Tham vọng của NASA trên mặt trăng

AN TRƯƠNG 30/09/2020 17:10

(QNO) - Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tiết lộ giai đoạn đầu trong kế hoạch tiếp cận mặt trăng vào năm 2024.

Phi hành gia Mỹ Buzz Aldrin, bước đi trên bề mặt mặt trăng năm 1969. Ảnh: NASA
Phi hành gia Mỹ Buzz Aldrin bước đi trên bề mặt mặt trăng năm 1969. Ảnh: NASA

Người phụ nữ đầu tiên lên mặt trăng

Kế hoạch Artemis, đặt theo tên nữ thần mặt trăng trong thần thoại Hy Lạp và là chị em sinh đôi của Apollo, đã được công bố từ hồi tháng 4.2020. Tuy nhiên phải đến cuối tháng 9, bản phác thảo giai đoạn đầu của kế hoạch mới được tiết lộ. Theo đó, NASA kêu gọi 28 tỷ USD tài trợ cho kế hoạch dài 5 năm và tuyên bố sẽ đưa người phụ nữ đầu tiên lên mặt trăng sau khi tuyển 6 phụ nữ trong tổng số 13 phi hành gia tham gia dự án.

Năm 2021, NASA đặt mục tiêu thực hiện chuyến đi đầu tiên nhưng không có phi hành đoàn. Ba năm sau đó, nghĩa là sau hơn 50 năm kể từ chuyến đi của tàu Apollo năm 1972, con người ​​sẽ lại quay trở lại mặt trăng vào năm 2024.

Các phi hành gia sẽ đổ bộ ở cực nam của mặt trăng, nơi có lượng nước đóng băng dồi dào. Tàu đổ bộ do các công ty SpaceX, Blue Origin và Dynetics thiết kế. Tàu sẽ được đưa vào không gian bởi hệ thống Phóng không gian (SLS) do NASA đầu tư 11,9 tỷ USD, có thể xem là tên lửa mạnh nhất thế giới.

NASA kỳ vọng sẽ hiện diện lâu dài ở mặt trăng thông qua một trạm không gian đặt trên quỹ đạo mặt trăng được gọi là Cổng mặt trăng. Đây sẽ là nơi các phi hành gia làm việc, sinh hoạt; thậm chí nó có thể hoạt động độc lập để tiến hành thí nghiệm khi các phi hành gia đang thăm dò ở mặt trăng. Các bộ phận của cổng đang được hợp tác sản xuất bởi Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và Cơ quan Vũ trụ Canada.

Các phi hành gia sẽ làm việc cùng với robot để tìm kiếm và khai thác nước, oxy trên mặt trăng. Ảnh: Getty Images.
Các phi hành gia sẽ làm việc cùng với robot để tìm kiếm và khai thác nước, ô xy trên mặt trăng. Ảnh: Getty Images

Không chỉ lấy mặt trăng làm mục tiêu, NASA còn kỳ vọng kế hoạch Artemis sẽ là bước đệm tốt để con người đặt những bước chân đầu tiên lên sao hỏa. Các phi hành gia sẽ làm việc cùng với robot để tìm kiếm và khai thác nước lẫn ô xy - các nguồn tài nguyên có thể chuyển đổi thành nhiên liệu cho việc phóng tên lửa trực tiếp từ mặt trăng. Với nhiều sự cải tiến về trang phục, các phi hành gia được cho là sẽ di chuyển nhiều hơn để khám phá những khu vực mới trên mặt trăng.

“Với sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội, việc đưa con người lên mặt trăng trong thế kỷ 21 nằm trong tầm tay của Mỹ” - quản trị viên NASA - ông Jim Bridenstine khẳng định cam kết của cơ quan vũ trụ Mỹ đối với Artemis.

Mỹ quyết lấy lại vị thế

Nhiều năm qua, Mỹ tỏ ra hụt hơi so với Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực khám phá không gian. Sau những thất bại nghiêm trọng với chương trình “Tàu con thoi”, Mỹ buộc phải “quá giang” tàu con thoi của Nga để lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong hơn 10 năm với chi phí lên đến hàng tỷ đô. Mặc dù sự phụ thuộc này là điều không hề mong muốn nhưng Mỹ buộc phải chi tiền vì không thể gián đoạn sự hiện diện ở ISS.

Từ năm 2014, NASA đã đầu tư gần 7 tỷ USD vào Boeing và SpaceX với mong muốn tự phát triển tàu con thoi. Tháng 5.2020, SpaceX đưa thành công 2 phi hành gia lên ISS bằng tên lửa Falcon 9 và tàu vũ trụ Crew Dragon 2, giúp NASA chấm dứt thập kỷ lệ thuộc vào Nga.

SpaceX đưa thành công hai phi hành gia lên ISS bằng tên lửa Falcon 9 và tàu vũ trụ Crew Dragon 2. Ảnh: NASA
SpaceX đưa thành công 2 phi hành gia lên ISS bằng tên lửa Falcon 9 và tàu vũ trụ Crew Dragon 2. Ảnh: NASA

Tháng 12.2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký chỉ thị “Chính sách không gian 1” thúc giục NASA đưa con người lên “thăm dò và sử dụng lâu dài” mặt trăng cũng như đặt chân đến những hành tinh khác. Mỹ cho rằng việc khám phá mặt trăng nhiều hơn sẽ giúp thiết lập sự hiện diện chiến lược trong không gian và phát triển quan hệ với các đối tác quốc tế.

Với mong muốn đảm bảo tính minh bạch và hòa bình trong không gian vũ trụ, tạo thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế và khuyến khích khai thác tài nguyên mặt trăng bền vững, NASA đã xây dựng Hiệp định Artemis như một phần của kế hoạch Artemis. “Cần thiết phải thiết lập một bộ nguyên tắc chung để điều phối các hoạt động thăm dò và khai thác vụ trụ giữa các quốc gia và những tập đoàn tư nhân đang hoạt động trong không gian” - NASA tuyên bố.

Hiệp định yêu cầu các hoạt động của các quốc gia trong không gian cần sự tương tác với nhau, dữ liệu khoa học cần được chia sẻ và cam kết hỗ trợ lẫn nhau khi gặp sự cố khẩn cấp. NASA dự định áp dụng các nguyên tắc này với các quốc gia đã có thoả thuận hợp tác song phương, như một “công cụ pháp lý” đã được hợp thức hóa.

Nhiều nhà khoa học Trung Quốc đã thể hiện sự không đồng tình với hiệp định này vì nó xuất hiện sau khi Trung Quốc thử nghiệm thành công tàu Long March 5B, một cột mốc quan trọng đối với các chương trình bay có người lái của Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, hành động của Mỹ đã gián tiếp “tuyên bố chủ quyền” cho mặt trăng lẫn vũ trụ, tài sản chung của nhân loại và cản bước các quốc gia khác tiếp cận vũ trụ.

Đối với an ninh quốc gia trong thời đại công nghệ 4.0, vũ trụ có thể xem là mặt trận chiến lược. Việc các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp hay Nhật Bản liên tiếp thành lập lực lượng quân sự vũ trụ, phát triển nhiều loại thiết bị mới cho thấy sự cạnh tranh gắt gao trong tham vọng làm chủ không gian. Khi trái đất dần trở nên chật chội, vũ trụ chắc chắn sẽ là điểm đến tiếp theo mà con người tìm đến vì thế việc đặt ra những nguyên tắc, luật lệ trong khai thác vũ trụ là điều vô cùng cần thiết và cấp bách.

AN TRƯƠNG