"Yêu nước thì phải thi đua"

P.V 28/09/2020 05:44

“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (Hồ Chí Minh). Nhân Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VIII (2020 - 2025), Báo Quảng Nam giới thiệu một số gương trong rất nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện ở phong trào thi đua yêu nước của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Nhiều sáng kiến kỹ thuật của anh Trần Văn Minh làm lợi hàng trăm triệu đồng cho công ty mỗi năm. Ảnh: M.V
Nhiều sáng kiến kỹ thuật của anh Trần Văn Minh làm lợi hàng trăm triệu đồng cho công ty mỗi năm. Ảnh: M.V

CỐ GẮNG HẾT MÌNH TRONG TỪNG PHẦN VIỆC

Từ thực tiễn lao động sản xuất, anh Trần Văn Minh - công nhân Công ty CP May Núi Thành (huyện Núi Thành) đã có nhiều sáng kiến, giải pháp góp phần cải tiến hiệu suất làm việc và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sáng tạo trong lao động

Hôm nay 28.9, UBND tỉnh tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VIII (2020 - 2025). Đại hội nhằm biểu dương thành quả chung của phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc tiêu biểu của tỉnh, ngành, địa phương, đặc biệt là các mô hình mới, nhân tố mới. Qua đó khơi dậy, cổ vũ sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy mạnh mẽ nội lực, tạo động lực mới để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng ngành, từng cấp, từng địa phương trong kế hoạch 5 năm tiếp theo...

Dịp này, Thanh tra tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba và 6 cá nhân được nhận Huân chương Lao động; 7 tập thể nhận Cờ thi đua của Chính phủ và 7 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; UBND tỉnh tuyên dương, tặng Cờ thi đua cho 7 tập thể và tặng Bằng khen 23 tập thể, 22 cá nhân.

Là Tổ trưởng Tổ cơ điện của Công ty CP May Núi Thành, anh Trần Văn Minh không ngừng nghiên cứu, tìm cách cải tiến kỹ thuật trong công việc. Anh bảo, xu thế phát triển của công nghệ đòi hỏi phải tự tìm tòi, nắm bắt, tìm cách đón đầu. Thời gian đầu, anh tìm cách tiếp cận, mày mò học hỏi, lĩnh hội và tổ chức triển khai vận hành các loại máy móc, trang thiết bị “công nghệ 4.0” được công ty đầu tư để ứng dụng trong quy trình sản xuất, như hệ thống máy may lập trình và các loại máy điện tử chuyên dụng khác. Mặt khác, nắm bắt được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về chất lượng sản phẩm, tình hình thực tế về sự cạnh tranh trong đơn giá gia công, kết cấu sản phẩm và thị hiếu khách hàng, anh trăn trở tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật.

“Mong muốn nâng cao hiệu suất làm việc, cải thiện chất lượng sản phẩm thôi thúc mình phải liên tục tư duy, suy nghĩ, tìm cách khắc phục những điều còn chưa tốt. Sáng kiến đầu tiên của tôi là chế tạo rập nhựa may dây kéo tà áo. Đối với các sản phẩm may mặc nói chung và quá trình may áo Jacket nói riêng, tra dây kéo tà áo là một trong những công đoạn chính. Với cách may truyền thống như trước đây, chất lượng sản phẩm chỉ đạt ở mức độ trung bình, không đồng đều, nhiều sản phẩm bị lỗi, năng suất lao động bị ảnh hưởng. Nhưng kể từ năm 2015 cho đến nay, sáng kiến của tôi được áp dụng rộng rãi trong toàn công ty làm cho chất lượng sản phẩm đạt cao hơn, đồng đều, ít sản phẩm bị lỗi và đạt năng suất gấp 2 lần, làm lợi cho công ty hơn 600 triệu đồng mỗi năm. Tiếp đến, tôi tạo ra cữ may thun bo lai áo Jacket. Sáng kiến này đã khắc phục tối đa sản phẩm bị lỗi do sụp thun, cho thông số bo lai đúng theo yêu cầu, cải thiện đáng kể những hạn chế trước đó và năng suất tăng lên gấp 1,5 lần, làm lợi cho công ty xấp xỉ 300 triệu đồng mỗi năm” - anh Minh chia sẻ.

Tận tụy với công việc

Sự cần mẫn của anh Trần Văn Minh đã tạo được niềm tin ở đông đảo đồng nghiệp trong công ty. Anh được chi ủy, ban lãnh đạo công ty và đồng nghiệp tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Tại đơn vị, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05 về học tập và làm theo gương Bác Hồ được anh Minh triển khai cụ thể hóa qua các bản đăng ký tu dưỡng, rèn luyện hàng năm, gắn với nhiệm vụ, công việc của mỗi cá nhân.

Nỗ lực vì mục tiêu “củng cố, ổn định và phát triển doanh nghiệp” trên cơ sở kết hợp hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước, anh Minh góp phần tuyên truyền hữu hiệu để các chính sách, chủ trương, pháp luật về bảo vệ, chăm lo đời sống người lao động đến với đông đảo cán bộ, nhân viên công ty. Những ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, anh chủ động phối hợp với ban lãnh đạo công ty triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch trong môi trường làm việc, bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên. Ở công ty, anh còn “gánh” thêm vai trò Đội trưởng Đội phòng cháy chữa cháy, Trưởng ban An toàn vệ sinh lao động. Dù phải kiêm nhiệm nhiều trọng trách, nhưng ở vai trò, vị trí nào, anh Minh cũng nỗ lực làm tròn trách nhiệm.

Nhiều năm liền được bầu chọn là công nhân tiêu biểu, quản lý tổ cơ điện tốt, cùng nhiều giấy khen, bằng khen, bảng thành tích của anh Trần Văn Minh dày thêm bằng quá trình cống hiến, tận tụy của mình. Gần đây nhất, năm 2019, anh được UBND tỉnh tặng Giải thưởng Huỳnh Ngọc Huệ lần thứ I và vinh dự được Ban Thường vụ Liên đoàn lao động tỉnh chọn là công nhân tiêu biểu xuất sắc điển hình.

“Tôi đã luôn cố gắng hết mình trong từng phần việc. Có lẽ vì thế mà ban lãnh đạo, đồng nghiệp tin tưởng và luôn giúp sức để tôi có điều kiện hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Tôi cảm thấy may mắn khi có được sự đồng hành, tin tưởng và giúp đỡ của mọi người trong công ty. Đó là động lực quan trọng nhất để tôi hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình” - anh Trần Văn Minh chia sẻ. (THÀNH CÔNG)

THÍCH NGHI ĐỂ PHÁT TRIỂN

Trải qua 42 năm với nhiều giai đoạn chuyển đổi loại hình, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Điện Ngọc I (Điện Bàn) đã có những sự thích nghi tốt với xu thế sản xuất, kinh doanh hiện đại, duy trì hoạt động hiệu quả.

Xác định vai trò “bà đỡ cho nông dân”, thời gian qua, HTX nông nghiệp Điện Ngọc I đã triển khai hiệu quả dịch vụ bảo vệ thực vật (mỗi vụ xã viên gieo sạ 135ha lúa, tập trung ở 4 khối phố) bằng việc thành lập hẳn đội ngũ kỹ thuật gồm 9 thành viên, chịu trách nhiệm theo dõi thường xuyên và kịp thời phun trừ dịch hại trên các đồng lúa. Nhờ đó, năng suất lúa tăng từ 105 tạ/ha năm 2015 lên 115 tạ/ha năm 2019, tránh được mất mùa do sâu bệnh.

“Hàng năm chúng tôi chỉ thu phí dịch vụ của xã viên 189 triệu đồng, số tiền này không đủ trang trải chi phí công lao động cho đội ngũ kỹ thuật, tiền mua thuốc bảo vệ thực vật và sắm các trang thiết bị. Tuy nhiên, HTX xác định duy trì mô hình, vì đây là gói dịch vụ rất hữu ích, thể hiện rõ vai trò “bà đỡ” cho nông dân” - ông Phạm Kiệt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Ngọc I cho hay.

Song song với lĩnh vực nông nghiệp, HTX đã đón đầu xu thế đô thị hóa của địa phương, tìm cách đổi mới, đa dạng hóa loại hình sản xuất kinh doanh. Đơn vị sớm đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu và tổ chức hoạt động dịch vụ cung ứng xăng dầu, giải quyết việc làm ổn định cho 7 lao động. Đây là hình thức kinh doanh mang lại nguồn thu rất lớn cho HTX và tạo điều kiện cho thành viên mua nợ nhiên liệu để phục vụ các loại hình sản xuất khác.

Riêng năm 2019, đơn vị bán ra hơn 1,6 triệu lít xăng dầu với tổng doanh thu hơn 28,5 tỷ đồng. HTX còn đầu tư kinh doanh điện năng. Bên cạnh 2 trạm biến áp 560kVA và 250kVA tại khối phố Viêm Trung, Ngân Hà do Nhà nước quản lý, HTX đầu tư trạm biến áp 250KVA tại khối phố Ngân Giang với kinh phí 550 triệu đồng và trạm biến áp 400kVA ở khối phố Ngân Câu với kinh phí 650 triệu, kéo gần 13km đường dây hạ thế để truyền tải điện. Năm 2019, HTX cung ứng hơn 5 triệu kWh điện cho 1.970 khách hàng, doanh thu hơn 10 tỷ đồng.

Hiện nay, HTX liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa với Công ty CP Giống cây trồng miền Nam, cho thuê nhà xưởng làm cơ sở in hoa trên vải và kinh doanh ăn uống tại nhà máy nước Ngân Hà. Mỗi năm, HTX đóng góp thuế cho Nhà nước xấp xỉ 200 triệu đồng, hơn 100 triệu đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn cho 100% người lao động.

“Nhạy bén, kịp thời đổi mới tư duy trong sản xuất kinh doanh, thích nghi với sự thay đổi trong nền kinh tế thị trường như hiện nay là bài học kinh nghiệm quan trọng của HTX Nông nghiệp Điện Ngọc I. Cùng với sự đoàn kết, thống nhất, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, HTX đặt lợi ích chung lên trên hết, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho nông dân, tổ chức được liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng từ sản xuất nhỏ lẻ lên sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, tiếp tục duy trì và phát triển bền vững” - ông Phạm Kiệt nói. (P.GIANG)

NHƯ NGỌN THÁC REO VUI...

Người ta nói về ông, về những gì ông đóng góp cho quê hương hệt như ngọn thác róc rách chảy theo nhịp vui giữa rừng già. 

Ông Pố với bản vẽ “để đời” về họa tiết trên cột X’nur Cơ Tu cổ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Ông Pố với bản vẽ “để đời” về họa tiết trên cột X’nur Cơ Tu cổ. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông là Bh’riu Pố (71 tuổi, trú thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang) - người được biết đến với xưng danh “Vua ba kích”. Nhưng những gì ông làm cho người Cơ Tu còn hơn thế. Ông từng là giáo viên, là người Cơ Tu đầu tiên có bằng đại học.

“Mình phải thoát nghèo trước”

Hơn 40 năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Pố trở về làng. Không cam chịu đói nghèo, sau những ngày đứng lớp, ông lại ngược núi để tìm loại cây “thuốc giấu” của đồng bào miền núi vốn đã thất truyền. Và cũng chính ông, sau này mới biết đó là ba kích. Vốn tốt nghiệp Khoa Sinh vật (Trường Đại học Thái Nguyên), lại ham tìm hiểu các bài thuốc từ sách báo, ông Pố nắm rất rõ về những vị thuốc dân gian truyền thống.

“Ngày đó, khi cái nghèo, cái đói vẫn còn ám ảnh trong từng giấc ngủ của bà con, tôi đã suy nghĩ làm thế nào để chuyển đổi phương thức sản xuất cho hiệu quả. Tôi quyết định gom hết tài sản dành dụm của gia đình để mua cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” do Giáo sư Đỗ Tất Lợi biên soạn về nghiên cứu. Đây thực sự là một quyết định liều lĩnh lúc bấy giờ, vì cái đói trước mắt không lo lại lo đi mua sách” - ông Pố nói về cơ duyên để ông trở thành “Vua ba kích” như bây giờ.

Nhưng có lẽ chính quyết định này, cộng với những kiến thức đã được học tại trường đại học và sự giúp đỡ của TS. Ngô Trại (thuộc Viện Giống cây trồng quốc gia) đã giúp ông trở thành người đầu tiên ở Quảng Nam làm giàu từ sâm ba kích. Hiện gia đình ông đã có trong tay trang trại dược liệu rộng gần 3ha dưới chân núi Adương với hơn 5.000 cây ba kích cho thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 350 triệu đồng. Cách đây vài năm, ông từng đại diện Quảng Nam tham dự Hội nghị Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc.

“Tôi đã làm được và thành công từ ba kích, nên quay lại giúp đỡ bà con dân làng về cách trồng, chăm sóc cây dược liệu này. Ba kích rất dễ trồng, nhưng mình phải làm trước, phải thoát nghèo trước thì bà con mới nghe theo. Sau này, ngoài cây ba kích, gia đình tôi còn mở rộng diện tích vườn đồi để xây dựng mô hình kinh tế trang trại, kết hợp trồng thêm nhiều loại cây ăn quả như bưởi, quýt, cam, cây tr’đin, tà - vạc… Đồng thời cải tạo khe suối làm ao nuôi cá với diện tích 1.500m2, chăn nuôi bồ câu, bò và các loại gia cầm khác” - ông Pố cho biết thêm.

Giữ gìn văn hóa truyền thống

Ngoài biệt danh “Vua ba kích”, ông Pố còn được người ta nhắc đến là nghệ nhân ưu tú của dân làng. Ông làm tất tần tật mọi thứ, từ truyền dạy nói lý - hát lý, điêu khắc, cho đến tham gia dựng gươl, phục hồi họa tiết trụ x’nur (cây nêu) truyền thống...

Năm 2017, ông được các già làng đề cử làm người thiết kế và chỉ huy đội nghệ nhân phục dựng cây nêu truyền thống của đồng bào Cơ Tu nhân sự kiện Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI. Với trách nhiệm của người chỉ huy, ông nghiên cứu rất kỹ từng chi tiết đảm bảo nguyên bản nhất theo sự “thẩm định” của các già làng. Những hình ảnh về thiếu nữ say điệu da dá, về cánh hoa đh’lôm bung nở giữa rừng và cả hoạt cảnh nhịp chày trong mùa vàng trên cánh rẫy… được ông khắc họa trên từng thân cột thiêng như một thứ tài sản vô giá dành lại cho cháu con.

“Văn hóa là cái gốc, là “dây chuyền vàng” mang những giá trị lịch sử quý báu của dân tộc được cha ông dày công xây dựng, vun đắp, nên bằng mọi giá phải giữ lấy. Đó cũng là trách nhiệm của bản thân với cộng đồng” - ông Pố tâm sự.

Ông Palăng Bưng - Phó Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Tây Giang cho biết, đến nay ông Pố đã có hơn 200 tác phẩm điêu khắc mang âm hưởng đời sống tâm linh của đồng bào Cơ Tu, bao gồm các tượng, phù điêu, cột lễ... Đặc biệt, ông cùng các nghệ nhân, già làng trên địa bàn huyện phục dựng thành công nhà sàn truyền thống, nhà dài và gươl cộng đồng, phục dựng cây nêu Cơ Tu nguyên bản tại Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu của huyện.

“Bằng các tác phẩm điêu khắc của mình, ông Pố đã góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống đến với du khách trong và ngoài nước. Nhờ vậy, văn hóa Cơ Tu càng được nhiều người biết đến” - ông Bưng nói. (ALĂNG NGƯỚC)

TẤM LÒNG CỦA NGƯỜI “CHO CHỮ”

Hơn 32 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Nguyễn Thị Kim Hà (Trường THCS Lê Lợi, TP.Tam Kỳ) đã dành tất cả tâm huyết, lòng say mê, cống hiến hết mình cho nghề giáo và các thế hệ học trò thân yêu. 

Cô Nguyễn Thị Kim Hà. Ảnh: VINH ANH
Cô Nguyễn Thị Kim Hà. Ảnh: VINH ANH

Với những đóng góp của mình cho giáo dục, cô Nguyễn Thị Kim Hà vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” vào năm 2020.

Thương trò nghèo

“Cả cuộc đời gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn Thị Kim Hà dồn hết tâm huyết, kiến thức truyền cho học trò. Bản thân cô luôn hòa đồng, giúp đỡ đồng nghiệp; có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục, được cấp trên nhiều lần khen thưởng, nhất là trong các kỳ thi học sinh giỏi, thi các môn thí nghiệm...”. 

(Thầy Đinh Thế Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi)

Cả cuộc đời theo nghề giáo, cô Hà dành trọn cho học trò vùng Đông, từ Trường cấp II - Bình Dương, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ - Bình Nam (Thăng Bình) đến THCS Lê Lợi - Tam Thăng (TP.Tam Kỳ). Không chỉ trao truyền kiến thức, cô còn dành cả sự yêu thương, chăm sóc với tâm niệm “cô giáo như mẹ hiền”. Cô Kim Hà tâm sự, quãng đời dạy học gắn liền với hầu hết học trò nghèo vùng cát. Chứng kiến học trò dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng ý chí học tập chưa bao giờ sụt giảm, nhiều lần cô trích những đồng lương ít ỏi của mình để mua sách vở, dụng cụ học tập, quần áo và bảo hiểm y tế cho học trò.

“Năm học 1993 - 1994, tôi làm chủ nhiệm lớp 5/1, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Lớp có quá nhiều học sinh yếu, trong khi đó lại là năm có thi tốt nghiệp tiểu học. Qua nhiều đêm trăn trở, tôi bàn với chồng và liên hệ lấy ý kiến thống nhất của phụ huynh để đi đến quyết định “mỗi buổi chiều, sau khi tan học, tôi sẽ chở một học sinh yếu về nhà để kèm cặp”. Nhờ vậy, chất lượng học tập của lớp ngày càng được nâng lên” - cô Hà kể. 

Khi chuyển về dạy tại Trường cấp II Tam Thăng - năm 1994 (nay là Trường THCS Lê Lợi, TP.Tam Kỳ), cô Hà quyết định mở lớp học tình thương tại nhà cho các em yêu thích, đam mê bộ môn Sinh học. Qua đó giúp các em có được kiến thức vững chắc, tự tin hơn để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, thi vào các trường chuyên.

Cô Hà chia sẻ: “Lúc đầu tôi chỉ kèm cho vài học sinh nghèo ở Trường THCS Lê Lợi. Nhưng sau đó phụ huynh các trường lân cận ở Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình nghe tin, đã dẫn con đến gửi học... Gia đình phải xây một phòng học cạnh nhà để giúp các em có chỗ ngồi thoải mái hơn”. 

Tâm thế của người “cho chữ” 

Lớp học tình thương của cô Hà duy trì đến nay đã hơn 15 năm. Biết bao thế hệ học trò đã đi qua. Nhiều em đạt thành tích cao tại các cuộc thi học sinh giỏi, thi đỗ vào các trường đại học hàng đầu. Nhiều người bây giờ trở thành bác sĩ, giáo viên… Chỉ riêng năm học 2019 - 2020, học trò từ lớp học tình thương của cô Hà đã giành được 5 giải học sinh giỏi cấp tỉnh; 6 em thi đậu vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ) và Trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn (Đà Nẵng). Đó là điều cô luôn tự hào, hạnh phúc, và lấy làm động lực để cố gắng.

“Mục đích mở lớp của tôi hoàn toàn là vì giúp trò nghèo. Tôi không nhận tiền của bất kỳ phụ huynh nào. Mình có cái chữ là để cho chứ không phải để bán. Nếu để học sinh phải “mua chữ” thì mau quên. Đổi lại, khi mình “cho chữ” thì học sinh quý lắm. Đó đơn giản là niềm hạnh phúc lớn lao của nghề giáo” - cô Hà trải lòng.

Chỉ còn hơn tháng nữa là cô Hà nghỉ hưu theo quy định. Được nghỉ ngơi nhưng ắt hẳn trong lòng cô không thể vui, vì phải xa trường, xa học trò thân yêu. Chính học trò, nghề giáo đã cho cô những năm tháng sôi nổi, nhiệt huyết, cháy hết mình với nghề. “Tôi quan niệm, dù chỉ còn 1 ngày, 1 tiết hay một phút trên bục giảng thì cũng phải cháy hết mình vì các em. Sau này về hưu, nếu phụ huynh tín nhiệm, học sinh vẫn còn yêu thích thì tôi sẽ duy trì lớp học tình thương” - cô Hà tâm sự. (TÂM ĐAN)

P.V