Hải đăng Kê Gà

TRẦN TRUNG SÁNG 20/09/2020 07:53

Nghe tiếng Mũi Kê Gà (hoặc Khe Gà) là một địa điểm du lịch nổi tiếng còn hoang sơ, với những phiến đá có hình thù độc đáo và đặc biệt là ngọn hải đăng cổ xưa in đậm giữa biển trời, cách TP.Phan Thiết chừng 20km, ngay khi đến Bình Thuận, chúng tôi đã lập tức lên kế hoạch tham quan khám phá nơi này.

Tác giả bài viết trước khung cảnh Hải đăng Kê Gà.
Tác giả bài viết trước khung cảnh Hải đăng Kê Gà.

Mũi Kê Gà là một hòn đảo nhỏ với diện tích khoảng 5ha. Sở dĩ có tên gọi Khe Gà hay còn gọi là Kê Gà vì mũi đất có khe giống đầu mỏ của một con gà. Ngoài ra, trong sách “Đại Nam nhất thống chí” còn ghi là Kê Dữ (tức “Đảo Gà”), là vì xưa kia nơi đây có đàn gà rừng với màu lông sặc sỡ sống bên khe suối có dòng nước ngọt chảy ra biển. Tuy nhiên, điều bỡ ngỡ đầu tiên, là một trong những điểm đến hấp dẫn quan trọng như vậy của Bình Thuận, thế nhưng với những người khách lạ như chúng tôi, việc tìm hướng chạy ô tô đến nơi không phải dễ dàng. Dọc đường đi, các biển hướng dẫn quảng bá cũng rất ít ỏi. Khi tìm ra địa điểm Mũi Kê Gà, chúng tôi đến bãi đón ca nô, nhận thấy nơi này tương đối vắng vẻ. Dịch vụ đón khách mang tính tự phát của người dân. Mũi Điện chỉ nằm cách bờ một quãng ngắn vài trăm mét. Người dân nơi đây nói rằng, vào rằm tháng Giêng, thủy triều rút mạnh, kéo biển ra xa sẽ xuất hiện một dải cát hiện ra nối mũi vào đất liền. Lúc đó, lội bộ ra đảo, chỗ sâu nhất chỉ chưa tới một mét.

Những phiến đá độc đáo trải đều dọc cảnh quan Mũi Kê Gà.
Những phiến đá độc đáo trải đều dọc cảnh quan Mũi Kê Gà.

Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh ngọn hải đăng cổ xưa, do kỹ sư người Pháp thiết kế. Lên khỏi các bậc tam cấp cao, là khuôn viên điểm tham quan khu di tích hải đăng, được xem “tài liệu sống” về một công trình kiến trúc độc đáo đã tồn tại gần 120 năm giữa khung cảnh thơ mộng, hữu tình nơi biển trời. Dọc lối dẫn vào ngọn hải đăng là những bậc thang bằng bê tông, hai bên trồng hàng hoa sứ. Nhiều người cho rằng, những cây sứ này được trồng ngay sau khi có ngọn hải đăng nên gốc sứ nào cũng to lớn. Nơi đây, có một số nhân viên thuộc Cục Đảm bảo An toàn Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) làm nhiệm vụ vận hành và bảo vệ đèn biển. Dường như họ cũng kiêm nhiệm hướng dẫn khách tham quan.

Hải đăng Kê Gà nằm trên đảo Khe Gà thuộc địa phận xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Hải đăng Kê Gà được xây dựng tháng 2.1897 và hoàn thành vào cuối năm 1898, do kỹ sư Chnavat (Pháp) thiết kế. Trên bản đồ địa lý Việt Nam, người Pháp ghi tên đảo là Kéga. Đây là một ngọn tháp cao thắp đèn dùng cho tàu thuyền giao thông trong khu vực, và đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất Việt Nam.

Theo lịch sử hàng hải, mũi đất này còn được người dân địa phương gọi là Mũi Điện do ngọn hải đăng ở đây phát sáng bằng năng lượng điện. Nơi đây được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Từ các thế kỷ trước đã có rất nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây và bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đáp ứng nhu cầu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài qua đây, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn hải đăng Khe Gà. Điều hấp dẫn khách du lịch khi đến với ngọn hải đăng chính là khoảnh khắc men theo những bậc thang xoáy lên đến đỉnh tháp để ngắm nhìn toàn bộ vùng biển từ những ô cửa kính. Ấn tượng đầu tiên khi đứng trên đỉnh tháp chính là cảm giác choáng ngợp trước sự mênh mông, bát ngát của đất trời trước mặt biển xanh thăm thẳm cùng những con thuyền nối đuôi nhau…

Câu chuyện về Hải đăng Kê Gà có lẽ không thể nào tìm hiểu thấu đáo trong một buổi tham quan ngắn ngủi. Thật sự, nơi đây là một điểm du lịch lý tưởng, trong lành, không có sự ăn theo của các dịch vụ xô bồ như ở nhiều nơi khác, nhưng cũng đáng băn khoăn: ngành du lịch địa phương đã có sự quan tâm đầu tư, chăm sóc đúng mức với một di sản quý hiếm như thế này hay chưa? Trước khi lên ca nô trở về bờ cũ, chúng tôi luyến tiếc ngoái đầu nhìn lại ngọn hải đăng. Lúc này trông nó như một ngòi bút, mà trang sách là bầu trời đang mở ra những câu chuyện diệu kỳ đượm màu cổ tích, và chúng tôi nhủ lòng hứa hẹn sẽ quay lại ở một dịp không xa.

TRẦN TRUNG SÁNG