Công nghệ CCUS giảm khí thải nhà kính
(QNO) - Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, các dự án thu giữ, sử dụng tuần hoàn và lưu trữ khí thải CO2 (CCUS) đóng vai trò quan trọng để thế giới đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Theo IEA, các chính phủ toàn cầu và quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới phải hành động khẩn cấp để phát triển các công nghệ CCUS. Nếu không, thế giới sẽ “hầu như không thể” đạt được các mục tiêu khí hậu.
IEA cho biết, thu giữ khí thải các-bon (CO2) nên cùng với các kế hoạch sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng sinh học và hoán đổi khí giàu mê-tan thành hydro sạch trong các nhà máy, phương tiện giao thông và nhà ở.
Các công nghệ CCUS thường “bẫy” được CO2 từ các nhà máy công nghiêp hoặc nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch trước khi chúng được thải vào khí quyển và góp phần làm nóng toàn cầu.
Sau khi được thu hồi, khí nhà kính sau đó có thể được đưa vào các cơ sở lưu trữ vĩnh viễn dưới lòng đất hoặc bán cho những người mua có thể sử dụng CO2 để sản xuất nhựa dẻo, tăng năng suất cây trồng trong nhà kính hoặc thậm chí làm đồ uống có ga.
Giám đốc điều hành của IEA - Fatih Birol khẳng định, công nghệ CCUS đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các giải pháp thay thế năng lượng sạch hơn. Thậm chí, các chương trình thu giữ CO2 trực tiếp có trong khí quyển để tạo ra các nền kinh tế trung hòa CO2.
Ngày 21.9 vừa qua, Na Uy lên kế hoạch đầu tư 1,6 tỷ euro cho việc thu giữ và lưu trữ CO2, tập trung tại một nhà máy xi măng ở Brevik khi ngành công nghiệp này được xem là nguyên nhân gây ra 7% lượng khí thải CO2 toàn cầu.
Theo đó, nhà máy xi măng Norcem có thể thu được khoảng 400 nghìn tấn CO2, tức bằng một nửa khí CO2 nhà máy này thải ra trong năm ngoái. Na Uy hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu về công nghệ CCUS.
Tương tự, các công ty năng lượng lớn tại Vương quốc Anh đang phát triển các cụm công nghiệp có khả năng thu nhận CO2 để lưu trữ trong các hang động dưới đáy biển Bắc. Trong đó, kế hoạch phát triển dự án CCUS quy mô lớn đầu tiên của đất nước diễn ra vào giữa năm 2020.
Trong 3 năm qua, dự án cho hơn 30 cơ sở CCUS trên thế giới với mục đích thương mại có khoản đầu tư 27 tỷ USD được lập ra. Tuy nhiên, IEA cho rằng, chính phủ và các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng phải làm nhiều hơn nữa để đẩy nhanh quá trình hấp thụ CO2. Thập kỷ tới sẽ rất quan trọng đối với việc triển khai CCUS trên toàn cầu.
CCUS được xem như một công nghệ chủ chốt để đạt được các mục tiêu được Liên hiệp quốc ủng hộ nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này để chống lại biến đổi khí hậu.
Báo cáo trên của IEA được đưa ra trong lúc diễn ra hội nghị (trực tuyến) về phát triển bền vững của Diễn đàn kinh tế thế giới từ ngày 21 - 24.9.2020.