Tập trung toàn lực khôi phục kinh tế

TRỊNH DŨNG 20/09/2020 07:49

Quảng Nam quyết tâm thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không để đứt gãy sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19. Song, dự báo không dễ phục hồi khi nền kinh tế địa phương không chỉ trông cậy ở nỗ lực riêng lẻ của doanh nghiệp - vốn đã hao tổn quá nhiều, mà còn tùy thuộc diễn biến dịch bệnh toàn cầu cùng khả năng hồi phục của các nền kinh tế.

Doanh nghiệp cố gắng phục hồi sản xuất. Ảnh: T.D
Doanh nghiệp cố gắng phục hồi sản xuất. Ảnh: T.D

KHÔNG ĐỂ ĐỨT GÃY

Giữ sản xuất, kết nối liên tục giao thương trước tác động bất lợi của đại dịch là điểm sáng, thành công của doanh nghiệp và nền kinh tế địa phương

Không bị đình trệ

Trường Hải được ghi nhận đủ sức chống đỡ trước tác động của đại dịch Covid-19 khi giao thương của doanh nghiệp này vẫn không bị đứt đoạn thông qua xuất khẩu linh kiện phụ tùng ô tô (nhíp, linh kiện nhựa, sơmi rơmoóc) và cả ô tô. Những chuyến tàu đã rời cảng Tam Hiệp mang theo nhiều bộ sơmi rơmóoc sang Mỹ, khung ghế ô tô bằng composite sang Nhật và ô tô sang Thái Lan. Tháng 8 cảng Chu Lai vẫn nhộn nhịp. Tàu vẫn ra vô bình thường.

Ông Nguyễn Văn Dương - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Kỳ Hà cho biết lượng hàng qua cảng chủ yếu của Trường Hải. Một số doanh nghiệp trên địa bàn đã nhập cảng Trường Hải như Ducksan Vina nhập vải trực tiếp về cảng thay vì nhập về TP.Hồ Chí Minh và cho xe kéo về Quảng Nam.

Doanh nghiệp cố gắng phục hồi sản xuất.Ảnh: T.D
Doanh nghiệp cố gắng phục hồi sản xuất.Ảnh: T.D

Không chỉ Trường Hải, khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng chủ lực như Tuấn Đạt, Panko, Groz Beckert, Việt Vương, Trường Giang, Hysosung… (sản phẩm ngành may mặc, vải sợi, y tế), CCI Việt Nam (chíp điện tử), Gỗ Cẩm Hà (sản phẩm gỗ), Hữu Toàn Chu Lai (máy phát điện), Đại Dương Kính (sản phẩm kính)… đã tìm được đường đi (dù hẹp) để nối liền mạch giao thương với các thị trường trên thế giới.

Ông Lê Thành Khang – Cục trưởng Cục Hải quan nói tác động của Covid-19 đến xuất nhập khẩu không nhiều. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nguyên liệu được doanh nghiệp dự trữ và đa dạng thị trường xuất khẩu (Nhật, Mỹ, Hàn, EU…) nên xuất khẩu vẫn không suy giảm nhiều.

Theo thống kê của Cục Hải quan, chỉ trong tháng 7 và 8.2020, đã có gần 500 lượt doanh nghiệp làm thủ tục hải quan với hơn 15.000 tờ khai (tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2019), 20 chuyến tàu xuất hàng may mặc, giày, chíp điện tử, vật tư xây dựng và 6 tàu nhập khẩu gồm linh kiện ô tô, linh kiện điện tử, nguyên liệu sản xuất gạch men, điện năng, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu sản xuất hàng xuất khẩu, máy móc thiết bị tái nhập khẩu… Suy giảm chung, số thu ngân sách của xuất nhập khẩu dù giảm 43,82% so cùng kỳ 2019 nhưng cũng đã đạt 39,55% chỉ tiêu.

“Các doanh nghiệp đã chủ động thúc đẩy thị trường, mở rộng tìm kiếm thị trường xuất, nhập khẩu mới thay vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nên vẫn có đơn hàng xuất khẩu. Việc giữ cho xuất khẩu không bị tăng trưởng âm có thể được xem là một trong những thành công của doanh nghiệp địa phương của những tháng qua” – ông Lê Thành Khang – Cục trưởng Cục Hải quan nói.

Trường Hải vẫn mở rộng sản xuất và liên tục xuất xưởng xe thế hệ mới. Ảnh: T.D
Trường Hải vẫn mở rộng sản xuất và liên tục xuất xưởng xe thế hệ mới. Ảnh: T.D

Cơ hội vực dậy thị trường

Thiếu hụt nguyên liệu nhập khẩu hay khó khăn tìm kiếm nguyên liệu, thị trường thay thế, khiến doanh nghiệp không thể gia tăng sản xuất, xuất khẩu là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh chuỗi cung ứng toán cầu bị đứt gãy bởi đại dịch. Song, theo những chuyển động của thị trường (từ sự linh hoạt của doanh nghiệp, các hiệp định thương mại - FTA mới…) đã mang lại những chỉ dấu lạc quan về một cơ hội vực dậy thị trường sản xuất.

Ngày 9.9, Trường Hải đã chính thức xuất xưởng xe Kia Seltos sản xuất tại Chu Lai. Kia Seltos đã nhận được hơn 2.000 hợp đồng đặt mua xe chỉ sau 10 ngày ra mắt - một con số ấn tượng, phá vỡ kỷ lục của các mẫu xe du lịch Kia trước đây tại thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Bảo - Phó Tổng giám đốc phụ trách sản xuất Trường Hải cho biết doanh nghiệp đã kịp thời đề ra các giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh. Duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ vững doanh số, thị phần tại thị trường Việt Nam và mở rộng thị trường xuất khẩu. Kế hoạch của Trường Hải đến cuối năm 2020 sẽ xuất khẩu 1.300 bộ khung ghế composite, 5.100 tấn nhíp, hơn 1.400 xe các loại, hàng trăm sơmi rơmóoc, 150.000 tấn trái cây…

Ông Nguyễn Văn Dương - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Kỳ Hà cho biết số thu các mặt hàng linh kiện, bộ linh kiện, máy móc thiết bị của Trường Hải (chiếm hơn 90% tổng số thu của chi cục này) đã giảm từ 465 tỷ đồng (tháng 1), xuống còn 55 tỷ đồng hồi tháng 4 và có cải thiện vào tháng 5. Tăng trưởng rõ nhất khi số thu tháng 6.2020 đã tăng lên 468,84 tỷ đồng (tăng 109% so tháng trước). Không chỉ vậy, ngay tháng 7 và 8 này, đã có 143 tổ chức, cá nhân làm thủ tục hải quan với 861 tờ khai xuất khẩu và 3.999 tờ khai nhập khẩu (tăng 22,53% so cùng kỳ năm ngoái) với những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng giày da, hàng gia công may mặc, nông sản, chíp điện tử… Hàng nhập khẩu gồm bộ linh kiện, linh kiện ô tô, nguyên phụ liệu hàng may mặc, giày da, linh kiện chíp thô sản xuất chíp điện tử. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp đã sẵn sàng cho năng lực sản xuất, xuất khẩu những tháng còn lại của năm 2020 cho dù dịch bệnh vẫn tiềm ẩn đầy nguy cơ!

DÒ ĐÁ... QUA SÔNG

Xã hội đã trở lại “bình thường mới”. Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch tái sản xuất, kinh doanh. Nhưng chủ yếu vẫn cầm chừng, nghe ngóng từ tín hiệu thị trường.

Tái phục hồi

Gỡ bỏ lệnh giãn cách. Thị trường như một đường ống nước được tháo nút. Có thể dễ dàng hiểu quá lâu sống trong giãn cách, không thể kinh doanh, các doanh nghiệp nóng lòng mở cửa. Lê Nguyên Hàng – chủ quán cà phê Mun ở Hội An nói ngay khi lệnh mở cửa ban bố, quán đã mở. Không phải chịu cảnh thuê mặt bằng, nên không mấy áp lực về việc thiếu khách, nhưng hàng quán có đông trở lại chắc phải đợi thêm nhiều ngày nữa.

 Việc phục hồi không dễ như dự định. Mỹ Sơn, Hội An có mở cửa đón khách cũng chỉ nuôi dưỡng “lửa” kinh doanh chứ không thể nào đạt con số khách như các năm. Ông Phan Xuân Thanh – Tổng Giám đốc Công ty Emic Hospitality Hội An nói 90% doanh nghiệp đóng cửa hết trong đại dịch. Lệnh giãn cách đã được gỡ bỏ, nhưng khó có thể tính toán. Quảng Nam thuộc điểm nóng nên chắc từ nay đến tết cũng chưa có nhiều khách. Vẫn còn nhiều nhà hàng, khách sạn chỉ bố trí nhân viên nội địa. Ngay như Emic đã đầu tư 400 - 500 triệu đồng cho sự kiện khởi động lại du lịch hồi tháng 7.2020 chưa rút được vốn đã bị đứng. “Khởi nghiệp lần 2 không được thì chờ đến lần 3” – ông Thanh nói.

Ngành du lịch đang đón những dấu hiệu hồi sinh tích cực thì làn sóng dịch lần thứ hai bùng phát đã đẩy doanh nghiệp một lần nữa lao đao. Diễn biến dịch bệnh thế giới vẫn bất thường nên không thể dự đoán được điều gì. Tại Quảng Nam, mùa hè - mùa du lịch cao điểm đã hết. Cuối năm là mùa thấp điểm (khi không khách quốc tế). Doanh nghiệp chỉ còn cầm cự, chờ cơ hội tết hoặc năm 2021.

Những con số trong các báo cáo không phản ánh đủ sự khó khăn trong cuộc sống của người dân. Hàng trăm, hàng ngàn nhân viên làm việc tại các công ty du lịch, dịch vụ như nhà hàng, khách sạn bị thất nghiệp. Họ buộc phải quay trở lại các nghề cũ, hay tìm các công việc đơn giản khác để cố “sống sót” qua ngày chờ doanh nghiệp tái hoạt động.

Ông Phạm Vũ Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Hoa Hồng nói mới mở cửa lợp lại mái nhà cho dự án ở Đông Giang. Giờ chỉ còn biết làm mới các sản phẩm chuẩn bị chào mời khách khi thị trường hồi phục. Có thể phải chờ đến năm sau!

Cầm cự, chờ thời

Bão Covid-19 đã càn quét khiến số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ngày càng gia tăng. Không ai đủ khả năng dự báo con số rời bỏ thị trường chỉ dừng ở con số 600 doanh nghiệp (như báo cáo của UBND tỉnh).

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương nói doanh nghiệp khó khăn là điều dễ hiểu. Cái khó của doanh nghiệp là phụ thuộc quá nhiều vào sự phục hồi của thị trường thế giới. Sáu tháng đầu năm đã khó. Nhưng sẽ không khó bằng 6 tháng cuối năm nay. Sau đợt giãn cách trước còn chút hy vọng để hồi phục, hy vọng có thêm đơn hàng mới nhưng giờ thì không còn nguyên liệu nữa để sản xuất. Doanh nghiệp sẽ phải dồn toàn lực để cầm cự, chờ thời cơ phục hồi.

Ông Trần Đình Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay những dự báo hay thống kê về tăng trưởng kinh tế địa phương đã bị phá sản. Không ai có thể dự báo sự vận hành của nền kinh tế địa phương sẽ đi về đâu, không dễ tiên lượng.

Không như những doanh nghiệp có tiềm lực, nhưng doanh nghiệp nhỏ lẻ khác đứng bên bờ vực phá sản. Theo ông Nguyễn Quang Thử, hiện có khoảng 85% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường, 60% doanh nghiệp thiếu vốn, đứt dòng tiền kinh doanh, trên 40% thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. Khoảng 82% doanh nghiệp cho biết doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019 và có tới 30% doanh nghiệp dự báo có thể sụt giảm tới 30 - 50% và 10% doanh nghiệp buộc phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. “Sẽ phải xác định khả năng nền kinh tế phục hồi sau vài năm nữa. Việc trở lại nhịp điệu kinh tế bình thường sẽ rất khó” – ông Thử nói.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, tình trạng tiếp tục “ngủ đông”, chờ thời vẫn tái diễn. Ông Văn Công Mẫn – Giám đốc Công ty TNHH Việt Quang (Duy Xuyên) nói sau khi lệnh giãn cách lần trước được gỡ bỏ, doanh nghiệp chỉ xuất được vài chuyến hàng thì lại chịu cảnh thiếu nguyên liệu. Nguyên liệu dự trữ chỉ đủ vận hành sản xuất trong vài tháng là hết. Mọi hy vọng xúc tiến thương mại quốc gia tìm kiếm thị trường mới đã bị “đổ bể” khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu. Giờ doanh nghiệp chỉ biết cho nhân công tạm thời nghỉ việc, cầm cự, chuẩn bị tốt các điều kiện để tận dụng thời cơ sau sau khi dịch bệnh đi qua.

Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai cho biết các doanh nghiệp ở KCN vẫn hoạt động nhờ các đơn hàng đã được ký kết từ trước. Nhưng nhìn chung, họ đã thu hẹp sản xuất, chờ đợi sự phục hồi của kinh tế thế giới mới có thể mở rộng đầu tư hay sản xuất. Giám đốc Đồng Tâm Miền Trung - ông Huỳnh Văn Thanh nói cũng đã giảm công suất, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cầm cự để tiếp tục sống sót.

Tác động tiêu cực của đại dịch vẫn “đóng đinh” trên các doanh nghiệp. Giám đốc  Công ty TNHH Thương mại & xuất, nhập khẩu Việt Thắng Quảng Nam Nguyễn Xuân Nhàn cho biết hàng nông sản công ty vốn từng xuất sang Nhật Bản, Nga… Nhưng đại dịch đã khiến doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu nguyên liệu đầu vào nên lựa chọn hiện thời duy nhất của họ là sản xuất cầm chừng, không thể nào đẩy mạnh sản xuất, sử dụng lao động luân phiên, nằm im chờ thời. Chưa biết bao giờ có thể hồi phục trạng thái doanh nghiệp như cũ.

CHÍNH QUYỀN HÀNH ĐỘNG

Chính quyền địa phương đã lên kế hoạch đồng hành với doanh nghiệp để vực dậy nền kinh tế.

Hội An vẫn vắng khách.Ảnh: T.D
Hội An vẫn vắng khách.Ảnh: T.D

Kế hoạch “giải cứu thị trường”

 Du lịch, dịch vụ gần như bị tê liệt. Khó có thể lấy lại sinh khí, thậm chí sự trì trệ này sẽ còn kéo dài đến hết năm 2021. Lối thoát cho nền kinh tế hiện thời của Quảng Nam chủ yếu trông chờ vào sự phục hồi của thương mại và sản xuất. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương nói kế hoạch khôi phục kinh tế đã được sắp xếp từ sau đợt dịch lần 1 sẽ được tiếp diễn.

Chính quyền đã lên lịch rà soát, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện Chính phủ điện tử, tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi tối đa cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Hải quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu, cảng biển. Sẽ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tại thị trường các nước có FTA. Nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại kết nối cung cầu sẽ được mở. Quảng bá, tuyên truyền, kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa. Lồng ghép các hoạt động hỗ trợ phát triển hàng hóa, sản phẩm vào các chương trình (chẳng hạn OCOP). Một chiến dịch kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ được triển khai thực hiện dài hơi. Thực hiện nhanh, đúng các chính sách về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp theo các Nghị quyết của Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh - ông Lê Trí Thanh cho rằng việc phục hồi, đưa đời sống xã hội trở lại bình thường là điều cực kỳ quan trọng. Quảng Nam chống dịch tốt, kịp thời, dứt điểm trong một thời gian ngắn, nhưng quan trọng hơn là đừng để cho xã hội tệ liệt. Khôi phục lại các hoạt động kinh tế ở mức tốt nhất có thể. Không nên để quá lâu. Doanh nghiệp đã kiệt quệ. Cần chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thẩm quyền của địa phương, từ các dự án, công trình đang triển khai, từ tư nhân đến Nhà nước.

“Chỉ có khơi thông dòng tiền vào thị trường mới kích thích tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Khoan nói đến những công trình, dự án chưa có nguồn hoặc mới kêu gọi đầu tư, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ cho những dự án nào nhà đầu tư sẵn tiền, nhưng vướng giải phóng mặt bằng. Thường trực UBND tỉnh sẽ phân công, ít nhất mỗi tuần có 1 lãnh đạo đến doanh nghiệp động viên, tháo gỡ trực tiếp khó khăn cho doanh nghiệp” – ông Thanh nói.

Kỳ vọng vào các giải pháp

Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở KH&ĐT nói tỉnh đã có một kế hoạch cụ thể để phục hồi kinh tế, đảm bảo tăng trưởng. Trường Hải chiếm tỷ trọng cao nhất trong nền kinh tế địa phương. Nhưng nếu doanh nghiệp này chỉ sản xuất cầm chừng, thì sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế sẽ rất khó khăn. UBND tỉnh sẽ làm việc cụ thể với Trường Hải để doanh nghiệp này tiếp tục sản xuất, chấp nhận tồn kho, nhưng nền kinh tế có động lực phát triển. 

Quảng Nam sẽ có chương trình kích cầu, cho vay, hay đưa ra các giải pháp tháo gỡ khác nhằm giúp doanh nghiệp một tay. Điện thương phẩm có thủy điện hay không phụ thuộc vào điều hành chung của điều độ quốc gia. Quảng Nam sẽ làm việc với các thủy điện khi thời điểm hiện nay địa phương thiếu hụt điện thương phẩm, không nên giữ cơ cấu của Bộ Công Thương nữa, chấp nhận mất một chút ít nước dự trữ và phát điện thương phẩm lên 10 - 20%, tháo gỡ, giúp nền kinh tế địa phương phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

Bia và nước giải khát, dự kiến mỗi năm sản xuất hằng trăm triệu lít nhưng hiện chỉ đạt chưa đến 50%, có lúc 35% thì khó có thể dễ dàng phục hồi, tăng trưởng kinh tế được. Chính quyền động viên doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Sẽ khó vì doanh nghiệp quyết định chuyện sản xuất, kinh doanh của họ. Nhưng động viên doanh nghiệp chấp nhận đẩy mạnh sản xuất. Không cần 100% như dự định mà chỉ 60%, chấp nhận tồn kho chút ít. Chính quyền sẽ có những biện pháp khuyến khích người tiêu dùng.

“Những giải pháp cụ thể đưa ra như vậy, tin rằng không riêng gì 3 lĩnh vực trọng yếu ấy mà các lĩnh vực tác động khác có địa chỉ, đủ khả năng để phục hồi nền kinh tế đến mức có thể” – ông Phong nói

Kế hoạch ấy có đủ độ hữu hiệu, có tác dụng đủ mạnh để cứu sự sống sót của doanh nghiệp, vực dậy sự khả quan của nền kinh tế… hay không, vẫn chờ từ thực tế của thị trường! Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương thì cũng phải đành tùy thuộc diễn biến của dịch bệnh, thị trường thế giới, mới có thể phục hồi mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh hay không. Hiện thời chưa thể dự báo được điều gì cụ thể!

TRỊNH DŨNG