Hỗ trợ điều trị bệnh từ công nghệ số

LÊ QUÂN 30/09/2020 09:45

Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Nam có 12 cơ sở y tế đăng ký cùng tham gia hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth trên toàn quốc. Đây là cơ hội cho bệnh nhân của Quảng Nam được chữa bệnh với bác sĩ tuyến trung ương, tuyến trên.

Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam nhận được sự hỗ trợ từ các bệnh viện tuyến Trung ương trong hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Ảnh: B.V
Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam nhận được sự hỗ trợ từ các bệnh viện tuyến Trung ương trong hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Ảnh: B.V

Hội chẩn trực tuyến

Một ngày cuối tháng 8, tại Bệnh viện (BV) Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, các bác sĩ tiếp nhận ca bệnh khá nghiêm trọng, kết quả xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang ghi nhận bệnh nhân đã mắc viêm não tự miễn. Ngay lập tức, các bác sĩ của BV yêu cầu sự giúp sức từ các BV tuyến trung ương, đặc biệt là những cơ sở y tế đã có kinh nghiệm trong điều trị căn bệnh này. Chừng hơn một tiếng sau, các bác sĩ của BV Bạch Mai đã kết nối cùng đội ngũ của BV Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc, đưa ra những cách thức điều trị thích hợp với hiện trạng bệnh nhân. Bằng công nghệ truyền dẫn hình ảnh hiện đại, thông qua Telehealth, các bác sĩ tại BV Bạch Mai đã hướng dẫn các đồng nghiệp tuyến dưới thực hiện các phác đồ điều trị, đồng thời chỉ đạo và thực hiện đánh giá ngay trên hệ thống.

Ông Tô Mười – Giám đốc BV Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cho biết, đây cũng là ca bệnh đầu tiên BV thực hiện hội chẩn từ xa cùng các chuyên gia đầu ngành. Nằm trong đề án khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế, BV Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc là tuyến dưới nhận được hỗ trợ từ BV Bạch Mai, BV Tim Hà Nội, BV Tai mũi họng Trung ương.

Hệ thống 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa Telehealth vừa khánh thành là bước cuối cùng trong đề án khám chữa bệnh từ xa do Bộ Y tế ban hành hồi tháng 6. Theo đó, Đề án “Khám chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “chất lượng khám chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, tăng cường năng lực chuyên môn của các BV tuyến dưới, đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn”. Từ vài tháng nay, những hỗ trợ thông qua “Telehealth” - hệ thống khám chữa bệnh và hội chẩn trực tuyến cùng lúc có nhiều điểm cầu tham gia (do Bộ Y tế triển khai) đã có những hiệu quả nhất định.

Ông Mai Văn Mười – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hình thức khám chữa bệnh từ xa của đề án là thông qua nền tảng công nghệ thông tin (hệ thống Telehealth do Tập đoàn Viettel phát triển), các cơ sở y tế tuyến dưới được hỗ trợ chuyên môn định kỳ và đột xuất từ các BV tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Theo đó, các BV tuyến trên sẽ thực hiện giao ban trực tuyến định kỳ với BV tuyến dưới. Thông qua hình thức giao ban này, các BV tuyến trên sẽ có những hướng dẫn, hỗ trợ và điều chỉnh kịp thời về mặt chuyên môn trong công tác khám chữa bệnh. Đồng thời thực hiện hội chẩn các ca bệnh nặng, ca khó chẩn đoán, vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới qua hệ thống Telehealth và sẽ hỗ trợ tuyến dưới các phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân.

Nâng cao chất lượng tuyến dưới

Ứng dụng Telehealth trong công tác tư vấn, khám chữa bệnh từ xa không chỉ giúp tiết kiệm thời gian cho người dân, bác sĩ mà còn giúp các bác sĩ có thể dễ dàng trao đổi, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn. Đặc biệt, một trong những yếu tố quan trọng trong triển khai Telehealth là đường truyền tốt, đảm bảo chất lượng hình ảnh cho các trung tâm theo dõi rõ nét, đánh giá tổn thương, chẩn đoán chính xác để đưa ra các phương án điều trị phù hợp. Hiện tại Quảng Nam đã có 12 cơ sở y tế đăng ký tham gia hệ thống, trong đó ngoài sự hỗ trợ của BV tuyến trung ương, các BV tuyến tỉnh cùng tham gia hỗ trợ cho một số Trung tâm Y tế như Phước Sơn, Nam Trà My, Nông Sơn.

Ông Vũ Đình Hà - Giám đốc Khách hàng Viettel Quảng Nam cho biết, về yêu cầu kết nối, mỗi đơn vị cần có 1 phòng họp để tiến hành hội chẩn và khám chữa bệnh từ xa. “Về mặt phần cứng thì chỉ cần thiết bị codex và màn hình hiển thị để kết nối vào hệ thống khám chữa bệnh từ xa mà Viettel đang vận hành toàn quốc. Dự kiến vào tháng 10, các cơ sở y tế đăng ký tham gia đề án của Quảng Nam sẽ được chúng tôi tiến hành lắp đặt thiết bị” - ông Vũ Đình Hà nói. 

Đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở như đưa y bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới “cầm tay chỉ việc”, đào tạo liên tục để cải thiện chất lượng chuyên môn. Năm 2020 cũng là năm kết thúc dự án BV vệ tinh của BV Đa khoa tỉnh và BV Đa khoa Trung ương Huế (giai đoạn 2013 - 2020). Đây là dự án nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh của BV Đa khoa tỉnh trong các lĩnh vực ngoại chấn thương, tim mạch và ung bướu thông qua hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, kết nối với các BV trong và ngoài nước để trao đổi thông tin về chuyển tuyến, đào tạo, hội chẩn, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao và góp phần giảm quá tải BV tuyến trên. Hiện tại, sau khi kết thúc đề án BV vệ tinh, BV Đa khoa tỉnh tiếp tục tham gia đề án chữa bệnh từ xa, trong đó ngoài việc nhận hỗ trợ từ các BV trung ương, BV Đa khoa tỉnh sẽ hỗ trợ lại cho các trung tâm y tế, BV hạng 3...

Sau khi vận hành hệ thống 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống, tiến tới 14.000 cơ sở y tế hiện có đều có thể tham gia khám chữa bệnh từ xa.

LÊ QUÂN