ASEAN và kế hoạch “đại dương không rác nhựa”
Trước thực trạng báo động rác nhựa tại khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung, các quốc gia ASEAN xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm làm sạch đại dương.
Theo các nhà khoa học, đại dương đóng một vai trò thiết yếu đối với sự sống trên trái đất, từ việc cung cấp khí ô xy mà chúng ta hít thở, thức ăn đến điều hòa khí hậu. Tuy vậy, các hoạt động của con người liên tục đe dọa đại dương như đánh bắt hải sản quá mức, thậm chí hủy diệt, tác động của biến đổi khí hậu, gây ô nhiễm môi trường dại dương, nhất là rác nhựa.
Theo ASEAN Post, các quốc gia thành viên ASEAN có tổng cộng 173.000km đường bờ biển, sở hữu một phần ba các sinh cảnh biển và bờ biển trên thế giới, cung cấp nhiều nguồn tài nguyên quan trọng cho sinh kế của các cộng đồng ven biển với hàng triệu người. Tiến sĩ Theresa Mundita S. Lim, Giám đốc điều hành Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN nói: “ASEAN là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, song, các hệ sinh thái gần bờ của khu vực này trở nên dễ bị tổn thương”.
Ước tính có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa đổ vào các đại dương mỗi năm, và tổng cộng có 150 triệu tấn rác thải nhựa đã tích tụ trong những năm qua. Trong khi hầu hết loại rác nhựa sẽ còn nguyên vẹn trong nhiều thập kỷ hoặc nhiều thế kỷ, có những loại nhựa bị phân hủy trở thành vi nhựa, bị cá và động vật hoang dã khác ăn phải, nhanh chóng xâm nhập chuỗi thực phẩm toàn cầu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Tháng 6.2019, 10 nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN đưa ra Tuyên bố Bangkok về chống lại rác thải nhựa đại dương, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 34 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan.
Đáng chú ý, Thái Lan đã thực thi hiệu quả các chính sách mới, với ba loại nhựa bị cấm vào năm 2019 bao gồm hạt vi nhựa (có trong các loại mỹ phẩm), màng nhựa bọc chai và nhựa phân hủy sinh học. Chính phủ Thái Lan xây dựng lộ trình quản lý chất thải nhựa giai đoạn 2018 - 2030 để chấm dứt việc sử dụng nhựa sử dụng một lần, hạn chế tối đa rác nhựa đổ vào đại dương. Tiếp đến là đầu năm nay, Thái Lan bắt đầu cấm túi nhựa dùng một lần tại các cửa hàng lớn.
Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Thái Lan Varawut Silpa-Archa cho biết, trước đây Thái Lan từng đứng thứ 6 trên thế giới về lượng rác nhựa thải đổ ra biển. Tuy nhiên, lệnh cấm trên giúp Thái Lan hiện tụt xuống thứ 10. Đây cũng là một trong những bước đi tiếp theo để Thái Lan cấm hoàn toàn túi nhựa dùng một lần vào năm 2021. Kế hoạch tiếp theo là sẽ cấm thêm được 4 loại nhựa dùng 1 lần, bao gồm túi nhựa, hộp xốp, cốc nhựa và ống hút vào năm 2022.
Sau đảo Bali và một số địa phương khác, thủ đô Jakarta của Indonesia cũng bắt đầu ban hành lệnh cấm túi ni lông sử dụng một lần tại các chợ truyền thống và siêu thị, có hiệu lực từ 1.7 vừa qua. Người đứng đầu cơ quan môi trường của Jakarta, ông Andono Warih cho biết, lệnh cấm trên giúp nâng cao nhận thức của người dân đối với việc bảo vệ môi trường, chuyển sang sử dụng các loại túi có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường hơn thay vì túi ni lông. Tương tự, Bộ Môi trường Campuchia cũng lên kế hoạch cấm nhập khẩu và sản xuất đồ nhựa sử dụng một lần nhằm giảm tình trạng ô nhiễm rác nhựa tại nước này.
Philippines, nơi mỗi năm thải ra 2,7 triệu tấn rác nhựa đã chính thức ban hành lệnh cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, thìa, dĩa, dao và túi ni lông nhằm giảm rác thải nhựa và bảo vệ môi trường tại các cơ quan chính phủ đến địa phương...