Vì sao bị khô miệng, điều trị thế nào?
(QNO) - Khô miệng xảy ra khi tuyến nước bọt hoạt động không tốt, điều này dễ xảy ra vào những ngày thời tiết hanh khô hoặc nắng nóng.
Dấu hiệu của chứng khô miệng
Khô miệng là tình trạng người bệnh không tiết ra được đủ lượng nước bọt (hay nước miếng) để khoang miệng đủ ẩm ướt, việc này dẫn đến cảm giác khô rát và rất khó chịu trong miệng.
Dấu hiệu đầu tiên của khô miệng là họng và niêm mạc cảm thấy khô rát, đôi khi gây ra cảm giác nóng rát, lưỡi giảm vị giác. Khó khăn trong việc nhai, nuốt và nói. Khó khăn trong việc sử dụng răng giả. Dễ bị sâu răng và dể mắc bệnh nha chu. Teo, nứt niêm mạc (đặc biệt là môi) và gây chảy máu. Nhiễm trùng ngược dòng của các tuyến nước bọt. Nhiễm trùng niêm mạc miệng hiếm khi xảy ra và khi nó xảy ra thường là do nấm vòm miệng.
Ở một số trường hợp, khô miệng còn được nhận biết khi miệng xuất hiện vết lở loét kéo dài, môi bị nứt nẻ. Các vết lở còn xuất hiện quanh khóe miệng. Thiếu nước bọt có thể gây ra bệnh nướu răng và sâu răng.
Cách chữa tình trạng khô miệng
Uống nhiều nước
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mất nước là một trong những yếu tố chính gây khô miệng. Vì thế, tăng lượng nước uống hàng ngày có thể giúp điều trị mất nước nhẹ.
Hạn chế thói quen làm giảm lượng nước trong cơ thể
Tránh chất caffeine: Đồ uống chứa caffein như trà hoặc cà phê làm tăng bài tiết, khiến cơ thể mất nước, gây khô miệng.
Hạn chế sử dụng rượu: Rượu có thể làm mất nước, góp phần gây khô miệng. Vì thế khi bị khô miệng, bạn nên uống nước thay vì rượu.
Bỏ thuốc lá: Cắt giảm hoặc bỏ thuốc lá có thể làm giảm các triệu chứng khô miệng.
Giảm tiêu thụ đường: Giống như caffeine, rượu và hút thuốc, đường có thể làm cơ thể mất nước. Bạn nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm có đường, đặc biệt là nước ngọt để giảm các vấn đề khô miệng.
Chăm sóc sức khỏe răng miệng
Đánh răng hàng ngày bằng kem đánh răng có chất fluoride và bàn chải có lông mềm. Nếu lông bàn chải khô cứng gây đau rát, hãy thử ngâm bàn chải trong nước ấm.
Xoa bóp bên ngoài theo hướng hàm răng mỗi ngày một cách nhẹ nhàng. Tránh sử dụng chỉ nha khoa nếu răng chảy máu hoặc đau nhức.
Ngậm kẹo không đường
Kẹo không đường có thể giúp giảm khô miệng trong thời gian ngắn. Nhóm này bao gồm các sản phẩm như: thuốc ho, viên ngậm hoặc những loại kẹo khác không sử dụng đường tinh luyện.
Nhai kẹo cao su
Kẹo cao su không đường cũng giúp giảm khô miệng trong ngắn hạn. Ngoài ra, một số kẹo cao su có chứa xylitol, giúp kích thích sản xuất nước bọt.
Sử dụng nước súc miệng không cồn
Dù nước súc miệng có hiệu quả trong việc cải thiện vệ sinh răng miệng tổng thể, chất cồn có thể gây khô miệng tương tự như rượu. Ngược lại, nước súc miệng chứa xylitol giúp thúc đẩy sản xuất nước bọt.
Tránh thở bằng miệng
Thở bằng miệng có thể làm cho khô miệng tồi tệ hơn và gây ra các vấn đề sức khỏe răng miệng khác. Hãy thử tập thở bằng mũi thay vì miệng trong những tình huống đặc biệt, chẳng hạn như khi tập thể dục.
Sử dụng máy tạo độ ẩm
Máy tạo độ ẩm giúp giảm khô miệng đơn giản bằng cách tăng thêm độ ẩm cho môi trường của bạn.
Tránh một số loại thuốc
Hơn 90% các trường hợp khô miệng là do thuốc. Một nghiên cứu tổng hợp của các nhà khoa học đến từ Iran, Ấn Độ, Anh, Mỹ vào năm 2017 cho thấy những loại thuốc phổ biến có thể gây khô miệng bao gồm: thuốc kháng dị ứng histamine; thuốc chống tăng huyết áp; thuốc ổn định nội tiết tố; thuốc giãn phế quản.
Nếu bạn cho rằng đơn thuốc đang dùng gây ra khô miệng, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn và đừng tự ý ngưng thuốc.
Sử dụng thảo dược
Nhiều loại thảo mộc có thể giúp kích thích sản xuất nước bọt và tạm thời làm khô miệng, chẳng hạn như:
Nha đam (Aloe barbadensis): Chất gel hoặc nước ép bên trong lá cây nha đam (lô hội) có tác dụng giữ ẩm cho miệng.
Gừng (Zingiber docinale): Gừng là loại thảo dược quen thuộc, và theo một nghiên cứu từ Iran năm 2015, gừng còn giúp kích thích sản xuất nước bọt, giảm khô miệng.
Rễ cây Thục Quỳ (Mãn đình hồng): Rễ cây thục quỳ có tác dụng giữ ẩm tương tự như lô hội.
Hạt ớt (Capsicum annuum): Theo cứu từ đại học Hazara (Pakistan) vào năm 2017, vị cay từ hạt ớt có thể làm tăng tiết nước bọt.