng Nam đang trong tình trạng thiếu ổn định. Con đường nào để tạo dựng nguồn thu ngân sách bền vững là câu chuyện đang được luận bàn, nhưng không dễ thực hiện.
Con số thống kê biết nói
Thống kê cho thấy 9 tháng qua thu ngân sách nội địa chỉ khoảng 7.885 tỷ đồng (bằng 38,4% dự toán), giảm 42% so cùng kỳ. Mức sụt giảm “kỷ lục” này do tác động nặng nề của đại dịch Covid -19 khiến sản xuất, kinh doanh đình trệ. Nền kinh tế gần như bị tê liệt trong nhiều tháng đã đẩy nguồn lực ngân sách thiếu hụt. Mọi dự báo về thu ngân sách đều bị phá sản.
Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính nói mỗi tháng phải thu 1.710 tỷ đồng (theo kế hoạch) nhưng thực tế quá thấp (chưa tới 1.000 tỷ đồng). Tiến độ thu không đạt dự toán. Khả năng sẽ hụt thu đến 6.000 tỷ đồng. Nguy cơ trở lại thời phải trợ cấp ngân sách là điều đã được dự báo.
Ảnh hưởng của đại dịch là bất khả kháng, không thể dự lường. Tuy nhiên, nếu nhìn vào “lịch sử” thu ngân sách nội địa của Quảng Nam trong vòng 5 năm qua cũng cho thấy sự phập phồng, thiếu bền vững. Năm 2016 (năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XXI), số thu nội địa bất ngờ tăng đột biến (13.745 tỷ đồng, vượt 156,3% dự toán) thì những năm sau lại sụt giảm.
Một bảng phân tích số liệu từ Cục Thuế công bố, dù hoàn thành dự toán, nhưng số thu ngân sách nội địa 3 năm gần đây (2017 - 2019) biến động lớn, thiếu ổn định. Năm 2017 chỉ tăng 3,8%, tăng 33,5% vào năm 2018 và năm 2019 lại “rớt xuống” khi chỉ bằng 99,35% so năm 2018.
Thu từ doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm dần qua các năm. Đến năm 2019 chỉ chiếm 3,6%/tổng thu. Thu từ khu vực FDI năm 2018 tăng gấp đôi so 2017 nhưng đến năm 2019 lại giảm và chiếm 10,5%/tổng thu ngân sách. Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách nhưng cũng không ổn định. Năm 2017 chỉ bằng 91,2% so năm 2016. Nhưng qua năm 2018 tăng đến 35,7% và đến năm 2019 chỉ bằng 89,4% so với thực hiện năm 2018.
Điều đặc biệt trong tổng thu nội địa thì thu từ thuế gián thu, tài nguyên, tài sản chiếm trên 90%. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt có năm chiếm 54%/tổng thu ngân sách. Thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân) chỉ chiếm dưới 10%/tổng thu. Nguồn thu lớn như số thu từ bia năm 2017 chiếm 45,2%, năm 2018 chiếm 69,3%, năm 2019 chiếm 64,3%/tổng thu từ khu vực FDI.
Số thu từ ô tô du lịch năm 2017 chiếm 72,7%, năm 2018 chiếm 80%, năm 2019 chiếm 75,3%/tổng thu từ khu vực ngoài quốc doanh. Số thu từ thủy điện năm 2017 chiếm 54,3%, năm 2018 chiếm 59%, năm 2019 chiếm 44,7%/tổng thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Ông Ngô Bốn – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho hay, kết quả thu phụ thuộc vào ô tô, bia, thủy điện. Nếu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này thuận lợi thì ngân sách sẽ tăng thu; ngược lại thì thu ngân sách sẽ gặp rất nhiều khó khăn (như năm 2017, 2019 & 2020).
Giải pháp nào cho ngân sách bền vững?
Điều gì đã khiến cho ngân sách Quảng Nam bất ổn là câu chuyện luôn đặt ra và đi tìm câu trả lời? Mỗi năm chỉ tiêu thu thuế đều gia tăng (ít nhất 10%), nhưng thu đủ, đúng, chống thất thu dựa vào sức khỏe doanh nghiệp, không phải từ “nỗ lực” hay “ý chí” của cơ quan quản lý.
Tại hội thảo “Cơ cấu lại nền kinh tế Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025”, TS.Đỗ Thiên Anh Tuấn – Giảng viên Đại học Fulbright đánh giá trên phương diện bền vững nguồn thu cho thấy các khoản thu ngân sách Quảng Nam chỉ dựa vào một vài ngành, một vài doanh nghiệp nên sẽ rủi ro. Khác với thuế giá trị tăng tăng hay thuế thu nhập doanh nghiệp là những khoản thuế có độ nổi cao. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô lại là khoản thuế đặc thù đánh trên các mặt hàng có tính chất xa xỉ nên tính bền vững không cao. Trường Hải đứng trước nguy cơ cạnh tranh và cũng là vấn đề mang tính chiến lược đáng quan ngại cho tính bền vững của ngân sách. Quảng Nam phải đối mặt với những vấn đề lớn, Trường Hải giảm (chiếm 50% ngân sách), ai sẽ gánh phần chịu thay?
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, không nên chỉ coi việc hụt thu này là hiện tượng nhất thời mà cần xem xét tình hình kinh tế một cách nghiêm túc do nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên không thể bền vững, để điều chỉnh tỷ lệ thu ngân sách/GRDP về mức hợp lý, phù hợp, thích ứng hơn theo quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế. Hiện tại, Quảng Nam không thể trông chờ vào các khoản tăng thu đột biến, nên chỉ có thể trông chờ vào khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Nhưng phụ thuộc vào ô tô, thủy điện hay bia chưa hẳn là điều tốt khi lệ thuộc vào sự cạnh tranh của thị trường và bất ổn của thời tiết. Sự thiếu bền vững này chỉ rõ thu ngân sách chưa thực sự bắt nguồn từ năng lực nội sinh của nền kinh tế Quảng Nam. Việc tháo nút từ khu vực sản xuất, nơi tạo ra của cải cho nền kinh tế chính là mấu chốt phát triển nhưng hiện tại chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để gia tăng đều ở các khu vực. Sự phát triển vùng đông với 6 nhóm ngành, các nhà đầu tư lớn đã tạo ra sức lan tỏa. Nhưng viễn cảnh phát sinh “chia lửa” cho các dự án cũ như các dự án phát sinh từ khai thác mỏ khí cá voi xanh, đô thị sân bay Chu Lai… vẫn chưa thành hiện thực.
Ông Lê Mai Khắc Hưng – Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho hay giải pháp căn cơ, bền vững ngân sách vẫn là sự vận hành cơ chế, chính sách hướng đến tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư thêm dự án và nuôi dưỡng nguồn thu...