Về nghe, miên man phố buồn
Dịch Covid-19 đã tạm lắng xuống nhưng với lao động ngành du lịch và cả cư dân đô thị phát triển mạnh nhờ du lịch như Hội An điều đó mới chỉ làm vơi đi một nửa nỗi lo của họ. Chừng nào chưa có nhiều khách, phố vẫn sẽ cứ buồn.
Chưa qua bĩ cực
Sớm cuối tuần, phố xá rộn ràng hơn một chút khi cả Quảng Nam – Đà Nẵng đều đã dỡ bỏ cách ly xã hội. Ngay mép Chùa Cầu, cà phê bụi một bên, cà phê cóc một bên lạo xạo thanh âm kẻ cười, người nói bàn tán về những ngày ám ảnh đã qua. “Được xí buổi sáng thôi chớ chặp nữa là trống trơn à. Mà bán được tàng tàng là cũng mừng rồi, còn hơn dịch bệnh cứ lần quần miết không còn chi mà ăn” - bà chủ quán đứng tuổi chép miệng.
Mới đây thôi, đi khắp ngả đường Hội An, đâu đâu cũng thấy người ta rầm rộ mở dịch vụ lưu trú, ăn uống cao cấp như nấm mọc sau mưa để “hái” tiền từ đủ các dòng khách Tây, Tàu, ta ùn ùn đổ về không lúc nào ngớt. Còn bây giờ, từ lộ chính đến kiệt hẻm, nhà nhà tính chuyện bán cà phê, đồ ăn sáng để cầm cự “thở oxy” qua dịch Covid-19. Phần lớn chậc lưỡi “trăm người bán vạn người mua”, người dân dù khó mấy cũng phải ăn uống bình dân, thế là hàng quán hôm sau mọc lên nhiều hơn hôm trước.
Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An trầm ngâm nói: “Bây giờ các anh thử đi dọc vỉa hè thành phố xem những người bán đó là ai, phần nhiều là nhân viên khách sạn, nhà hàng hết chứ đâu. Một số bạn trẻ khác thì đành tạm bấm bụng đi làm phụ hồ để có đồng ra đồng vào. Rất xót ruột!”.
Còn ông Nguyễn Hai – Phó Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam thì kể thêm: “Có cặp vợ chồng đều làm du lịch, tiền hồi mô cũng rủng rỉnh ăn tiêu thoải mái. Đùng một cái dịch tới, mấy tháng nay thất nghiệp đành phải nấu sữa đậu nành bán ngay trước nhà, ngày chỉ kiếm đâu được mấy chục ngàn. Rứa mà vẫn phải làm”. Riết hồi, nhiều người dân Hội An nghe phong phanh dịch bệnh ở đâu đó thì âu lo cho sức khỏe đã đành mà ngao ngán về việc ngành du lịch tiếp tục “đóng băng” gấp bội phần.
Mấy hôm rồi, một số điểm du lịch, cơ sở dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã rục rịch mở cửa trở lại nhưng từ Nhà nước đến tư nhân đều gọi là mở “cho có không khí” chứ nguồn thu nếu có cũng chẳng thấm vào đâu với chi phí vận hành.
Qua một cuộc khảo sát nhỏ về xu hướng đi du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng sau đợt dịch Covid-19 vừa rồi của anh Lê Quốc Việt – Giám đốc Holejob.vn (một website tuyển dụng chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch) thì có đến gần 60% người trả lời cho biết họ phải đợi sang năm xem thế nào hoặc sẽ đi du lịch trong nước nhưng tạm thời chưa phải là Hội An – Đà Nẵng. Xem chừng du lịch địa phương sẽ vẫn còn khó dài dài. Phần đông các shop hàng, cửa hiệu trong khu vực phố cổ vẫn chẳng buồn mở cửa trở lại.
“Vì sao? Vì chống cửa lên là hàng quán phải thực hiện nghĩa vụ thuế, nên họ cũng ngại. Dù cho sắp tới khách nội địa có rục rịch quay lại thì một tháng cũng chỉ đông đúc được vài ba ngày, cửa hàng làm sao trang trải nổi chi phí. Thế là phố vẫn cứ buồn, then vẫn cứ cài” - ông Nguyễn Sự bộc bạch.
Chật vật giữ lửa nghề
Du lịch – dịch vụ chiếm đến hơn 70% giá trị nền kinh tế của TP.Hội An và có tác động rất lớn đến lực lượng lao động trực tiếp, gián tiếp của một số địa phương lân cận như Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình. Mọi năm, cứ đến dịp lễ lạt khi các ngành nghề khác xả hơi thì lao động du lịch quần quật làm việc, tăng ca và hầu như không có khái niệm nghỉ lễ. Lần đầu tiên, mấy chục ngàn lao động du lịch ở địa phương “bất đắc dĩ” phải ngồi chơi xơi nước trong dịp Quốc khánh vừa rồi với tâm thế chẳng mấy vui vẻ.
Trong câu chuyện cà kê của họ khi túm tụm với nhau không còn đại loại là “tuần tới có tour chưa”, “đoàn khách đó thế nào”… mà là xoay quanh việc đã nhận được kinh phí hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19 chưa. Với họ bây giờ, nhận được mức hỗ trợ dù là theo diện lao động hợp đồng hay lao động tự do cũng đều đáng mừng cả.
Anh Trần Hữu Phúc – nhân viên ở một resort ven biển TP.Hội An chia sẻ: “Vui một chút khi tôi vừa được hỗ trợ 1,8 triệu đồng để trang trải nhưng cũng khá băn khoăn do hơn một tháng nay bản thân phải tạm nghỉ làm và chưa biết khi nào mới được đi làm trở lại”.
Tâm sự của anh Phúc là nỗi lòng của nhiều lao động du lịch khác bởi hầu hết doanh nghiệp có gắng gượng mấy qua đợt dịch lần thứ nhất thì họ cũng phải chấp nhận chấm dứt hợp đồng với rất nhiều lao động sau đợt dịch thứ hai vừa rồi để nhân viên nhận bảo hiểm thất nghiệp. Còn nghề du lịch sau này liệu có còn gắn bó lại không thì đành phải để... tính sau.
Làm gì cũng vậy, lâu ngày không đụng đến rất dễ “lụt nghề”, huống chi là nghề du lịch vốn đang hướng đến việc đào tạo, nâng cấp nguồn nhân lực để tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao. Hơn nửa năm trời chẳng còn tâm trí đả động đến ngoại ngữ, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ khách hàng là điều rất đáng lo ngại.
Với mục tiêu hướng Quảng Nam đến du lịch chất lượng cao, du lịch bền vững thì điều này càng trăn trở gấp bội phần. Thế là Hiệp hội Du lịch Quảng Nam mày mò tạo ra chuỗi livestream “Giữ lửa nghề - gặp gỡ chuyên gia” hàng tuần để mọi người có một chỗ khơi gợi lại tình yêu nghề và phần nào đó “bổ túc” kiến thức cho người lao động bớt hụt hẫng, giữ niềm tin với du lịch. Đã vậy có hôm chẳng trơn tru, chương trình bị lỗi kỹ thuật đành hoãn lại nhưng họ không bỏ cuộc, khắc phục và làm lại. Thôi thì mỗi người một chút, góp lại để tương tác từ “Địa lý du lịch”, “Tập quán, kỹ năng phục vụ khách châu Âu” đến “Quản trị doanh nghiệp”… để biết rằng vẫn còn nhiều người đam mê, khắc khoải với nghề.
Để du lịch bền vững hơn
Du lịch Quảng Nam năm nay “lên bờ xuống ruộng” là chuyện đã rồi và là thực tế không thể xoay chuyển nhưng bĩ cực nào rồi cũng sẽ qua. Điều quan trọng là sự kiên định trong việc “trở mình” để một ngày không xa du lịch địa phương bền vững hơn. Nhưng ai cũng biết, nói dễ làm khó. Trong “quãng nghĩ” giữa hai đợt dịch, ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhìn nhận: “Nếu không có dịch bệnh Covid-19 thì hầu như các doanh nghiệp không có thời gian và chẳng mấy mặn mà nhìn nhận lại cách làm du lịch của mình nhằm thay đổi để hướng tới sự bền vững cho chính mình và ngành du lịch địa phương. Và nếu nhìn vào mặt tích cực thì dịch bệnh gần như là dịp duy nhất để chúng ta thay đổi, nếu không thì rất khó còn cơ hội nào khác một khi ngành du lịch phục hồi”.
“Tại sao chúng ta không hình thành tư duy sử dụng nhiều hơn thay vì chỉ chăm chăm sở hữu? Cái mà ngành du lịch cần là những sản phẩm độc đáo trên nền tảng bãi biển, dòng sông của quê hương; trên cánh đồng lúa đang canh tác của người dân chứ không nhất thiết phải sở hữu nó” - ông Thanh trăn trở.
Chợt nhận ra câu chuyện ông Thanh đề cập không chỉ là giải pháp mở cho tương lai để du lịch Quảng Nam thực sự trở thành một điểm đến “xanh”, bền vững mà còn là vấn đề thời sự ngay tại địa phương khi không ít nhà đầu tư đang đau đầu tìm “mối” sang nhượng lại khách sạn, bất động sản để cắt lỗ.
Câu chuyện làm chúng tôi nhớ đến chi tiết ông Nguyễn Sự chia sẻ: “Ở một chừng mực nào đó thì nông dân Hội An khá ung dung tự tại trong những ngày dịch bệnh hoành hành bởi một khi không còn nguồn thu từ du lịch họ vẫn cần mẫn thu hoạch trên những cánh đồng, biển khơi”.
Tất nhiên là một khi lồng ghép để phát triển du lịch bằng cách sử dụng sản phẩm đặc sắc phục vụ du khách thì giá trị gia tăng sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Ai cũng thấy, ai cũng nói nhưng cốt yếu nhất vẫn chờ hành động…