Trắng tay sau lũ dữ
Sau cơn lũ do ảnh hưởng của bão số 5 vừa qua, nhiều tài sản ước hàng tỷ đồng đã bị nhấn chìm, người dân ở huyện miền núi Tây Giang đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tiền tỷ trôi sông
Gần 1 tuần trôi qua, kể từ khi trận lũ xảy ra, hậu quả để lại quá sức tưởng tượng với đồng bào vùng cao Tây Giang. Anh Poloong Huệ (trú ở thôn Achiing, xã A Tiêng, Tây Giang) nói, không ai nghĩ trận lũ này gây thiệt hại lớn đến vậy. Lũ đã cướp đi tài sản tiền tỷ của bà con trong chớp mắt.
Như hộ anh Huệ, đổ dồn công sức, tiền bạc cho trang trại vườn ươm cây giống ngót nghét hơn nửa tỷ đồng. Ít nhất cũng 2/3 trong số đó là tiền vay ngân hàng và bà con chòm xóm. Hợp lực thêm với một người khác ở địa phương, cuối năm 2019, anh Huệ góp vốn bắt tay xây dựng mô hình trang trại ươm giống cây dược liệu, chủ yếu là quế Trà My và ba kích tím để cung ứng cho nhu cầu phát triển của bà con lân cận. Sau gần 1 năm triển khai, hơn 70.000 cây giống được ươm mầm đảm bảo chất lượng, chuẩn bị xuất bán vào cuối năm nay. Nào ngờ, trận lũ vừa qua đã cuốn trôi, vùi lấp toàn bộ trang trại. “Coi như mình trắng tay. Lũ đến đột ngột quá nên mình bất ngờ. Hơn nữa, chỗ trang trại này là đồi đất cao nên cũng không nghĩ lũ có khả năng ập tới” - anh Huệ chia sẻ.
Hôm xảy ra trận lũ quét, anh Huệ đang cùng mọi người tham gia di dời một số đồ đạc bên trong ngôi nhà hàng xóm bị ngập lụt. Khi xong, trở về thì thấy trang trại đã ngập sâu trong biển nước. Lũ cuồn cuộn, chảy xiết, cuốn trôi mọi thứ. Anh Huệ và người thân chỉ còn biết nhìn bất lực. Nhiều ngày nay, khi lũ đã rút hẳn, bà con hàng xóm cùng tìm đến giúp anh Huệ đào bới những luống bùn đất nhão nhẹt để tìm cây giống còn sót lại với hy vọng đỡ bớt phần nào. Nhưng, sau nhiều ngày nằm sâu dưới những lớp bùn non, số cây giống có khả năng phục hồi cũng chỉ không tới 3 - 4%. “Mất hết rồi. Công cán, vốn liếng không còn chi nữa. Lũ phá sạch rồi” - anh Huệ ngậm ngùi.
Làm lại từ đầu
Lũ đã cuốn trôi gần 100 con heo cỏ trong khu chăn nuôi tập trung của gia đình, ông Avô Quốc Tổng (thôn Agiốc, xã Bha Lêê, Tây Giang) cho biết.
Để hình thành nên trang trại heo này, vợ chồng ông Tổng phải vay ngân hàng hơn 400 triệu đồng. Cộng thêm số tiền tích cóp được, vợ chồng ông “làm liều” mở rộng mô hình chăn nuôi với hơn 100 con heo cỏ địa phương. Gần 1 năm bỏ công chăm sóc, đàn heo đã tới thời điểm xuất chuồng. Nhưng ông Tổng nói, gia đình muốn nuôi thêm vài tháng nữa, đoạn tết sẽ bán một thể, tiếp tục xoay vòng làm kinh tế. Nào ngờ, đàn heo chưa kịp xuất bán, thì thiên tai ập đến. Hơn 80 con bị lũ cuốn, số còn lại chạy trốn lên rừng. Và cả 50 con gà ta cũng trôi theo dòng nước.
Ngành nông nghiệp thiệt hại gần 9 tỷ đồng
Theo báo cáo của UBND huyện Tây Giang, đợt lũ vừa qua đã khiến 103ha lúa nước vụ hè thu tại một số cánh đồng ven sông, suối ở địa phương bị ngập úng, cuốn trôi; hơn 25ha cây trồng lâu năm (gồm cam, cao su, keo...) và khoảng 35ha cây hàng năm bị vùi lấp hoàn hoàn. Ngoài ra, mưa lũ cũng cuốn trôi 150 con trâu, bò; 245 con heo; 3.910 con gia cầm và hơn 5ha ao nuôi cá của người dân. Tổng thiệt hại về sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản ước tính khoảng 8,9 tỷ đồng.
“Mấy ngày nay, vợ mình khó miết. Bả buồn, nói không biết lấy gì để trả ngân hàng. Nhưng số mình nó thế, có khó cũng không thể lấy lại được đàn heo. Mình động viên vợ, mai mốt sẽ làm lại từ đầu, khôi phục dần mô hình mà mình đã bỏ ra nhiều năm để theo đuổi” - ông Tổng tâm sự.
Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết, ngay sau đợt lũ, địa phương đã tiến hành kiểm tra, thống kê thiệt hại để có cơ sở báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ. Riêng về vườn ươm cây giống, địa phương sẽ áp dụng Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Quyết định 03 của UBND tỉnh về quy định mức hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
“Nhiều ngày qua, một số đơn vị và người dân địa phương cũng đã chung tay, góp sức hỗ trợ bằng tinh thần và vật chất, giúp các hộ dân bị thiệt hại được an ủi phần nào, có thêm động lực để vượt qua khó khăn, tiếp tục khôi phục các mô hình kinh tế” - ông Ta nói.