Hơn 1 triệu ca tử vong do Covid-19 trên thế giới
(QNO) - Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc vào cuối năm 2019, vi rút corona mới gây đại dịch Covid-19 đến nay cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người trong số hơn 33,2 triệu ca nhiễm trên toàn cầu.
Trong đó, Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất do Covid-19. Tính đến sáng nay 28.9, Mỹ ghi nhận hơn 7,3 triệu ca mắc bệnh, trong đó gần 210 nghìn ca tử vong, Ấn Độ với hơn 6,07 triệu ca mắc, trong đó gần 96 nghìn ca không qua khỏi và Brazil báo cáo hơn 4,73 triệu ca mắc khiến gần 142 nghìn ca tử vong.
Cuối tuần qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số người tử vong toàn cầu vì đại dịch Covid-19 có thể tăng lên tới 2 triệu trước khi thế giới lưu hành rộng rãi vắc xin phòng chống vi rút corona mới. Cạnh đó, Tổng giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tái khẳng định nguồn gốc của vi rút corona mới (SARS-CoV-2) “xuất phát từ tự nhiên”. WHO đồng thời thông báo châu Phi đã thoát khỏi giai đoạn đỉnh dịch.
Trong khi đó, châu Âu - khu vực từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng đầu tiên của đại dịch, nay phải đối mặt với một làn sóng mới khi Paris, London và Madrid... đều buộc phải áp dụng biện pháp kiểm soát mới khi các ca bệnh tăng mạnh trở lại, đe dọa quá tải bệnh viện.
Nga - quốc gia tuyên bố phát triển thành công vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới đang chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh trong những ngày gần đây, nhất là tại thủ đô Moscow. Đến nay, Nga có gần 1,2 triệu ca nhiễm với 20 nghìn trường hợp tử vong do Covid-19. Từ ngày 28.9, Moscow trở lại với một phần hạn chế cách ly chống dịch Covid-19.
Các nhà khoa học cho rằng, khả năng lây lây nhiễm nhanh của corona ở những người không có dấu hiệu của bệnh khiến các biện pháp xét nghiệm chẩn đoán và ngăn chặn bệnh diễn ra rất khó khăn.
Khẩu trang và đảm bảo khoảng cách an toàn trong các cửa hàng, quán cà phê và phương tiện giao thông công cộng hiện là một phần của cuộc sống hàng ngày ở nhiều thành phố tại châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Cùng với các biện pháp trên và việc phát triển thành công và lưu hành rộng rãi vắc xin Covid-19, đại dịch mới mau chóng được kết thúc.
Với việc các nhà khoa học vẫn đang chạy đua để phát triển và lưu hành đại trà vắc xin Covid-19, các chính phủ một lần nữa buộc phải thực hiện mục tiêu kép với các biện pháp kiểm soát tốt Covid-19 và vực dậy nền kinh tế đất nước.
Dù còn nhiều thách thức trước Covid-19 như hàng trăm triệu lao động mất việc do đại dịch, các dự báo được đăng tải trên tờ Wall Street Journal (Mỹ) cho biết thương mại toàn cầu đang hồi phục nhanh hơn so với thời hậu khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng vừa nhận định triển vọng kinh tế thế giới hiện sáng sủa hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 6 vừa qua.
Tuy nhiên, theo Bloomberge, đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại lên tới 35,3 nghìn tỷ USD cho đến năm 2025, trong đó có yếu tố bắt nguồn từ mô hình thay đổi chi tiêu của người dân.